Thi thăng hạng hay là hành xác để thu tiền?

31/12/2019 06:06
Phan Tuyết
(GDVN) - “Mất 2 triệu 8 học thăng hạng cách đây 4 năm, mất thêm 500 ngàn tiền ôn, 300 ngàn tiền mua tài liệu mà môn Anh văn chẳng trúng lấy một câu nào”.

“Mất tiền thôi cũng đỡ tức, chỉ tiếc công bao ngày mong ngóng, trông chờ…vài đêm mất ngủ học bài tới sáng nhưng khi vào thi chẳng trúng được câu nào…”.

Giảng viên ôn Anh văn kĩ từng câu thế này nhưng vào thi gần như chỉ trúng một hai câu hoặc không trúng câu nào (Ảnh chụp từ clip)
Giảng viên ôn Anh văn kĩ từng câu thế này nhưng vào thi gần như chỉ trúng một hai câu hoặc không trúng câu nào (Ảnh chụp từ clip)

Câu nói của một đồng nghiệp bỗng nghẹn lại để kìm tiếng khóc uất ức sắp bật ra khi nói về môn thi Anh văn đầu tiên trong kỳ thi thăng hạng của tỉnh Kiên Giang ngày 27/12 vừa qua.

Giáo viên ngồi chờ đến lượt vào thi (Ảnh CTV)
Giáo viên ngồi chờ đến lượt vào thi (Ảnh CTV)

Tổ chức kỳ thi thăng hạng giáo viên ngay thời điểm học trò đang bước vào thời gian ôn tập cuối kỳ có hợp lý?

Thời gian này, các trường học trong cả nước đang trong giai đoạn ôn tập để chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối học kỳ 1. Giáo viên các trường đang bước vào những ngày bận rộn nhất trong năm với biết bao công việc quấn bên mình.

Nào ôn tập cho học sinh để các em kiểm tra cho tốt, tổ chức coi thi, chấm bài, lên điểm, vào các loại hồ sơ sổ sách, họp phụ huynh, đánh giá học sinh cuối kỳ, đánh giá công chức giữa năm, hoàn thành hồ sơ cá nhân…

Đúng vào thời điểm, giáo viên phải vắt chân lên cổ mới chạy kịp thì tỉnh Kiên Giang bất ngờ tổ chức kỳ thi thăng hạng cho hàng ngàn giáo viên.

Bao năm chờ đợi, một số tiền không nhỏ đã bỏ ra, thế là giáo viên lũ lượt xách giỏ lên tỉnh mướn nhà để ôn tập và tham dự kỳ thi thăng hạng.

Thầy cô dù có thương học trò bao nhiêu cũng đành sao lãng để thương lấy mình.

Bởi có bằng đại học, có đủ các loại chứng chỉ yêu cầu từ bao năm nhưng vẫn chỉ ăn lương trung cấp, cao đẳng.

Thi thăng hạng hay là hành xác để thu tiền? ảnh 3
Vừa bước ra khỏi phòng thi thăng hạng nhiều giáo viên Kiên Giang bật khóc nức nở

Nay có cơ hội sao có thể bỏ được? Nhiều thầy cô thương trò chỉ biết oán thán: “Sao hè không tổ chức lại tổ chức lúc này?”

Thi như kiểu mò kim đáy biển

Kỳ thi thăng hạng của giáo viên tỉnh Kiên Giang lần này được nhiều người ví như kỳ thi kiểu mò kim đáy biển, nghĩ cũng chẳng sai.

Hãy nghe giáo viên (những thầy cô vừa trở về từ kỳ thi thăng hạng) nói, chúng ta sẽ hiểu và hình dung được sự áp lực, căng thẳng đến thế nào.

Một giáo viên bức xúc cho biết: “Mất 2 triệu 8 học thăng hạng cách đây 4 năm, mất thêm 500 ngàn tiền ôn, 300 ngàn tiền mua tài liệu mà môn Anh văn chẳng trúng lấy một câu nào”.

Có người lại cho biết, bộ đề ôn của mình có 200 câu Anh văn thì trúng được một câu. Người khác trúng 7 câu (vì đã học thuộc) nên làm được còn những câu không trúng thì bó tay.

Vì ôn không trúng nên có trường đi thi 5 người rớt cả 5 người chẳng còn cơ hội thi môn khác. Một phòng 30 người đỗ từ 1-2 người, có phòng lại rớt hết.

