Hôm 3.4, Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) thừa nhận nền kinh tế yếu kém của Ukraine đã bị sụp đổ từ lâu nếu không có sự giúp đỡ về tài chính từ Nga.
Bà Christine Lagarde thẳng thắn cho rằng nền kinh tế của quốc gia Đông Âu hồi năm ngoái đã tới bờ vực thì may mắn được Nga ra tay cứu giúp.
Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc tế Christine Lagarde. |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh PBS của Mỹ, bà Christine Lagarde chia sẻ: "Nếu không có sự giúp đỡ mà họ đã nhận được từ nguồn cứu trợ sống còn mà Nga đã đưa ra cách đây một vài tháng, họ đã chẳng đi tới đâu”.
Nga đã có một quyết định vô cùng quan trọng khi đầu tư khoản tiền khổng lồ lên tới 15 tỷ USD vào trái phiếu của Ukraine hồi cuối năm ngoái, với khoản giải ngân đầu tiên là 3 tỷ USD hồi tháng 12. Moscow cũng đồng ý giảm mạnh giá khí đốt cho Ukraine trong một nỗ lực nhằm giúp nước láng giềng khôi phục lại nền kinh tế yếu ớt.
Tuy nhiên, khoản cứu trợ kinh tế quan trọng trên cùng với quyết định cắt giảm giá khí đốt đã nhanh chóng bị “đóng băng” sau khi xảy ra cuộc đảo chính trong làn sóng biểu tình bạo lực hồi tháng 2 vừa rồi, kết quả là các đảng phái cánh hữu lên nắm giữ các vị trí then chốt trong chính quyền ở Kiev.
Giám đốc IMF thừa nhận rằng Ukraine đã ra khỏi thị trường tài chính quốc tế. Bà cũng nhấn mạnh, IMF sẽ cung cấp tiền viện trợ cho Ukraine với một điều kiện, điều đó có nghĩa là Ukraine phải làm những gì cần thiết để cải cách nền kinh tế, trong đó sẽ bao gồm việc một số lựa chọn khó khăn.
Bà Lagarde nói: "Đó là một nền kinh tế cần cải cách, cần thay đổi toàn diện về chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, và các chính sách về năng lượng”.
Tổ chức IMF có trụ sở tại Washington cũng cho biết hồi tuần trước đã kí một thỏa thuận mang tính ràng buộc với Ukraine, theo đó Kiev sẽ nhận được14 đến 18 tỷ USD khoản vay cứu trợ. Đổi lại, Ukraine sẽ phải trải qua những cuộc cải cách kinh tế đau đớn. Ukraine được cho là sẽ nhận được tổng số 27 tỷ USD trong 2 năm tới.
Nhật Minh. Nguồn Rian