Sáng nay (23/6), các thí sinh hoàn thành xong bài thi môn chuyên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. Đáng chú ý đề thi môn Ngữ văn sáng nay gợi cho thí sinh cảm thụ được cuộc sống xung quanh, truyền cảm hứng tình yêu đồng loại.
Trường THCS Ba Đình là một điểm thi của trường chuyên THPT Chu Văn An. Sau thời gian làm bài môn Ngữ văn sáng nay nhiều thí sinh ra về với tâm trạng vui, khá thoải mái khi đề được ra với tính mở cao. Đề thi môn Văn sáng nay có 2 câu hỏi trong đó câu hỏi nghị luận xã hội chiếm tới 4 điểm trong tổng số 10 điểm của đề thi.
Đề thi Ngữ văn lớp 10 chuyên khiến nhiều thí sinh phải ngẫm nghĩ về giá trị sống bản thân. |
Hoàng Ngọc, học sinh Trường THCS Xuân La cho biết, đề thi sáng nay rất thú vị, là dân chuyên Văn nên đề dạng này đối với Ngọc không khó khăn khi hoàn thành. “Đề nằm trong kiến thức cớ bản, phần nghị luận xã hội nói về tình yêu thương giữa con người với con người, đó là một dạng hỏi khá thiết thực với cuộc sống đời thường. Học sinh suy nghĩ về điều này rất có ích cho cuộc sống. Em làm xong hết hai câu, dự kiến được khoảng hơn 8 điểm”, Ngọc cho biết.
Các thí sinh khi được hỏi đều trả lời chú ý vào những dẫn chứng từ cuộc sống quanh mình, các câu chuyện bạo hành gia đình, mối quan hệ vợ chồng, bạn bè, anh em được các em dẫn chứng rất cụ thể.
Một học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy) cho biết: “Với đề ra kiểu như thế này có cảm nhận những giá trị từ cuộc sống, những tấm lòng nhân ái thương nhau, đùm bọc nhau sẽ còn mãi trong xã hội chúng ta. Trong bài làm sáng nay em vận dụng nhiều câu chuyện từ trong các tác phẩm văn chương. Những ví dụ từ các chuyến từ thiện của các bạn trẻ trong xã hội, những con người luôn hướng về nhau, cùng giúp nhau phát triển”.
Theo nhiều học sinh, mặc dù là đề mở nhưng các em không bất ngờ vì đã được làm quen với dạng đề như thế này ở trong nhà trường. Phần câu hỏi về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh cũng khá trọng tâm nên các em cho biết có thể đạt điểm 7 trở lên.
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN VÀO LỚP 10 CHUYÊN THPT TẠI HÀ NỘI
Câu 1 (4,0 điểm)
Một chàng trai đứng giữa thị trấn và tuyên bố trái tim mình đẹp nhất vì nó chẳng có tí vết hay rạn nứt nào. Đám đông cho rằng đó là trái tim đẹp nhất. Một cụ già xuất hiện và nói rằng trái tim mình đẹp hơn. Chàng trai và mọi người ngắm trái tim đang đập mạnh mẽ, đầy sẹo lởm chởm, rãnh khuyết,…Anh khẳng định trái tim mình hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá nhiều vết cắt. Cụ già nói:
Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người tôi yêu… Tôi lấy một phần trái tim mình trao cho họ, thường họ cũng trao một phần tim của họ để tôi lắp vào. Nhưng những phần tim chẳng hoàn toàn giống nhau: cha mẹ trao cho tôi phần lớn hơn tôi trao cho họ, ngược lại với phần tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến. Thỉnh thoảng tôi trao phần tim của mình nhưng không nhận được gì nên tim có vết khuyết. Dù đau đớn nhưng tôi luôn hy vọng ngày nào đó những rãnh khuyết sẽ được bù đắp…
Những giọt nước mắt lăn dài trên má, chàng trai bước tới, lấy một phần trái tim mình trao cho cụ. Cụ cũng lấy một phần trái tim đầy vết sẹo trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp, tạo nên những đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết…
(Phỏng theo Quà tặng cuộc sống, báo Tuổi Trẻ - NXB Trẻ, 2004)
Câu 2 (6,0 điểm)
Trong tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi khẳng định: “Cái tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náu mình, yên lặng”. Giải thích ngắn gọn nhận định trên và làm sáng rõ tư tưởng “náu mình, yên lặng” trong bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh).
ĐIỂM NÓNG |
|
Xuân Trung