Đã hơn 3 tháng trôi qua, tàu khảo sát Hải dương Địa chất 08 được sự hỗ trợ, bảo vệ của một cơ số tàu vũ trang, bán vũ trang hùng hậu của Trung Quốc, ngày đêm liên tục lúc vào, lúc ra, đến nay đã 4 lần khu vực biển xung quanh bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.
Ngày 3/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Theo cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 8 tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Nhóm tàu Hải Dương 8 tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với Trung Quốc. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm và rút toàn bộ nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để xảy ra vi phạm tương tự.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. |
Cũng trong buổi họp báo ngày 3/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Trung Quốc tiếp tục triển khai giàn khoan mới (Hải Dương Thạch Du 982), giàn khoan lớn nhất, hiện đại nhất của Trung Quốc, bắt đầu hoạt động trên biển Đông từ ngày 28/9), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Các cơ quan chức năng đang xác minh thông tin này. Tuy nhiên, Việt Nam cho rằng các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về Luật biển 1982.
Việt Nam cho rằng mọi hoạt động trên Biển Đông cần tuân thủ quy định và công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, trong đó có việc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định của khu vực".
Tình hình này, đặc biệt là những diễn biến gần đây nhất, khiến cho dư luận hết sức quan ngại, thậm chí hoang mang, khi tiếp cận nhiều thông tin khác nhau về lập trường và cách ứng xử của các bên liên quan trực tiếp hay gián tiếp đối với sự kiện này.
Thiết nghĩ đây cũng chính là nguyên nhân tạo ra tình trạng phản ứng ở những mức độ khác nhau của dư luận xã hội trong và ngoài nước, cần được phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học.
Là những người nghiên cứu về lĩnh vực này, chúng tôi xin được trao đổi với bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam một số nhận xét liên quan đến 2 nội dung mà phía Trung Quốc đang công khai trước dư luận.
Thứ nhất: Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ gọi là “quần đảo Tây Sa” và “quần đảo Nam Sa” không? Tại sao?
Thứ 2: Bãi “Vạn An” (Tư Chính) có phải là bộ phận hợp thành của “Nam Sa quần đảo” và khu vực biển xung quanh bãi “Vạn An” là vùng biển kế cận và liên quan của Nam Sa quần đảo không? Tại sao?
Tiến sỹ Trần Công Trục (Ảnh: Đỗ Thơm). |
Quần đảo Trường Sa được xác lập theo nguyên tắc pháp lý nào?
Khi xem xét quyền thụ đắc lãnh thổ của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ đang có tranh chấp hay bất đồng về chủ quyền quốc gia, thông thường người ta phải so sánh, đánh giá các nguyên tắc pháp lý được thể hiện trong lập trường của các bên liên quan.
Nguyên tắc “Chiếm hữu thật sự”:
Nội dung chủ yếu của nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” trong luật pháp quốc tế bao gồm:
- Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành.
- Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (res nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelict). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp.
- Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.
- Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.
Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên mặc dù Công ước Saint Germain ra đời vào ngày 10/9/1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin năm 1885 vì lý do thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo.
Chẳng hạn, Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague vào tháng 4/1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, phán quyết của Tòa án Quốc tế của Liên Hợp Quốc vào tháng 11/1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous…
Tuy nhiên, những định chế mang tầm vóc quốc tế nói trên cũng không thể ngăn cản được tình trạng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để tiếp tục tranh giành thị trường, thực hiện tham vọng bá quyền, tranh chấp lãnh thổ, nhất là đối với các hải đảo, lãnh thổ biển... các khu vực địa lý có giá trị về địa - kinh tế, địa - chính trị, địa - chiến lược…
Đỉnh điểm của những tranh chấp khốc liệt giữa các nước tư bản là Đại chiến thế giới lần thứ 1, lần thứ 2 xảy ra vào những năm đầu của thế kỷ XX, đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng và tàn phá biết bao làng mạc, phố phường, của cải vật chất của nhân loại…và sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nhiều nước trên thế giới bị xâm phạm nghiêm trọng.
