Vương Nghị: Đã vận động Bruinei, Campuchia, Lào 4 điểm về Biển Đông

24/04/2016 08:09
Hồng Thủy
(GDVN) - Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOS ở Biển Đông là quyền lợi hợp pháp của Philippines.

Tân Hoa Xã ngày 23/4 dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Ngoại trưởng nước này Vương Nghị hôm Thứ Bảy nói rằng Trung Quốc đã đạt được 4 điểm đồng thuận về Biển Đông với Brunei, Campuchia, Lào trong chuyến công du của ông. Cụ thể 4 điểm đồng thuận này bao gồm:

Ông Vương Nghị, ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Vương Nghị, ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Một là, tranh chấp "một bộ phận quần đảo Trường Sa" không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN.

Hai là, nên tôn trọng quyền của các quốc gia được tự lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp căn cứ theo luật pháp quốc tế, không tán thành các hành động đơn phương gây sức ép đến nước khác.

Ba là theo quy định trong Điều 4 Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, cần kiên trì thông qua đối thoại đàm phán giữa các bên tranh chấp trực tiếp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải.

Bốn là Trung Quốc và ASEAN đều có năng lực bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua hợp tác, các nước ngoài khu vực nên phát huy vai trò xây dựng chứ không phải ngược lại.

Người viết thiết nghĩ, ông Nghị cứ tưởng vận động 3 nước ủng hộ 4 điểm này là "khôn", nhưng đọc kỹ 4 luận điểm này có thể thấy nó là con dao hai lưỡi với chính Trung Quốc. 3 nước ASEAN cũng chưa chắc đã "dại dột" hay "mù quáng" chạy theo Bắc Kinh.

Vương Nghị: Đã vận động Bruinei, Campuchia, Lào 4 điểm về Biển Đông ảnh 2

Nếu Nga muốn thanh minh ông Lavrov "lỡ lời" về Biển Đông, không khó

(GDVN) - Tới đây khi PCA ra phán quyết vụ kiện lưỡi bò, Moscow chí ít hãy biết giữ im lặng, đừng hùa theo Bắc Kinh mà bán rẻ vai trò, vị thế...

Điểm thứ nhất, tranh chấp "một bộ phận" quần đảo Trường Sa là bộ phận nào? Chắc chắn Bắc Kinh loại trừ 7 thực thể mà họ đang chiếm đóng bất hợp pháp, còn các bên sẽ cho rằng không thể loại trừ 7 thực thể này, nếu không muốn nói là chủ yếu ở 7 thực thể này. Kế "thu hẹp tranh chấp" kiểu khôn lỏi như Bắc Kinh khó thành.

Mặt khác, đúng là vấn đề chủ quyền với một số thực thể ở Trường Sa không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, nhưng tự do hàng hải hàng không, an ninh khu vực, luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) phải được bảo vệ, hành động quân sự hóa, uy hiếp bằng vũ lực ở Biển Đông cần phải được phản đối thì có liên quan đến ASEAN và nhiều nước khác, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc...

Đó là còn chưa nói đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược năm 1956, 1974 cũng án ngữ trên tuyến đường hàng hải huyết mạch, và hành vi quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc đang đe dọa tuyến đường hàng hải, hàng không ấy. Thậm chí Bắc Kinh còn nhăm nhe quân sự hóa cả Scarborough, nên ASEAN, cộng đồng quốc tế không thể không quan tâm, không thể nhắm mắt làm ngơ một cách vô trách nhiệm.

Thứ hai, ông Nghị nói cần tôn trọng "quyền của các quốc gia được tự lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế", thì xin thưa rằng việc Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOS ở Biển Đông là quyền lợi hợp pháp của Philippines.

Điều này đã được luật pháp quốc tế, UNCLOS bảo vệ, được quy định cụ thể trong Phụ lục VII, UNCLOS mà Bắc Kinh đã phê chuẩn và có nghĩa vụ tuân thủ, không liên quan gì đến Điều 298 mà Trung Quốc bảo lưu.

Còn Vương Nghị cho rằng, Trung Quốc và 3 nước này không tán thành "các hành động đơn phương gây sức ép lên nước khác" thì hãy nhìn lại mình xem, đó chính là những gì Trung Quốc đang làm.

Vương Nghị: Đã vận động Bruinei, Campuchia, Lào 4 điểm về Biển Đông ảnh 3

Ông Tập Cận Bình khoác "chiến phục", khu vực tăng cường sắm vũ khí

(GDVN) - Trung Quốc ngày một cơ bắp, hung hăng táo tợn hơn trong bành trướng Biển Đông đã khiến các nước Đông Nam Á phải đẩy mạnh phòng thủ.

Kéo máy bay, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm ra bố trí bất hợp pháp ở Hoàng Sa, lắp ra đa cao tần, xây đường băng quân sự cỡ lớn bất hợp pháp ở Trường Sa đe dọa trực tiếp an ninh các nước quanh khu vực có phải là một kiểu gây sức ép bằng vũ lực?

Thứ ba, DOC đã bị Trung Quốc vi phạm và chà đạp từ lâu, DOC cũng không có ràng buộc pháp lý. Chưa kể đến DOC có bất cứ điều khoản nào triệt tiêu khả năng các bên sử dụng các công cụ pháp lý hợp pháp khác.

Trong khi thực tế, "đàm phán tay đôi" theo yêu cầu của Bắc Kinh với các tranh chấp đa phương đã là điều không thể chấp nhận, huống hồ họ còn đưa ra cái tiền đề ngớ ngẩn: "Chủ quyền thuộc Trung Quốc".

Thứ tư, Trung Quốc và ASEAN có năng lực bảo vệ hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông nhưng Trung Quốc thì đang làm ngược lại, leo thang quân sự hóa Biển Đông. ASEAN thì bị Trung Quốc chia năm xẻ bảy.

Mặt khác, việc Hoa Kỳ, Nhật Bản hay một số quốc gia duy trì hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp quốc tế ở Biển Đông thiết nghĩ là hành động rất thiện chí, mang tính xây dựng, văn minh và cần được ủng hộ.

Trung Quốc không thể chỉ ra được các hoạt động này vi phạm luật lệ nào mà chỉ biết đuối lý thì văng cùn, ỷ mạnh ức hiếp yếu. Đó không phải cách hành xử của bậc quân tử trượng phu theo hình tượng truyền thống văn hóa Trung Hoa vẫn tôn thờ.

Đó cũng không phải hành vi ứng xử có trách nhiệm tối thiểu của một thành viên Liên Hợp Quốc trong thế giới hiện đại, huống hồ lại còn là một thành viên Hội đồng Bảo an. 

Hồng Thủy