Đến nay vụ việc học sinh Trường phổ thông liên cấp Gateway tử vong được cho là bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón học sinh của trường này vẫn còn nhiều nghi vấn đang chờ cơ quan chức năng kết luận.
Trong buổi họp báo thông tin vụ việc trước báo giới, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục Quận Cầu Giấy khẳng định, trên địa bàn chỉ có các trường có yếu tố nước ngoài không có trường quốc tế. Trường Gateway không phải trường "quốc tế", họ gắn quốc tế nhằm thu hút học sinh.
Và câu hỏi đặt ra, Trường Gateway thực sự có phải trường quốc tế như quảng cáo hay chỉ là chiêu trò nhằm hút thí sinh và thu học phí cao?
Qua vụ việc nhiều trường trên địa bàn Hà Nội tự xưng "quốc tế", lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông tin cụ thể những trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài được hiểu là trường quốc tế.
Ảnh minh họa: Vũ Phương. |
Cụ thể trên địa bàn Hà Nội có 11 trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài có thể xem là trường quốc tế, như sau:
- Trường quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng Gia;
- Trường quốc tế đa cấp Anh - Hà Nội;
- Trường phổ thông đa cấp Concordia Hanoi;
- Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Song ngữ quốc tế Horizon
- Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông quốc tế Singapore;
- Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Gamuda Gardens;
- Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Ciputra;
- Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Vạn Phúc;
- Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông quốc tế St.Paul;
- Trường mầm non và phổ thông quốc tế ParkCity Hà Nội;
- Trường Hàn Quốc tại Hà Nội.
Ngày 19/8, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) thông tin, 11 trường trên có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Theo quy định không có khái niệm trường quốc tế. Tuy nhiên, các trường có quyền đăng ký chữ quốc tế trong giấy phép thành lập và hoạt động.
Các trường này dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam (với tỷ lệ không quá 49% tổng số học sinh).
Sau vụ việc vỡ lở, nhiều trường tự gắn mác quốc tế, cơ quan chức năng công bố sẽ rà soát, xử lý nhiều trường đã tự gỡ biển bảng, chỉnh sửa nội dung trên website.