Gia hạn năm công tác cho GS, TS, hay để họ nghỉ đúng tuổi và hợp đồng nếu cần?

10/11/2021 08:53
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó Giáo sư Nguyễn Cao Khang, nếu để dìu dắt thế hệ cán bộ trẻ hay giảng viên là cán bộ lâu năm có uy tín nên phải kéo dài thời gian là không cần thiết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34/2018/QH14, trong đó có đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.

Theo đó, giảng viên đại học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ dự kiến sẽ được kéo dài thời gian làm việc để giảng dạy nếu có mong muốn, đủ sức khỏe và được nhà trường chấp nhận.

Nên đầu tư cho lớp cán bộ trẻ

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Cao Khang, giảng viên khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích: “Đóng góp của các giảng viên đại học có các học hàm, học vị được quyết định bằng 3 yếu tố quan trọng nhất cho thấy các nhà khoa học đang làm việc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Cao Khang, giảng viên khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Cao Khang, giảng viên khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (NVCC)

Thứ nhất là công bố khoa học quốc tế. Việc này sẽ tạo uy tín cho cá nhân giảng viên cũng như nhà trường.

Thứ hai là làm chủ các đề tài cấp bộ, nhà nước. Việc này sẽ giúp tập hợp lực lượng cán bộ, tạo nhóm nghiên cứu, định hướng và giúp đỡ cán bộ trẻ nghiên cứu, có thu nhập.

Thứ ba là hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thường công việc này phải có nhóm nghiên cứu mới có nghiên cứu sinh. Do đó, việc có nghiên cứu sinh thể hiện được cán bộ hướng dẫn đang làm công tác khoa học.

Chính vì vậy, nếu kéo dài độ tuổi công tác thì phải đảm bảo các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang thực hiện công tác khoa học liên tục trong thời gian được kéo dài đó. Một giảng viên trình độ có cống hiến cho ngành giáo dục hay không không phụ thuộc vào việc kéo dài thời gian làm việc mà phụ thuộc vào các công việc đang làm, kết quả đó thể hiện ở các nghiên cứu, các đề tài, các bài báo... ”.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Cao Khang, để dìu dắt thế hệ cán bộ trẻ hay giảng viên mà cán bộ lâu năm có uy tín phải kéo dài thời gian làm việc là không cần thiết.

Trên thực tế, từ trước đến nay tại một số trường, đối với các cán bộ mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn làm công tác nghiên cứu đề tài mà nhà trường cần, thì các trường vẫn chủ động gia hạn thời gian làm việc bằng các loại hợp đồng.

Không phải bất cứ giảng viên có học hàm, học vị nào đến độ tuổi nghỉ hưu cũng có nhu cầu kéo dài thời gian làm việc và ngược lại. Điều đó còn dựa vào sức khỏe, sức đóng góp và mong muốn của từng người.

Thế nhưng, nếu đồng nhất việc kéo dài độ tuổi làm việc thì dễ dẫn tới trường hợp, có nhiều giảng viên chây ỳ, không cống hiến, không còn các nghiên cứu khoa học, thậm chí họ miễn cưỡng làm việc mà vẫn được hưởng lương như bình thường. Đó lại là bài toán về ngân sách.

“Nếu những giảng viên đại học có học hàm, học vị đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn mong muốn tiếp tục cống hiến thì chúng ta nên có những chính sách quy định cụ thể.

Bởi nếu kéo dài, chi ngân sách nhưng không đạt kết quả mong muốn thì rất lãng phí. Nguồn ngân sách đó chúng ta nên đầu tư cho lớp cán bộ trẻ, sức cống hiến của họ còn dài, còn nhiều và đó cũng chính là đầu tư cho vấn đề thu hút nhân tài”, Phó Giáo sư Khang nhận định.

Không kéo dài tuổi quản lý

Đối với vấn đề này, theo ý kiến của Thạc sỹ Trần Thanh Bắc, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cho rằng, nên kéo dài thời gian công tác chuyên môn của các giảng viên có học hàm, học vị.

Thạc sỹ Trần Thanh Bắc, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. (Ảnh NVCC)

Thạc sỹ Trần Thanh Bắc, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. (Ảnh NVCC)

“Theo tôi, nếu các giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ vẫn đảm bảo sức khỏe thì nên kéo dài thời gian làm việc tại các cơ sở giáo dục. Bởi lẽ, những giảng viên tầm độ tuổi đó thường là những người ‘chín’ về hàm lượng tri thức tổng hợp và kinh nghiệm thực tiễn. Thực tế tôi đã được nhận, được truyền thụ rất nhiều từ những người thầy của mình”, thầy Bắc chia sẻ.

Thế nhưng, theo Thạc sỹ Trần Thanh Bắc, chỉ nên kéo dài tuổi làm việc chứ không nên kéo dài tuổi quản lý.

Thầy Trần Thanh Bắc lý giải: “Những giảng viên trẻ hiện nay rất chủ động trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn cũng như tư duy đổi mới rất nhiều để phấn đấu cống hiến. Về chuyên môn quản lý của những người trẻ có thể có phần nào hạn chế nhưng ưu điểm của họ lại là tiếp thu rất nhanh và chúng ta hoàn toàn có thể bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ quản lý trẻ.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phân biệt rõ rằng, một người có chuyên môn tốt chưa chắc đã trở thành một người quản lý giỏi, mà với vai trò quản lý thì cần bắt kịp xu thế mới. Đó là lí do theo tôi không kéo dài tuổi làm công tác quản lý đối với những giảng viên đã đến tuổi về hưu”.

Việc các giảng viên đại học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ dự kiến sẽ được kéo dài thời gian làm việc để giảng dạy theo thầy Trần Thanh Bắc là cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh giáo dục đại học hiện nay ở nước ta. Tuy nhiên cần có những cơ sở cả về lý luận và thực tiễn cũng như nhu cầu, khả năng cam kết đáp ứng của chính những họ. Bên cạnh đó, phải phù hợp với thực tiễn của các cơ sở đào tạo.

“Chúng ta cần có những cái nhìn bao quát, tổng thể và phù hợp với hoàn cảnh của các cơ sở đào tạo. Tôi lấy ví dụ tại các cơ sở giáo dục đại học địa phương, hay cụ thể hơn là các cơ sở tại miền núi, vùng cao, địa phương khó khăn. Để có một giảng viên có học hàm, học vị thì cần có thời gian rất lâu, thậm chí nhà trường cử người đi học cũng rất vất vả. Thế nhưng thời gian sau khi cống hiến chưa được nhiều thì hết tuổi làm việc. Đó cũng được xem là bất cập.

Vì thế, các giảng viên có trình độ, nếu đảm bảo sức khỏe, mong muốn tiếp tục được làm việc và cam kết rằng thời gian tiếp tục làm việc đó vẫn cống hiến hết sức mình cho giáo dục thì chúng ta cần có những chính sách cụ thể, rõ ràng. Như thế vừa không lãng phí nguồn nhân lực cũng không lãng phí nguồn ngân sách nhà nước”, Thạc sỹ Trần Thanh Bắc bày tỏ.

Cao Kim Anh