Giám đốc Sở Giáo dục Hậu Giang đề xuất hướng triển khai học bạ điện tử

14/03/2023 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tài chính hạn hẹp là thách thức đối với các trường công lập trong vấn đề cân nhắc và lựa chọn phần mềm ứng dụng triển khai học bạ điện tử.

Hiện việc ứng dụng chuyển đổi số trong trường học và triển khai học bạ điện tử chưa có kết nối liên thông và chưa mang tính tổng thể.

Nguồn ảnh: vov.vn

Nguồn ảnh: vov.vn

Bàn về vấn đề quản trị trường học khi triển khai học bạ điện tử, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, cán bộ quản lý, giáo viên ở các đơn vị trường học phải là những người tiên phong, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình giáo dục thì việc chuyển đổi số mới lan tỏa trong toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong trường học và sử dụng học bạ điện tử hiện chỉ dừng ở giải quyết một số khía cạnh công việc của trường, thiếu tính tổng thể, đồng bộ.

Cũng theo bà Hằng, cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở giáo dục áp dụng học bạ điện tử tại các đơn vị trường học. Đồng thời, tăng cường lưu trữ dữ liệu, bảo mật tài khoản và đảm bảo quyền truy cập chỉ dành cho người có thẩm quyền.

Mặt khác, tài chính cũng là khó khăn, thách thức đối với các nhà trường công lập trong vấn đề cân nhắc và lựa chọn phần mềm ứng dụng hiệu quả”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho hay.

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, từ năm học 2017-2018, Sở phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ để triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử miễn phí đến các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh. Qua thực tiễn cho thấy, sử dụng học bạ điện tử mang lại thuận lợi cho cả nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, theo bà Hằng, ứng dụng học bạ điện tử vẫn còn nhiều vướng mắc.

Thứ nhất, hiện học bạ cũng mới ở giai đoạn khuyến khích, thử nghiệm nên có nhiều trường phổ thông ở trong và ngoài tỉnh chưa triển khai áp dụng. Do đó, chưa đồng bộ dữ liệu khi thực hiện hồ sơ chuyển trường mà phải xuất học bạ ra bản giấy.

Thứ hai, một bộ phận giáo viên sử dụng máy tính chưa thành thạo nên gặp khó trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, học kỳ kết thúc đồng loạt nên đôi khi bị nghẽn phần mềm, gây khó cho giáo viên thao tác nhập điểm, đánh giá học sinh.

Thứ tư, mặc dù lấy dữ liệu từ học bạ điện tử nhưng học sinh chuyển trường, tuyển sinh đầu cấp còn dùng học bạ giấy để làm cơ sở thực hiện hồ sơ. Các trường đại học, cao đẳng vẫn sử dụng bản học bạ giấy để làm căn cứ xét tuyển.

Thứ năm, học bạ điện tử chỉ sử dụng, lưu hành và quản lý trong phạm vi hẹp, chưa thể kết nối với các trường học khác cũng như những đơn vị bên ngoài do mỗi trường, mỗi địa phương sử dụng phần mềm khác nhau.

Thứ sáu, lo ngại rủi ro về các vấn đề an ninh mạng, đánh cắp, mua bán, rò rỉ thông tin trên học bạ điện tử.

Nhấn mạnh việc sử dụng song song học bạ giấy và học bạ điện tử, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, học bạ giấy là minh chứng thực tế, nếu bỏ thì phải có phần mềm quản lý tin cậy, kiểm soát thay đổi điểm số và thống nhất toàn quốc khi dữ liệu chuyển đi, chuyển đến.

“Vì chưa có quy định pháp lý mới về sử dụng học bạ điện tử nên đối với tuyển sinh đầu cấp, chuyển trường thì vẫn phải sử dụng học bạ giấy theo mẫu viết tay hoặc xuất từ học bạ điện tử ra. Chưa kể, trong một số trường hợp cấp thiết mà lại gặp sự cố mạng kết nối, chậm trễ giữa các đơn vị thì vẫn cần học bạ giấy.

Khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất và chỉ đạo sử dụng học bạ điện tử trên một nền tảng phần mềm chung cả nước thì không cần sử dụng học bạ giấy. Bởi, hệ thống học bạ điện tử khi được áp dụng sẽ giúp toàn bộ công tác quản lý tự động hóa theo quy trình và trên mô hình tập trung”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

Cùng chia sẻ với phóng viên, hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông ở tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nhà trường sử dụng phần mềm ứng dụng quản trị trường học và có tích hợp modul học bạ điện tử.

“Sử dụng học bạ điện tử, việc quản lý số liệu, truy xuất số liệu thực hiện nhanh chóng, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, giảm áp lực sổ sách. Nhà trường tăng cường hiệu lực quản lý, thuận tiện lưu trữ, bảo quản, tăng tính chuyên nghiệp trong quản trị nhà trường.

Hơn nữa, phần mềm cũng cho phép kiểm tra, giám sát hiệu chỉnh điểm của giáo viên, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong giáo dục và đào tạo. Tránh tiêu cực về đánh giá, chấm điểm (tính năng giám sát nhập điểm).

Ngoài ra, trường dễ dàng cập nhật thông tin và dữ liệu học sinh các em mới chuyển đến từ trường có sử dụng học bạ điện tử cùng hệ thống. Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục”, vị này cho biết.

Cũng theo vị hiệu trưởng, đa số cán bộ, giáo viên được chuẩn hóa về trình độ công nghệ thông tin nên việc triển khai học bạ điện tử được tiến hành đúng lộ trình đề ra. Ngoài ra, số lượng giấy in ấn và các tài liệu liên quan giảm, hạn chế lượng rác thải và bảo vệ môi trường.

“Tuy nhiên, việc kết nối học bạ điện tử giữa trường này với trường khác còn nhiều khó khăn”, vị này nói.

Trước những vướng mắc, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng nêu một số đề xuất nhằm triển khai học bạ điện tử thuận lợi trên địa bàn toàn tỉnh và cả nước như sau:

Một là, Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất cao và sẽ tích cực, chủ động triển khai áp dụng trong toàn tỉnh. Sở đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai áp dụng học bạ điện tử trên toàn quốc, trong tuyển sinh đầu cấp, chuyển trường và nội dung liên quan.

Hai là, các dữ liệu phần mềm chính thống, đồng bộ, tự động từ các trường tới cơ quan quản lý cấp trên gồm: Phòng, Sở, Bộ.

Theo đó, số liệu thống kê của cấp học, kết quả kiểm tra học tập và thông tin của học sinh, cơ quan quản lý cấp trên chỉ cần thực hiện thao tác đơn giản là có đầy đủ thông tin chính xác thay vì kiểm tra trực tiếp hoặc tổng hợp và chờ đợi từ các đơn vị gửi lên như đã thực hiện nhiều năm trước.

Ba là, cần có phần mềm bảo mật cao, đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về chuyển đổi số, dùng chữ ký số.

Ngọc Mai