Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng nói về một năm học đầy gian nan, thách thức

07/02/2022 06:55
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như dạy học trên truyền hình dành cho lớp 9 và 12, thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”...

LTS: Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều trường học phải đóng cửa, ngành giáo dục Đà Nẵng phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Để thích ứng linh hoạt với tình hình mới, các trường đã có nhiều phương án sáng tạo trong giảng dạy như: “biến” phòng học thành phim trường, dạy học trên sóng truyền hình…

Thời gian tới, khi dịch bệnh vẫn còn thì ngành giáo dục Đà Nẵng phải làm gì? Liệu rằng học sinh thành phố có thể sớm trở lại trường học sau Tết nguyên đán 2022.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng.

Phóng viên:Thưa bà, ngành giáo dục Đà Nẵng đã đối mặt với những khó khăn nào trong suốt hai năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành?

Trong bối cảnh đó thì giáo dục Đà Nẵng đã có những phương án nào để thích nghi với tình hình mới để bảo đảm công tác dạy – học?

Bà Lê Thị Bích Thuận: Trong suốt hai năm qua, khi dịch Covid-19 hoành hành, nhất là khi dịch bệnh mới bùng phát, ngành gặp rất nhiều khó khăn.

Cả thầy và trò chưa có sự chuẩn bị từ trước, thiếu thiết bị, chưa làm quen với thao tác trên phần mềm, lỗi kết nối, thiếu giao tiếp trực quan, trực tiếp.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng chỉ ra những thách thức của ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Ảnh: AN

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng chỉ ra những thách thức của ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Ảnh: AN

Việc quan sát, quản lý học sinh gặp khó khăn, việc phối hợp giữa dạy trực tiếp và trực tuyến vẫn phải lồng ghép một cách phù hợp, linh hoạt, trong khi thi cử, kiểm tra, đánh giá rất cần đến tính trung thực, khách quan…

Trong quá trình tổ chức việc dạy và học trực tuyến đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, công chức, viên chức và người lao động ngành Giáo dục thành phố đã nỗ lực, linh hoạt trong triển khai công tác dạy và học trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: thực hiện chương trình dạy học trên truyền hình dành cho lớp 9 và 12, thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động.

Chỉ đạo các phòng giáo dục, trường học kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của xã hội, giúp học sinh khó khăn có máy tính và sóng để học tập trực tuyến; triển khai tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên về cách thức “tổ chức dạy học trực tuyến”; kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến…

Phóng viên: Với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc trong thời gian ngắn, vậy ngành giáo dục đã có phương án đối phó dài hơi ra sao trong bối cảnh này?

Bà Lê Thị Bích Thuận: Với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc trong thời gian ngắn, toàn ngành xác định tiếp tục thực hiện "nhiệm vụ kép".

Trong đó, vừa thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, chỉ đạo các đơn vị, trường học chủ động xây dựng các hình thức dạy học thích ứng, phù hợp với các điều kiện hiện có của đơn vị.

Tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học, đảm bảo hoàn thành khung thời gian quy định và chuẩn bị tâm thế cho học sinh thực hiện kiểm tra, đánh giá để hoàn thành quá trình dạy học hiệu quả.

Cụ thể, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19. Trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm của năm học vừa đảm bảo hoàn thành chương trình đúng kế hoạch vừa đảm bảo các yêu cầu của công tác phòng tác phòng chống dịch.

Đà Nẵng đã tổ chức thành công kì thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Ảnh: AN

Đà Nẵng đã tổ chức thành công kì thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Ảnh: AN

Tiếp tục tăng cường đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo chất lượng dạy và học. Linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học tùy theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học.

Vào những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy và học trực tiếp để bổ sung, luyện tập những nội dung dạy học, tổ chức kiểm tra đánh giá mà hình thức trực tuyến không hoặc khó thực hiện hiệu quả (dạy học trải nghiệm, thực hành, thí nghiệm,…).

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022; chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và 10 từ năm học 2022 - 2023.