Nhiều người phản ánh, trường ôn thi, trường bán tài liệu và cũng trường ra đề nhưng học ôn một đằng, thi một nẻo chẳng hiểu ý họ là gì?

Không ít người thốt lên: “Tuổi già kiểu này mà bắt thi Anh văn thì làm sao mà đỗ cho được? Cũng vì già nên lo học, lo ôn những gì giảng viên dạy. Thế mà vẫn chẳng ăn thua gì”.

Có chứng chỉ Anh văn nhưng tại sao thi Anh văn lại rớt gần hết?

Nui cười hiếm hoi của một thầy giáo khi lọt qua được khe cửa hẹp (Ảnh cắt từ clip)
Nui cười hiếm hoi của một thầy giáo khi lọt qua được khe cửa hẹp (Ảnh cắt từ clip)

Kỳ thi thăng hạng cho giáo viên ở tỉnh Kiên Giang có 3 môn thi, tiếng Anh, Tin học và Nghiệp vụ sư phạm.

Những thầy cô giáo đi thi lần này ai cũng đã có chứng chỉ ngoại ngữ B Anh văn và Tin học. Vậy mà môn đầu tiên là tiếng Anh thì đã rớt khoảng 90%. Điều này có đáng ngạc nhiên? Có phải là điều vô lý hay không?

Nếu ai đã trải qua 2 lần thi lấy chứng chỉ Anh văn và thi Anh văn thăng hạng sẽ thấy 2 kỳ thi tổ chức hoàn toàn khác. Nếu thi lấy chứng chỉ Anh văn, giáo viên chỉ cần nộp đủ tiền theo quy định là có ngay tấm chứng chỉ.

Mặc dù cũng ôn tập một buổi, cũng có đề với hàng trăm câu hỏi, hàng chục bài dịch. Thế nhưng đề thi chẳng khác nào đề ôn nên người thi chỉ việc nhìn tài liệu sao y bản chính là xong.

Còn ở kỳ thi thăng hạng môn Anh văn, ôn thi đã không trúng, kiến thức Anh văn gần như bằng không thì xem như chưa thi đã rớt.

Biết rõ điều này vì sao giáo viên vẫn quyết tham dự?

Vì nhiều thầy cô hy vọng đã tổ chức ôn là phải đúng trọng tâm. Đã bán tài liệu là phải có trúng tủ, không trúng hết cũng phải trúng lấy vài ba chục phần trăm.

Thi thăng hạng hay là hành xác để thu tiền? ảnh 5
Thăng hạng giáo viên cần gì đến chứng chỉ ngoại ngữ và tin học?

Còn không trúng hoặc chỉ trúng vài ba câu, dăm bảy câu so với khoảng hai trăm câu khác nào kiểu bán tài liệu lừa?

Giáo viên già, lớn tuổi không có kiến thức Anh văn nhưng họ lại có sự chịu khó, cầu thị. Chẳng thế mà ai nấy đều thức trắng đêm để tụng cho thuộc gần 200 mẫu câu giảng viên đã ôn là gì?

Bắt giáo viên thế hệ trước thi thăng hạng bằng môn Anh văn chẳng khác gì làm khó vì biết chắc chắn chẳng mấy người đỗ.

Giáo viên thế hệ 6x, 7x nhiều người không được học Anh văn nên một chữ bẻ đôi cũng không biết. Khi vào sư phạm với đủ hệ đào tạo nào 9+1; 9+2; 9+3; 12+1; 12+2; 12+3…thậm chí là hệ cấp tốc theo hè…

Khi đi dạy, thầy cô cũng lo hoàn thành kiến thức chuyên môn để phục vụ tốt cho việc dạy của mình. Môn Anh văn lại chẳng bao giờ giáo viên cần đến. Thế là chẳng ai học làm gì.

Nay đùng cái bắt đi thi, ôn 2 ngày 3 môn chứ ôn hàng năm mà thi kiểu này cũng chẳng mấy người làm được.

Giáo viên thế hệ trước giờ học Anh văn đâu phải chuyện dễ? Nào chuyện lớp, chuyện trường, nào lo cuộc sống mưu sinh, ai có thể bỏ công ra để học những thứ không phục vụ cho công việc dạy của mình?

Vì thế, việc thăng hạng nên xét tuyển hơn là tổ chức thi hoặc có thi cũng đừng bắt giáo viên thi tiếng Anh như bây giờ.

Phan Tuyết