Thói háo danh đẻ ra “sinh đồ ba quan”, nữ hoàng nhảm nhí thời hiện đại

13/07/2019 06:09
Trần Phương
(GDVN) - Thói háo danh trong xã hội ngày nay không những khó bỏ mà còn có nguy cơ nặng hơn.

Sự việc gây chú ý nhiều nhất tuần qua trong lĩnh vực văn hoá là bỗng nhiên xuất hiện danh hiệu lạ Nữ hoàng tâm linh.

Và còn có hàng loạt danh hiệu lạ khác được “khai quật” như nữ hoàng giày da, nữ hoàng mỹ phẩm, nữ hoàng giáo dục… khiến cho nhiều người giật mình ngao ngán.

Danh xưng này nhiều và láo nháo đến mức mới đây, ông Nguyễn Thái Bình Chánh Văn phòng - người phát ngôn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phải nói thẳng: “Danh xưng tự phong rất kêu như Nữ hoàng văn hóa tâm linh, nữ hoàng này, ông hoàng nọ… cho thấy những danh hiệu này thể hiện sự háo danh và bất bình thường trong xã hội.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch một lần nữa khẳng định và bày tỏ quan điểm không ủng hộ, không cấp phép và đề nghị các địa phương, các cơ quan quản lý cùng các tổ chức rà soát chặt chẽ, kịp thời xử lý các sai phạm, không để tiếp tục xảy ra những vụ việc và danh xưng tự phong tùy tiện như thế”.[1]

Như vậy, rõ ràng ngành văn hóa không đồng ý với việc tổ chức ra những cuộc thi vô thưởng vô phạt rồi phong đủ các loại danh hiệu trời ơi đất hỡi.

Những danh xưng nữ hoàng đang được đẻ ra từ thói háo danh? (Ảnh: Tổng hợp từ nhiều nguồn).
Những danh xưng nữ hoàng đang được đẻ ra từ thói háo danh? (Ảnh: Tổng hợp từ nhiều nguồn).

Những người có kiến thức nhìn qua cũng đã cảm thấy sự nhí nhố ở những cuộc thi như vậy, nhưng đáng tiếc là một số người thì lại hào hứng tham gia nhiệt tình.

Có lẽ khi người ta có tiền lại thích có chút danh chăng?

“Thói háo danh và sự bất bình thường” như lời ông Nguyễn Thái Bình nói thì không phải đến bây giờ từ khá lâu rồi, nhiều học giả đã nói đồng thời phê phán rất nhiều về thói háo danh.

Đâu ra mà lắm nữ hoàng thế?
Đâu ra mà lắm nữ hoàng thế?

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ trước, các học giả như Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn hóa sử cương xuất bản năm 1938 hay Nguyễn Văn Huyên trong Văn minh Việt Nam xuất bản năm 1944 cũng đã đề cập đến vấn đề này đủ để chúng ta thấy, đây không phải là vấn đề mới, mà dường như là một tính cách khá phổ biến của người Việt trong lịch sử cũng như hiện nay.

Theo Phó Giáo sư Lê Quý Đức - nguyên Viện phó Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, háo danh là một nét tính cách khá đặc trưng của người Việt.

Tính háo danh có ở mọi thành phần, tầng lớp. Với giới trí thức, háo danh bằng cách đánh bóng tên tuổi của mình lên để được nhiều người biết tới. Thậm chí, ngay cả với những người bị cho là "dưới đáy xã hội" cũng muốn mình trở thành dân anh chị để có quyền uy nhất định.[2]

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia, cố vấn cao cấp chương trình Thương hiệu Quốc gia cho rằng: "Việc các danh hiệu tự phong cho thấy căn bệnh hình thức, háo danh đang phát triển quá mạnh tại Việt Nam.

Cứ thế này thì đi đâu cũng gặp... nữ hoàng. Tôi cũng nghi ngờ rằng, đó là cách mà nhiều cá nhân, tổ chức nghĩ ra để kiếm tiền, bất chấp hậu quả của nó.

Bởi các danh hiệu đó không chỉ “phong” cho vui, mà đằng sau nó rất có thể sẽ có một “cỗ máy” được vận hành để kiếm tiền cho một cá nhân hay tổ chức nào đó". [3]

Có lẽ vì thế, ngày nay, hầu như, mỗi khi xuất hiện trước công chúng hay trong một sự kiện nào đó người ta phải gán đủ các chức danh cho người xuất hiện.

Thói háo danh đang khiến một bộ phận người Việt đang biến mình thành những nhà tri thức, nhà khoa học rởm. (Ảnh minh họa từ DaD12)
Thói háo danh đang khiến một bộ phận người Việt đang biến mình thành những nhà tri thức, nhà khoa học rởm. (Ảnh minh họa từ DaD12)

Câu chuyện mới đây về anh “nhà báo quốc tế” là một ví dụ, danh của anh này dài dằng dặc nhưng khi bị phát hiện thì hóa ra đa phần là rởm.

Cùng với đó, việc xã hội trọng bằng cấp, lấy bằng cấp, vị trí ra làm thước đo cho trình độ và uy tín của một cá nhân cụ thể thì có lẽ thói háo danh sẽ càng nặng thêm.

Một số cơ quan nhà nước, một số địa phương, dù không nhiều liên quan đến bằng cấp, nhưng lại lấy đây làm điều kiện để xét tuyển, bổ nhiệm.

Có lẽ do vậy, thỉnh thoảng dư luận vẫn thấy báo chí lại khui ra ông quan tỉnh này, ông quan huyện nọ sử dụng bằng giả, sao chép luận văn…

Hơn cả, vụ tiêu cực điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã điển hình cho thói háo danh.

Nhưng tiêu cực ấy khiến người ta lại nghĩ đến những "sinh đồ ba quan" thời Hậu Lê, những kẻ chỉ dùng 3 quan tiền là có thể thành sĩ tử, một trong những bê bối lớn nhất trong lịch sử khoa bảng nước nhà.

Ông bà ta đã dạy "Y phục xứng kỳ đức" và vốn bia miệng thế gian vốn khó "mòn", thì những thứ "sang mua", "sang mượn", "sang xin", "sang vay" ấy đang đổi lại bằng việc ê hề khi con bị đuổi học khỏi trường công an quân đội, bố mẹ phải đối mặt với sự trừng trị của luật pháp.

Thói háo danh đang phổ biến này có lẽ thật đáng lo cho sự học của nước nhà. Chuẩn mực của học thuật, ở một nơi đúng ra cần phải chính xác, nghiêm túc và trong sáng nhất đã bị vẩn đục.

Nạn mua bán bằng cấp, tiêu cực để có học vị, học hàm làm vật trang sức, làm bàn đạp tiến thân đã phổ biến đến mức gần như công khai.

Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng đã nêu ra và phê phán một thứ “bệnh xã hội” cố hữu của rất đông người Việt – trong đó có không ít là các cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành, các địa phương – đó là “bệnh” “háo danh, đánh bóng tên tuổi, chạy danh hiệu”!

* Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.tienphong.vn/van-hoa/bo-van-hoa-len-tieng-ve-loan-danh-hieu-nu-hoang-tu-phong-1438963.tpo

[2] https://kienthuc.net.vn/giai-ma/tinh-hao-danh-cua-nguoi-viet-tu-dau-ma-co-267839.html

[3] http://baovanhoa.vn/giai-tri/artmid/521/articleid/20138/%E2%80%9Cbenh%E2%80%9D-dang-phat-trien-qua-manh

Trần Phương