Tập trung đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh; tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận, khai thác các nguồn học liệu đa dạng, phong phú; linh hoạt, thích ứng với các giải pháp dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học. Không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; tổ chức tuyển dụng giáo viên còn thiếu so với định mức biên chế được giao.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.

Chủ động phối hợp với Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tiêm vắc-xin cho học sinh, nâng cao khả năng thích ứng toàn ngành đối với tình hình dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới và dự báo có thể còn kéo dài.

Phóng viên: Nhìn lại gần một năm chống chọi với dịch bệnh, theo bà, ngành giáo dục Đà Nẵng đã làm được những gì và những gì còn chưa làm được?

Bà Lê Thị Bích Thuận: Nhìn lại gần một năm chống chọi với dịch bệnh, ngành giáo dục thành phố đã chủ động hơn trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tổ chức dạy học trong tình hình dịch bệnh.

Những giải pháp đó bắt đầu từ chính những sáng kiến của các cán bộ quản lí, đội ngũ các thầy cô giáo sâu sát với thức tế dạy học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng trao tặng giấy khen cho những học sinh có thành tích đặc biệt. Ảnh tư liệu năm 2019.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng trao tặng giấy khen cho những học sinh có thành tích đặc biệt. Ảnh tư liệu năm 2019.

Đáng ghi nhận, đến cuối năm 2021, hầu hết học sinh đã có gần đủ phương tiện để tham gia học trực tuyến; các đơn vị, trường học cơ bản đã thích ứng và linh hoạt trong việc triển khai chuyển đổi hình thức dạy học.

Ngành cũng đã tổ chức thành công kì thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông và kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong điều kiện dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp.

Với cương vị người đúng đầu ngành, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả các công chức, viên chức và người lao động của toàn ngành, đang hàng ngày lao động miệt mài, cống hiến và sáng tạo không ngừng, hoàn thành trách nhiệm của ngành đối với người dân mà nhất với các em học sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trăn trở với những việc chưa làm được như: cách thức tổ chức để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của việc dạy học trực tuyến các đơn vị, trường học chưa thật đồng đều.

Các điều kiện về công nghệ thông tin chưa đảm bảo (sự cố nghẽn mạng, đường truyền không ổn định, trang bị thiết bị dạy và học cho giáo viên, học sinh,…); hạn chế về khả năng sử dụng các phần mềm, ứng dụng trong việc quản lí dạy học của một bộ phận cán bộ quản lí, trong việc tổ chức dạy học trực tuyến của một bộ phận giáo viên còn hạn chế.

Tâm lí ngại đổi mới, cập nhật kĩ năng mới của một số thành viên cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá trực tuyến. Việc tổ chức dạy học trực tuyến đối với bậc mầm non, tiểu học cũng là vấn đề hết sức trăn trở.

Phóng viên: Kỳ vọng của ngành giáo dục Đà Nẵng trong năm mới đến như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Bích Thuận: Phải khẳng định rằng, trước những khó khăn chung của toàn xã hội nói chung, ngành giáo dục thành phố nói riêng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ngành đã nhận được sự quan tâm của thành phố, các tổ chức hội đoàn thể, sự chung tay góp sức của các mạnh thường quân nên học sinh có thêm điều kiện học tập trong thời điểm học sinh không được đến trường học tập.

Chúng tôi mong các bậc phụ huynh tiếp tục đồng hành, chia sẻ những khó khăn chung của ngành giáo dục. Các em học sinh tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để học tập, rèn luyện tốt, nâng cao ý thức tự giác, tinh thần sáng tạo trong điều kiện dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để tất cả các học sinh sẽ được đến trường.

Đội ngũ công chức, viên chức và người lao động toàn ngành rà soát, đánh giá, điều chỉnh những biện pháp trên cơ sở kinh nghiệm của hai năm qua để tiếp tục có những giải pháp nâng cao công tác quản lí, chất lượng dạy học trong thời gian đến hiệu quả, chất lượng.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi !

AN NGUYÊN