Sau khi lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học về giáo dục mở trong hội thảo "Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ và hội nhập quốc tế" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 16/5, mở đầu bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay:
“Thay mặt Chính phủ, tôi hoan nghênh Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Tuy đây không phải là hoạt động đầu tiên xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng.
Nhưng đây đúng là hội thảo quốc gia đầu tiên về hệ thống giáo dục mở.
Lắng nghe buổi hội thảo hôm nay, tôi thấy các nhà khoa học phân tích nhiều góc độ khác nhau từ khái niệm, triết lý… về giáo dục mở để từ đó đưa ra các khuyến nghị.
Tuy nhiên, không phải nếu chúng ta không thấm nhuần những góc độ này thì chúng ta không làm.
Bởi lẽ, ví dụ, đến nay vẫn còn nhiều tranh luận liên quan đến triết lý giáo dục của nền giáo dục Việt Nam, nhưng không có nghĩa giáo dục Việt Nam không tiếp tục phát triển.
Do đó việc tranh luận khoa học đó vẫn cứ tiếp tục nhưng không đồng nghĩa chúng ta không làm nhất là những gì đã trở thành xu thế của thế giới”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi mới giành độc lập, Bác Hồ nói: “Phải diệt giặc dốt bằng bình dân học vụ” thì bây giờ chúng ta phải xóa mù về tri thức công nghệ. (Ảnh: Thùy Linh) |
Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình xây dựng và thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã bàn về giáo dục mở, đó là xây dựng xã hội học tập.
Đặc biệt trong quá trình bàn thảo, Chính phủ đã chỉ ra rằng, giáo dục mở xuất hiện ngay từ khi đất nước giành độc lập thông qua phong trào xóa mù chữ “bình dân học vụ”.
Hơn nữa, chúng ta đã hình thành rất sớm 2 viện đại học (Viện Đại học mở Hà Nội, Viện Đại học mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh).
“Không phải đến Nghị quyết 29 mới đề cập tới “giáo dục mở” mà tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc năm 2006 đã nêu “chuyển dần giáo dục hiện tại sang hệ thống giáo dục mở” và từ khi ban hành nghị quyết 29 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt đề án chương trình xây dựng xã hội học tập hoàn toàn theo tinh thần giáo dục mở”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Từ đó Phó Thủ tướng nêu một số vấn đề cần lưu khi khi thực hiện giáo dục mở trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, khi thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta đã ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ giáo dục quốc gia Việt Nam. Đây là hai văn bản căn bản và hoàn toàn theo đúng hướng mở.
Làm sao phát triển đào tạo từ xa trong hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam? |
Rồi chúng ta ban hành hàng loạt đề án như Đề án đào tạo từ xa, Đề án tăng cường công nghệ thông tin trong giảng dạy; Đề án tăng cường dạy ngoại ngữ …
Và gần đây nhất Chính phủ thành lập Đề án “Xây dựng hệ tri thức việt số hóa” trong đó xây dựng toàn bộ tri thức của mình không những là học liệu cho các trường đại học mà còn xây dựng cho mọi người tự học.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi mới giành độc lập, Bác Hồ nói: “Phải diệt giặc dốt bằng bình dân học vụ” thì bây giờ khi đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải xóa mù về tri thức công nghệ.
Những đề án cụ thể đã hoàn toàn tiếp cận theo hướng mở như UNESCO khuyến nghị. Do đó, thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện cho thật tốt.
Thứ hai, chúng ta nói nhiều về vai trò của giáo dục từ trước đến nay đặc biệt giáo dục trong cuộc cách mạng 4.0.
Thẳng thắn nhìn nhận, vai trò giáo dục Việt Nam phải đi trước một bước. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn chưa hài lòng với kết quả chất lượng giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học.
Bởi lẽ, nhìn vào chỉ số xếp hạng đại học hàng đầu thế giới thì Việt Nam chỉ có vài trường trong top 300-500 châu Á, số công trình bài báo khoa học thì ít, kém rất xa với các nước, 3 tạp chí được xếp hạng Scopus thì đó là 3 tạp chí của các viện chứ không có tạp chí nào của trường đại học.
Trích dẫn từ các số liệu, Phó Thủ tướng nêu, tỷ lệ các cháu tốt nghiệp bậc tiểu học học lên trung học cơ sở có xu hướng giảm ở một số vùng nhưng đáng lưu ý, giáo dục đại học của chúng ta đang yếu.
Do đó, mục tiêu cần đi trước và cần kiên trì, kiên quyết ngay lập tức là đưa vào hành lang pháp lý tạo sức ép buộc các trường phải tự chủ. Khi tự chủ các trường buộc phải tìm cách làm sao học liệu tốt nhất để cạnh tranh được, nâng cao chất lượng.
Giáo sư Trần Hồng Quân và định hướng đào tạo giáo viên thời 4.0 |
Thứ ba, tập trung đổi mới giáo dục đại học, một trong chìa khóa là tăng cường tự chủ và tiến hành đổi mới cơ chế quản lý trong trường phổ thông nhằm phát huy tự chủ huy động giáo viên, phụ huynh, học sinh cùng tham gia quản trị nhà trường phổ thông.
Thứ tư, tất cả những rào cản được nhận diện cản trở giáo dục mở phải được gỡ bỏ một cách kiên quyết ví dụ như địa điểm đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào,…
Đồng thời tập trung kêu gọi xây dựng hệ thống học liệu mở, kêu gọi tinh thần chia sẻ, kêu gọi cộng đồng việt hóa không phải chỉ dịch đơn thuần mà còn cải biến từ tài liệu quốc tế một cách phù hợp.
Khi đó, Chính phủ, Bộ khoa học công nghệ cùng các nhà mạng lớn sẽ tham gia cung cấp hạ tầng vào học liệu xuống tới tận bậc phổ thông.
Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần kiên quyết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tất cả đời sống xã hội trước hết giáo dục, chính sách phát triển viễn thông sao cho các nhà khoa học ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới giáo dục cá nhân học trên điện thoại di động để mọi người đều học được.
Trước khi kết thúc bài phát biểu, Phó Thủ tướng khẳng định, để tiến tới “giáo dục mở’ thì đây không phải là việc của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam hay các cơ sở giáo dục mà đó là việc của toàn xã hội cùng nhận thức học không phải chỉ lấy bằng mà học để biết, để làm việc, để sáng tạo tri thức đóng góp cho xã hội.