Thăng hạng giáo viên cần gì đến chứng chỉ ngoại ngữ và tin học?

02/12/2019 08:54
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Tôi ủng hộ việc bãi bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong hồ sơ xét thăng hạng vì những thứ đó không đánh giá đúng năng lực giáo viên.

LTS: Bày tỏ quan điểm của mình về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tác giả Sông Trà đã có bài viết chia sẻ. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Các thầy cô giáo rất phấn khởi, vui mừng với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ  theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT.

Theo đó, bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (Chương 3 Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên kèm theo Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008).

Như vậy, kể từ ngày 15/1/2020, các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ như: Đối tượng và điều kiện dự kiểm tra; Nội dung kiểm tra, thời lượng, yêu cầu của đề kiểm tra; Điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ… theo quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT sẽ không còn được áp dụng.

Tuy nhiên, các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT vẫn có giá trị sử dụng.

Đồng thời, các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày 15/1/2020 sẽ tiếp tục được thực hiện đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ thi chứng chỉ ngoại ngữ (Ảnh minh họa: vtc.vn).
Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ thi chứng chỉ ngoại ngữ  (Ảnh minh họa: vtc.vn).

Kể từ đây giáo viên bớt đi nỗi khổ, nỗi lo vì sẽ không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C khi thi công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, viên chức…

Có thể nói, hầu hết các thầy cô giáo mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập đều có nhu cầu nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn và nâng hạng ngạch lương từ hạng 4 đến hạng 1 để làm việc tốt hơn và mức lương cao hơn theo các quy định, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã ban hành từ năm 2015 và năm 2017 về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Hai năm nay, một số địa phương đã tiến hành tổ chức xét, thi, hoặc kết hợp giữa xét và thi thăng hạng cho hàng ngàn giáo viên mầm non, phổ thông công lập.  

Năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế từng tổ chức thăng hạng cho giáo viên trung học phổ thông thông qua xét hồ sơ.

Do mỗi trường đưa ra những tiêu chí xét khác nhau dẫn đến tình trạng trường được nhiều, trường được ít, giáo viên này đạt, giáo viên kia không đạt khiến nhiều giáo viên ở đây bức xúc, cho rằng xét thăng hạng như vậy là không đúng, thiếu công bằng.  

Tháng 10/2018, Sở Nội vụ Quảng Ngãi vừa tổ chức xét hồ sơ vừa tổ chức thi thăng hạng cho gần 3.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập (với 4 bài thi: kiến thức chung, chuyên môn, tin học và ngoại ngữ).

Nhiều thầy cô giáo ở Quảng Ngãi cho hay, Sở Nội vụ Quảng Ngãi đã làm khổ giáo viên địa phương mình vì một số địa phương khác không tổ chức thi thăng hạng khi mà trong hồ sơ đã đầy đủ điều kiện để thăng hạng (có cả chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học).   

Nhu cầu được thăng hạng của giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông công lập ở các địa phương hiện nay vẫn còn rất lớn.

Chính thức xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C
Chính thức xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C

Tôi đồng tình với quan điểm, các thầy cô giáo muốn được thăng hạng cao hơn hạng đang giữ thì phải đáp ứng được các tiêu chí của hạng cao hơn đó.

Các thầy cô giáo không có phấn đấu, rèn luyện, không có các thành tích nổi bật gì về chuyên môn mà lại luôn trông mong được thăng hạng, chuyển sang ngạch bậc lương mới là điều không thể.

Tôi và nhiều giáo viên khác ủng hộ việc bãi bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong hồ sơ xét thăng hạng giáo viên, vì những thứ đó không đánh giá đúng năng lực giáo viên, nó vốn vô cùng hình thức, lãng phí, tốn kém và chứa đựng nhiều tiêu cực từ nơi cấp đến người học.

Nhà trường có nhu cầu về vị trí việc làm và các giáo viên có nhu cầu về thăng hạng thì đăng ký và tham gia dự thi, trong đó có thi môn ngoại ngữ và môn tin học.

Giáo viên tự học, tự bồi dưỡng về năng lực ngoại ngữ và tin học. Giáo viên thi đạt yêu cầu theo chuẩn của hạng đó thì mới được thăng hạng.

Theo tôi, chỉ có qua hình thức thi, sát hạch thì việc thăng hạng giáo viên mới đảm bảo tính thực chất và công bằng.

Tất nhiên, khâu ra đề thi, khâu tổ chức thi, sát hạch cần phải được các địa phương chuẩn bị chu đáo và thực hiện một cách nghiêm túc và khách quan.                  

SÔNG TRÀ