Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để đạt được mục tiêu chiến lược, năng lực nhân sự là một yếu tố trọng tâm, căn bản và then chốt tạo nên lợi thế cạnh tranh của mỗi trường đại học và hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Để hiểu hơn về cách thức quản trị nhân sự của cơ sở giáo dục đại học, Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Nhà giáo ưu tú Bùi Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thương mại.
Có ý kiến cho rằng, quản trị nhân sự trong các trường đại học (công lập) chủ yếu vẫn được coi là công việc hành chính. Thầy có đồng tình với quan điểm này không?
Phó giáo sư Bùi Hữu Đức: Tôi không đồng tình với quan điểm này vì các lý do sau:
Thứ nhất, để phát triển bền vững, nhất là đối với các trường đại học công lập thực hiện cơ chế tự chủ như Trường Đại học Thương mại, rất cần một mô hình quản trị nhân lực hiện đại để thực hiện quản trị đại học tiên tiến.
Trong đó cần xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng, phù hợp với nhu cầu của xã hội trong bối cảnh hiện tại. Trường Đại học Thương mại đang từng bước nghiên cứu và áp dụng mô hình HRBP (Human Resource Business Partner) - mô hình hiện đại nhất của quản trị nhân lực hiện tại.
Phó giáo sư, Nhà giáo ưu tú Bùi Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thương mại (ảnh: NVCC) |
Thứ hai, có thể một số trường đại học công lập chưa thực hiện cơ chế tự chủ, còn nhiều vướng mắc khó khăn trong chính sách quản lý Nhà nước, trong hoạt động của bộ chủ quản, của chính nhà trường thì cũng đã và đang chuyển từ mô hình quản trị nhân lực dạng hành chính sang quản trị nhân lực là một chức năng, có chủ đích, có kế hoạch. Chỉ như vậy mới có thể từng bước phát triển nguồn nhân lực để góp phần nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo và tồn tại trong bối cảnh mới của giáo dục đại học hiện nay.
Tự chủ của các trường đại học trong quản lý đội ngũ cần được thể hiện ở sự tự do tuyển chọn, bố trí giảng viên và cán bộ vào các vị trí lao động cần thiết. Từ thực tiễn, thầy đánh giá như thế nào về chính sách tự chủ nhân sự trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay?
Phó giáo sư Bùi Hữu Đức: Tự chủ của các trường đại học trong quản lý đội ngũ là một phần quan trọng trong thực hiện cơ chế tự chủ về tổ chức bộ máy của nhà trường.
Trong quản lý đội ngũ nhân lực, ngoài việc tuyển chọn, bố trí giảng viên và cán bộ vào các vị trí việc làm cần thiết còn có cả sự chủ động trong đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, đánh giá xếp loại chất lượng giảng viên và các nhân sự khác trong trường sát thực, khách quan, là cơ sở hữu hiệu cho đãi ngộ nhân lực công bằng, cạnh tranh và phù hợp với khả năng tài chính của mỗi nhà trường.
Thực tế cho thấy, về hiện trạng của chính sách tự chủ nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta có thể chia 2 nhóm.
Nhóm 1: Tại các cơ sở giáo dục đại học triển khai tự chủ thành công bước đầu. Để tạo thành công bước đầu cho các trường nhóm này, chính sách tự chủ nhân sự của các trường này đã được đầu tư, xây dựng bài bản, đồng bộ và có tính hệ thống. Từ đó tạo ra sự chủ động, linh hoạt trong tuyển dụng, bố trí giảng viên và các nhân sự khác vào các vị trí việc làm cần thiết.
Đồng thời có sự áp dụng các công cụ hiện đại trong giao việc, đánh giá thành tích và chi trả lương, thưởng; nhờ đó mới tạo được động lực làm việc cho giảng viên, làm cơ sở nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Nhóm 2: Tại các cơ sở giáo dục đại học còn gặp vướng mắc khi áp dụng cơ chế tự chủ. Chính sách tự chủ nhân sự còn chưa đồng bộ, chưa có tính hệ thống, chưa phát huy hết quyền tự chủ trong công tác tổ chức bộ máy. Chính sách tuyển dụng, bố trí giảng viên, chính sách đào tạo, đánh giá, đãi ngộ giảng viên vẫn chủ yếu theo những quy định của pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do nhận thức về tầm quan trọng của công tác quản trị nhân lực trong tự chủ đại học, do hạn chế về nguồn thu dẫn đến năng lực tài chính hạn hẹp gây khó khăn cho xây dựng và triển khai các chính sách tự chủ nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học.
Điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học thu hút người giỏi tới làm việc chính là cơ chế tự chủ để chủ động sử dụng các chính sách thu hút nhân tài. Từ thực trạng nêu trên, thầy có khuyến nghị gì về quản trị nhân sự trong trường đại học ở Việt Nam khi thực hiện tự chủ đại học?
Phó giáo sư Bùi Hữu Đức: Tôi hoàn toàn nhất trí điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học thu hút người giỏi tới làm việc chính là cơ chế tự chủ để chủ động ban hành và sử dụng các chính sách thu hút nhân tài.
Đồng thời, với các đánh giá về hạn chế về chính sách tự chủ nhân sự trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, cá nhân tôi có một số khuyến nghị về công tác quản trị nhân lực trong các trường đại học ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, tập thể lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học cần nhận thức quản trị nhân lực đóng vai trò then chốt trong áp dụng mô hình quản trị đại học tiên tiến để đảm bảo thành công khi trong tự chủ về tổ chức bộ máy.
Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng một cách đồng bộ, có tư duy hệ thống các chính sách quản trị nhân lực của mình. Cần bắt đầu từ xây dựng Đề án Vị trí việc làm, số lượng người làm việc và điều kiện, tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm theo từng giai đoạn đáp ứng Chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục đại học đó.
Sau đó là các chính sách tuyển dụng, bố trí giảng viên, đào tạo, đánh giá, lương và các chính sách đãi ngộ khác. Việc xây dựng các chính sách này cần đảm bảo khung pháp lý hiện hành và xuất phát từ thực tiễn, điều kiện cụ thể của từng nhà trường để có hệ thống chính sách quản trị nhân lực hiệu quả, khả thi và đúng pháp luật.
Thứ ba, có chính sách đột phá trong thu hút, tuyển chọn giảng viên giỏi, có năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ứng dụng thực tế.
Thứ tư, có chính sách đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên có trọng tâm, trọng điểm, làm cơ sở nâng cao chất lượng đội ngũ.
Thứ năm, cân nhắc áp dụng mô hình quản trị thành tích, đảm bảo đánh giá xếp loại, chất lượng giảng viên và các nhân sự khác trong nhà trường sát thực khách quan, làm cơ sở chi trả lương, thưởng và các chính sách đãi ngộ khác công bằng, cạnh tranh và phù hợp khả năng tài chính của mỗi cơ sở giáo dục đại học.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, linh hoạt điều chỉnh thích ứng với sự thay đổi của môi trường mới có thể hiện thực hóa được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực - nguồn lực trọng tâm, căn bản và then chốt tạo nên lợi thế cạnh tranh của mỗi cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh mới của giáo dục đại học hiện nay.
Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư, Nhà giáo ưu tú Bùi Hữu Đức.