LTS: Trong bài viết sau đây, cô giáo Thuận Phương bày tỏ nỗi bức xúc của giáo viên khi bị cấp trên ép đi học nâng ngạch vừa tốn kém vừa không hiệu quả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, lấy lý do cấp trên chỉ đạo, Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã làm công văn bắt buộc hơn 1.000 giáo viên trong biên chế ở địa phương phải đăng ký đi học, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Và chẳng riêng gì Quảng Bình, khá nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang áp dụng cách này để móc tiền túi nhiều nhà giáo khiến không ít thầy cô bức xúc, bất bình.
Bắt buộc núp bóng tự nguyện
Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên các cấp học là chủ trương đúng đắn của liên bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Nội vụ tại các Thông tư 20, 21, 22/2015.
Thế nhưng trong các Thông tư cũng nêu rõ:
“Việc bồi dưỡng chứng chỉ chỉ dành cho những ai có nhu cầu thăng hạng, hoặc cần có chứng chỉ bồi dưỡng”.
Vì lợi nhuận, nhiều địa phương phớt lờ quy định này, họ dùng khá nhiều cách để ép buộc giáo viên đi học bồi dưỡng mà ai cũng hiểu “kiến thức chẳng được nâng lên nhưng thu nhập sẽ phải giảm đi vì phải chi ra một số tiền không nhỏ trong khi thu nhập của nhà giáo hiện khá thấp”.
Không ít thầy cô bức xúc vì bị buộc đi học nâng ngạch giáo viên. Ảnh minh họa: http://baogialai.com.vn |
Có nhiều lý do đưa ra vừa để khuyến khích giáo viên đăng kí, vừa để hăm dọa họ.
Có địa phương để giáo viên tự nguyện nhưng không ít địa phương “cao cơ” hơn dùng chiêu ép từ trên ép xuống theo kiểu sở chỉ đạo ngầm phòng, phòng chỉ đạo ngầm hiệu trưởng, hiệu trưởng bắt ép giáo viên đi học nhưng hợp thức hóa bằng trò chiêu sinh tự nguyện.
Việc khuyến khích là được nâng lương theo ngạch mình sẽ đạt được những lý do làm giáo viên sợ nhất là “nếu không đủ chuẩn đào tạo tới đây sẽ dễ dàng bị sa thải”.
Thế là bằng những tác động “liên hoàn kế” như thế, chính giáo viên đã phải miễn cưỡng tự nguyện đi đăng kí học lớp bồi dưỡng thăng hạng do sở giáo dục sở tại mở ra.
Học phí thì nhảy múa theo từng địa phương. Số tiết học như nhau khoảng 240 tiết học/khóa nhưng có nơi thu học phí 2,4 triệu đồng/người, nơi thì 2,7 triệu đồng/người, có nơi 4,5 đến 4,7 triệu đồng/người.
Có người nói vui, học phí rẻ hay mắc còn phụ thuộc vào lương tâm của người lãnh đạo địa phương mình.
Nội dung học của chương trình toàn chính trị và quản lý nhà nước, chỉ có một vài học phần dính tới bồi dưỡng nghiệp vụ.
Nhiều giáo viên cho biết, những nội dung học này mình đã được học trong thời gian học đại học.
Bởi thế, ngồi nghe cũng chán nên học xong không thấy nâng cao trình độ nghiệp vụ gì chỉ thấy mất một khoản tiền (có người bằng cả tháng lương) nên rất tiếc.
Không ít thầy cô tâm tư “đó mới chỉ là chuyện học, học xong còn phải tham gia kì thi sát hạch chẳng biết có đỗ nổi không? Hay lại phải mất thêm một khoản tiền để chạy? để bôi trơn?”.
Có cần thiết phải học kiểu bồi dưỡng thăng hạn thế này?
Câu trả lời đương nhiên là: Không! Bởi, học bất cứ cái gì thì xong khóa học người học viên phải thấy mình nâng cao được trình độ nhận thức và hiểu biết. Từ đó, sẽ giúp cho công việc của chính họ mỗi ngày một tốt hơn.
Còn cái kiểu học bồi dưỡng để thăng hạng như hiện nay, giáo viên nhiều địa phương đang phải theo học thì gần như 100% ý kiến đều cho rằng chẳng giúp gì cho việc nâng cao trình độ của người học cũng như giúp cho việc giảng dạy ngày một tốt hơn.
Người học không mặn mà đương nhiên người dạy cũng chẳng nhiệt tình, không ít giảng viên, báo cáo viên lên lớp là đọc vanh vách hay giảng một mạch cho hết bài, hết giờ là xong nhiệm vụ.
Lỗi này phụ thuộc khá nhiều nguyên nhân như giáo trình cũ, nội dung bồi dưỡng mang nặng tính lý thuyết mà xa rời thực tế giảng dạy của các thầy cô.
Bên cạnh đó, chất lượng báo cáo viên cũng là vấn đề đáng nói. Một số địa phương không hiểu vì lý do gì liên kết với một số cơ sở đào tạo nhỏ, ít tên tuổi. Bởi thế, trình độ của người báo cáo viên cũng có phần hạn chế.
Câu chuyện giáo viên ở nhiều địa phương bị ép đi học nâng ngạch đã được phản ánh khá nhiều.
Đã đến lúc cần một sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để tránh cho việc giáo viên bị mất tiền một cách oan ức như hiện nay.