Hiểu sâu sắc để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên Biển Đông |
Tiếp đến là tình trạng chạy đua vũ trang của thời kỳ chiến tranh lạnh, đến nạn khủng bố, tranh chấp sắc tộc, tôn giáo, biên giới, lãnh thổ không ngừng xảy ra ở hầu khắp hành tinh này…
Gần đây hơn, Tòa án Công lý Quốc tế đã quyết định cho Malaysia thắng trong vụ kiện với Indonesia vào tháng 12/2002 về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan vì tòa nhận thấy rằng Malaysia đã thực hiện một cách thường xuyên một loạt các hoạt động của nhà nước.
Tuy nhiên, những định chế nói trên cũng không thể giải quyết được những mâu thuẫn, cạnh tranh, tranh chấp giữa các quốc gia, nhất là trong công cuộc tìm kiếm thị trường cung cấp và tiêu thụ hàng hóa của nền sản xuất tư bản phát triển.
Vì thế, những cuộc chiến tranh, xung đột vẫn diễn ra trên những quy mô và mức độ khác nhau: đại chiến thế giới thứ 1, đại chiến thế giới lần thứ 2, chiến tranh lạnh, tranh chấp biên giới lãnh thổ, chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo…
Để ngăn chặn những hiểm họa chiến tranh do những tham vọng bá chủ thiên hạ, xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, Hiến chương Liên Hợp Quốc đã được ký ngày 26/6/1945 ở thành phố San Francisco và có hiệu lực từ ngày 24/10/1945.
Với sự ra đời của Hiến chương Liên Hợp Quốc có thể nói đã trở thành nguyên tắc pháp lý quốc tế cao nhất để bảo vệ sự tồn tại của các quốc gia, với tư cách là các thực thể trong quan hệ quốc tế thời hiện đại.
Về nguyên tắc, nó là vũ khí được sử dụng để vô hiệu hóa các phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng sức mạnh đã tồn tại trong các thời kỳ lịch sử trước đây.
Đấy chính là lý do lý giải cho câu hỏi tại sao mãi đến đầu thế kỷ 20, quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia là hành động hợp pháp và đấy cũng chính là nội dung trả lời câu hỏi vì sao trong Hiến chương Liên Hợp Quốc lại có điều khoản “Tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.
Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xác lập theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”:
Hiểu chính xác về quyền chủ quyền, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông |
Nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam đã dựa vào để chứng minh và khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.
Bởi vì, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành - nguyên tắc chiếm hữu thật sự của Công pháp quốc tế.
Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này qua các thời kỳ lịch sử.
Suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Đội Hoàng Sa, một tổ chức do nhà nước lập ra để quản lý, bảo vệ, khai thác 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Đội Bắc Hải do Đội trưởng Đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy, không gặp phải bất kỳ sự tranh chấp, phản kháng nào.
Trong giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thế không đề cập đến khi chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với 2 quần đảo này.
Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ.
Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là Phủ khi thì Trấn: “Bãi Cát Vàng trong phủ Quảng Nghĩa” (Toản tập Thiên Nam Tứ chí Lộ đồ thư); “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa, thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh” (Phủ biên Tạp lục của Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Phải tỉnh táo, không để Trung Quốc tạo tình huống chuyện đã rồi trên Biển Đông |
Kế tiếp thời kỳ nhà nước phong kiến Việt Nam với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre 1884, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại.
Đến là thời kỳ Việt Nam tạm thời chia 2 miền Nam Bắc, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên các chính thể ở miền nam Việt Nam, với tư cách là những thực thể có tư cách pháp lý trong quan hệ quốc tế, đã tiếp tục bảo vệ và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1954 đến 1975.
Các chính thể miền nam Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước, cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này.
Từ ngày 13-28/4/1975, các lực lượng Quân giải phóng nhân dân nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.
Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, từ ngày 02/07/1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25/4/1976, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bằng nhiều hoạt động, vừa đảm bảo đầy đủ và đúng thủ tục trên phương diện đấu tranh pháp lý, vừa đảm bảo củng cố và duy trì sự hiện diện của quân và dân trên các thực thể địa lý hiện đang đặt dưới sự quản lý của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.