Thương học sinh nghèo, thầy giáo Hào bỏ trường phố lên rừng dạy học

02/10/2019 07:05
TUẤN KIỆT
(GDVN) - Bằng tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết, thầy giáo Cao Xuân Hào tình nguyện viết đơn xin được dạy học tại xã miền núi khó khăn nhất của huyện Đầm Hà (Quảng Ninh).

Tháng 6/2007, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn- Sử, Trường Cao đẳng sư phạm Hạ Long (Quảng Ninh), thầy giáo Cao Xuân Hào được phân công về giảng dạy tại trường Trung học cơ sở thị trấn Đầm Hà.

Từ ngày về nhận công tác tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Đầm Hà, thầy Hào luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với niềm đam mê và tâm huyết của mình, thầy Hào đã mang một hơi thở mới, một cách thể hiện mới lạ, tạo nên những tiết học Lịch sử, Ngữ văn lý thú, bổ ích, thu hút các em học sinh.

Rõ nét nhất là tỷ lệ học sinh giỏi môn Ngữ văn, môn Lịch sử của nhà trường được nâng lên đáng kể.

Thầy giáo Cao Xuân Hào hướng dẫn các em học sinh học môn Lịch sử (Ảnh: CTV)
Thầy giáo Cao Xuân Hào hướng dẫn các em học sinh học môn Lịch sử (Ảnh: CTV)

Được công tác tại ngôi trường thị trấn Đầm Hà là niềm hạnh phúc và là một thuận lợi lớn với những giáo viên trẻ như thầy Hào.

Tuy nhiên, thầy luôn đồng cảm với những đồng nghiệp đang công tác tại những trường ở miền núi khó khăn.

Ngay từ khi rời giảng đường, thầy Hào luôn nung nấu một ngày nào đó sẽ tình nguyện vác ba lô lên mảnh đất “cọc cằn” để cùng đồng nghiệp ươm mầm xanh tương lai.

Ý nguyện của thầy Hào cuối cùng cũng thành hiện thực khi đầu năm 2017, huyện Đầm Hà có chủ trương điều chuyển giáo viên lên công tác tại một số trường học ở địa bàn xã miền núi khó khăn.

Nắm được thông tin này, thầy giáo trẻ Cao Xuân Hào đã tình nguyện viết đơn xin lên công tác tại trường Trung học cơ sở Quảng Lâm (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà).

Chuyện thầy giáo Nùng giữa rẻo cao mây trắng, yêu học trò bằng tình người anh cả
Chuyện thầy giáo Nùng giữa rẻo cao mây trắng, yêu học trò bằng tình người anh cả

Qua tìm hiểu, thầy Hào nắm được, xã Quảng Lâm là một trong 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đầm Hà.

Học sinh ở xã này chịu nhiều thiệt thòi do điều kiện kinh tế eo hẹp, sự quan tâm của cha mẹ tới việc học hành của các con còn hạn chế.

Nhận thức được khó khăn trước mắt, song bằng tình yêu nghề, mong muốn cống hiến, thử sức mình, thầy Hào hăng hái nhận nhiệm vụ vào đầu năm học 2017.

Ngay sau khi về Trường Trung học cơ sở Quảng Lâm, thầy Hào được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ chuyện môn Sử, thư ký Hội đồng sư phạm nhà trường.

Thầy giáo Hào chia sẻ: “Là một giáo viên bộ môn, tôi luôn ý thức được công việc và trọng trách của mình.

Ở nơi đây, khi sự học của con em còn chưa được các phụ huynh quan tâm xứng tầm thì việc giảng dạy những bộ môn phụ gặp nhiều khó khăn.

Nhưng yêu nghề, mong muốn được giảng dạy, truyền cảm hứng tình yêu quê hương, đất nước cho học trò qua các bài học lịch sử tôi vẫn luôn kiên trì, gắn bó”.

Khi được hỏi lý do đến với nghề giáo, thầy Hào mỉm cười nói: “Tôi yêu nghề bởi tình yêu mẹ tôi truyền lại cho tôi. Bà là một giáo viên dạy văn đã về hưu.

Hơn nữa, tôi muốn viết tiếp ước mơ còn dang dở của bố tôi. Bởi ông từng theo học sư phạm nhưng đi theo tiếng gọi yêu nước ông đã bỏ dở ước mơ làm một giáo làng để cầm súng bảo vệ tổ quốc”.

Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy giáo Hào đã tình nguyện viết đơn lên vùng cao dạy học (Ảnh: CTV)
Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy giáo Hào đã tình nguyện viết đơn lên vùng cao dạy học (Ảnh: CTV)

Thầy Hào cho biết: Năm học 2019-2020, Trường Trung học cơ sở Quảng Lâm có 195 học sinh đến từ 6 bản khác nhau như: Lý Khoái, SiệcLống Mìn, Bình Hồ, Thanh Y, Siềng Lống.

Có nhiều học sinh đến từ trường rất khó khăn cách rừng, ngăn suối. Mỗi đầu năm học, các thầy cô chia nhau đến từng bản phụ trách vận động học sinh tới trường.

Năm học 2019-2020, thầy Hào được giao phụ trách bản SiệcLống Mìn. Bản này có 17 học sinh theo học.

Đa phần các em đều là học sinh dân tộc Dao, hoàn cảnh khó khăn, gia đình làm lâm nghiệp.

Quanh năm gắn bó với cây keo, cây quế, cây hồi nên cứ đến mùa thu hoạch là các em theo bố mẹ lên nương, bỏ bê việc học hành. 

Do đó, theo thầy Hào, là một giáo viên vùng cao, ngoài làm công tác chuyên môn, tham gia phong trào của trường thì việc vận động học sinh đến trường là trọng trách lớn.

Người thầy gieo ước mơ trên miền sơn cước
Người thầy gieo ước mơ trên miền sơn cước

Khi hỏi về các trò ở bản mình phụ trách, thầy Hào nhớ từng em: Chìu Cắm Hồng lớp 9A nhà cách trung tâm bản hơn 1km đường rừng;

Ba anh em ruột Chìu Cắm Hẻn, Chìu Nhì Múi, Chìu Dì Voong gia đình thuộc hộ nghèo; Lỷ Thị Hằng nhà cách bản gần 2km, Chìu Tài Múi nhà cách bản hơn 2km đường đồi...

“Vận động học sinh đến lớp khá vất vả bởi đường tới bản khó khăn, đường từ bản tới nhà học trò chủ yếu đi bộ đường rừng, leo đồi, lội suối.

Vất vả nhưng gặp được phụ huynh, học sinh để vận động các em đến trường là tôi thấy vui rồi”, thầy Hào nói.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Tám, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Quảng Lâm, thầy giáo Hào là một đồng nghiệp năng động, tích cực trong mọi hoạt động của trường, của ngành.

Không những là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền mà trong công tác vận động học sinh ra lớp thầy làm rất tốt.

Tuy nhà cách trường 10 km nhưng ngày hai chiều thầy Hào đều đặn đến trường cùng đồng nghiệp lo cho học sinh thân yêu.

Với những cống hiến không biết mệt mỏi, nhiều năm liền thầy Cao Xuân Hào đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện.

Vinh dự cho thầy giáo Hào khi năm học 2018-2019, thầy được tham gia và đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh” môn Lịch sử.

Đó là niềm vui và là sự khích lệ tinh thần lớn đối với thầy Hào sau hai năm công tác tại trường Trung học cơ sở Quảng Lâm.

TUẤN KIỆT