Các nhà xuất bản đã công bố mức giá cho các bộ sách, tuy nhiên mức giá sách giáo khoa mới tăng 3 đến 4 lần so với giá sách hiện hành, điều này khiến các thầy cô cũng như phụ huynh ở vùng cao e ngại.
Nhiều thầy cô lo lắng học sinh ở vùng cao không đủ tiền mua sách, nhất là trong tình hình dịch bệnh vừa qua, để đến trường học các em học sinh trên này cần phải cố gắng rất nhiều.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cô Bùi Thị Thơm giáo viên dạy trường Phổ thông dân tộc bán trú Nàn Xỉn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, cho biết đối với việc sách giáo khoa tăng giá đây là một bài toán khó đối với học sinh vùng cao.
Giờ thể dục ở trường Trung học cơ sở bán trú Nàn Xỉn. Ảnh: minh họa: Lê Vân/Báo Biên phòng |
Tuy rằng cũng sẽ có một số gia đình học sinh cố gắng mua đủ sách cho con mình, cũng có học sinh được nhà nước hỗ trợ mua sách cho học sinh, nhưng nhìn chung đa phần học sinh sẽ khó khăn ở vấn đề sách tăng giá.
Cô Thơm băn khoăn: “Giá sách tăng mà giáo viên đòi hỏi học sinh phải có đầy đủ bộ sách, chúng tôi đang lo học sinh sẽ bị áp lực học tập dẫn đến việc không đảm bảo duy trì sĩ số đối với học sinh vùng sâu vùng xa”.
Cô Thơm cũng cho rằng, việc sách giáo khoa tăng giá cũng có nguyên nhân chính đáng của nhà xuất bản, nên các giáo viên sẽ cần khắc phục việc mua sách giáo khoa cho học sinh vùng cao bằng nhiều cách khác nhau.
"Đa số học sinh trên vùng cao ở bán trú tại trường nên sẽ để học sinh dùng chung một bộ sách, hoặc sau khi kết thúc năm học trường sẽ xin lại sách để cho khóa sau học, khoảng 40% học sinh sẽ đồng ý để lại sách cho nhà trường.
Nhưng đấy chỉ là giải pháp tạm thời bởi sẽ có lúc không xin được sách, học sinh cũng không để lại sách giáo khoa cho nhà trường, vậy nên vẫn phải xin nhà xuất bản thực hiện giảm giá sách đối với học sinh vùng sâu vùng xa", cô Thơm cho biết.
Thầy Trần Văn Minh (Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Mai Châu B, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cũng cho rằng, sách giáo khoa tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của học sinh, bởi trên vùng cao thường hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều trường hợp nhà trường phải hỗ trợ suốt cả 3 năm học.
"Học sinh ở vùng 135 tuy được cấp tiền và gạo, thế nhưng nhắc đến mua sách vở hay đồ dùng phục vụ cho học tập, nhiều gia đình vẫn còn băn khoăn vì chưa đủ tài chính, bởi có những gia đình bố, mẹ đi làm ăn xa, không có thời gian quan tâm đến con, trường đã tạo điều kiện đi xin sách giáo khoa cũ ở các địa phương mấy năm để phục vụ cho học tập.
Đã nhiều năm nay trường đều thu mua lại sách của các tỉnh, hoặc xin lại sách cũ để phục vụ cho học sinh của trường", thầy Minh nói.
Nhiều thầy cô giáo lo lắng khi học sinh vùng cao đến trường thiếu sách vì giá cao, chính sách cắt giảm. Ảnh: LC |
Cũng chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc giá sách tăng cao, cô Lương Thị Ngọc (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho rằng, vấn đề sách giáo khoa tăng giá là điều không thuận lợi cho học sinh vùng cao, cũng như quá trình thuyết phục phụ huynh trên vùng cao mua sách tăng giá sẽ gặp trở ngại, vì nguồn kinh phí của họ không đủ cung ứng.
"Học sinh vùng cao, các em cũng được hỗ trợ chi phí học tập, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình học sinh có thể dùng tiền đấy vào các mục đích khác nên khi mua sách giáo khoa nguồn chi phí không còn đủ.
Phụ huynh thường sẽ không thể bỏ ra một khoản tiền ngay từ đầu năm học để có thể trang bị đầy đồ dùng học tập, họ còn phải cân nhắc rất nhiều, bởi nhiều khi cơm ăn còn chưa đủ nên tiền học phí họ sẽ đắn đo rất lâu”, cô Ngọc nói.
Cô Ngọc cho biết thêm, hiện tại trong khi chờ giá sách khoa cụ thể trường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động, để các nhà tài trợ sẽ giúp đỡ các học sinh vùng cao có hoàn cảnh khó khăn, cũng như xin lại sách giáo khoa của các khóa trước để lại cho các lớp học sau.
"Trước mắt Trường Trung học Phổ thông Mèo Vạc sẽ tập hợp lại số liệu, rà soát xem bao nhiêu học sinh đã có, và chưa có sách giáo khoa, dựa trên cơ sở đấy nhà trường sẽ tìm các nguồn cung ứng để hỗ trợ cho học sinh, cũng như định hướng cho phụ huynh sử dụng đúng với số tiền hỗ trợ chi phí học tập của nhà nước để đảm bảo cho học sinh có đủ sách giáo khoa ngay từ đầu năm học.
Cũng có một số phụ huynh có thể tự đặt sách giáo khoa, tuy nhiên nếu đặt sách qua nhà trường sẽ thuận lợi hơn trong vấn đề tìm nguồn cung ứng sách giáo khoa uy tín, bởi trường lo sợ phụ huynh sẽ mua phải sách hàng giả, hàng nhái, tuy nhiên trường cũng sẽ giới thiệu cho phụ huynh nguồn mua sách giáo khoa để họ có thể tự mình mua sách cho con của mình.
Trường mong muốn sách giáo khoa sẽ được giảm giá hoặc được trợ giá đối với học sinh vùng cao, để học sinh có đầy đủ sách giáo khoa vào đầu năm học, cũng như đầu năm nay học sinh lớp 10 sẽ theo chương trình giáo dục phổ thông mới trường mong muốn được biết giá sách sớm để điều chỉnh cũng như thông báo đến phụ huynh sớm hơn", cô Ngọc chia sẻ.