Xây dựng bộ dữ liệu cơ sở vật chất trường học việc nên làm ngay

08/09/2019 07:44
Thùy Linh
(GDVN) - Bộ Giáo dục sắp số hóa triệt để hệ thống sổ sách trong nhà trường như: Sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, giảm áp lực và gánh nặng công việc cho giáo viên.

Hiện nay, câu chuyện nhà tạm, cơ sở vật chất tạm bợ là thực trạng của nhiều lớp học, trường học. Trong khi, trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương nhưng để quản lý và nắm bắt được thực trạng đó ở mức nào thì thực sự khó khăn cho những nhà quản lý giáo dục.

Do đó, việc xây dựng bộ dữ liệu cơ sở vật chất trường học là cần thiết vì thế ngày 30/8 vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2019-2020 gửi các sở Giáo dục và Đào tạo trong đó có nêu nhiệm vụ này. 

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm trong đó có hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành;

Đồng thời Bộ yêu cầu xây dựng và triển khai các phần mềm quản lý, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; tăng cường triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp học và sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc).

Tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn triển khai cơ sở dữ liệu ngành giáo dục tháng 8/2019 (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn triển khai cơ sở dữ liệu ngành giáo dục tháng 8/2019 (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chia sẻ cụ thể hơn về nhiệm vụ này, ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Riêng về việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý giáo dục toàn ngành thì Bộ sẽ kết nối liên thông phục vụ trao đổi dữ liệu từ phần mềm quản lý của tất cả các trường học trên cả nước với cơ sở dữ liệu ngành;

Số hóa triệt để hệ thống sổ sách trong nhà trường như: Sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, giảm áp lực và gánh nặng công việc chuyên môn cho giáo viên;

Và Bộ sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về thể chất của học sinh Việt Nam và khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành về trường, lớp học, đội ngũ giáo viên phục vụ quản lý ngành.

Ngoài ra, Cục công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho biết, hiện nay, cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông được triển khai tại 63 sở Giáo dục và Đào tạo, 710 phòng Giáo dục và Đào tạo và 52.900 cơ sở giáo dục trên toàn quốc; hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học bước đầu triển khai đối với công tác tuyển sinh và thống kê ngành. 

Ngoài ra, Bộ cũng đã ban hành quy định kỹ thuật về dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông làm cơ sở để kết nối, liên thông, trao đổi dữ liệu giữa phần mềm quản lý giáo dục ở địa phương với cơ sở dữ liệu của ngành, làm hiện đại hóa hệ thống thông tin quản lý ngành và giảm áp lực công việc của các cơ sở giáo dục khi phải báo cáo dữ liệu về Bộ.

Đặc biệt, năm 2018, chỉ số hiện đại hóa cải cách hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng 8 bậc (từ vị trí thứ 10 năm 2017, lên vị trí thứ 2 năm 2018). 

Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã cung cấp 22 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 

63 sở Giáo dục và Đào tạo và hơn 300 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã triển khai e-office kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội nghị truyền hình kết nối giữa Bộ và 63 Sở được triển khai hiệu quả.

Biểu đồ 8: So sánh số lượng trường học sử dụng phần mềm quản lý

Nguồn: Báo cáo của Cục Công nghệ thông tin, 2019
Nguồn: Báo cáo của Cục Công nghệ thông tin, 2019

Ngoài ra, Cục Công nghệ thông tin cũng cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá được đẩy mạnh.

Đơn vị đã xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng; trên 900 đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng (của các năm 2017, 2018 và 2019); trên 7.500 luận án tiến sĩ; gần 30 nghìn câu hỏi trắc nghiệm và dữ liệu trường học kết nối. 

Gần 40% số lượt giáo viên được tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó 29% giáo viên có thể thiết kế bài giảng e-learning hỗ trợ học sinh tự học.

Thùy Linh