Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn được cho nghỉ hưu trước tuổi

06/05/2022 06:46
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Uỷ ban nhân dân TPHCM đã có quyết định về việc nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho ông Lê Minh Tấn từ ngày 1/5/2022.

Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi quyết định cho ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh được nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1/5/2022.

Được biết, quyết định trên của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ theo các quy định của pháp luật, theo biên bản giám định y khoa ngày 28/4/2022 của Hội đồng Giám định y khoa thành phố và theo đơn xin nghỉ hưu trước tuổi (ngày 14/4/2022) của ông Tấn và theo Tờ trình ngày 29/4 của Giám đốc Sở Nội vụ.

Văn bản của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho ông Lê Minh Tấn nghỉ hưu trước tuổi (ảnh: Lê Phương)

Văn bản của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho ông Lê Minh Tấn nghỉ hưu trước tuổi (ảnh: Lê Phương)

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ông Lê Minh Tấn liên tiếp bị tố cáo về nhiều nội dung trong đó có liên quan đến vấn đề vận động và chi tiền quỹ phòng chống dịch Covid-19.

Gần đây nhất, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản khẩn gửi Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29/4 về xử lý đơn tố cáo giấu tên và phản ánh của báo chí liên quan đến ông Lê Minh Tấn.

Uỷ ban cũng giao Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo đề xuất hướng giải quyết dứt.

Trước đó vào năm tháng 10/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng vào cuộc xác minh thông tin băn khoăn liên quan đến con đường học vấn của ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thông tin mà phóng viên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tìm hiểu, ông Lê Minh Tấn sinh năm 1963. Chỉ mới 21 tuổi (năm 1984) thì ông Tấn đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch, rồi chỉ trong vòng 3 năm sau, ông Tấn đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.

Điều đáng lưu ý, lúc này ông Tấn chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Phải đến ngày 9/1/2003, ông Tấn mới được cấp bằng này (hệ bổ túc, khóa thi ngày 29/5/2002, loại trung bình). Lúc này ông Lê Minh Tấn đã 40 tuổi.

Ông Tấn lại học Trung cấp Quản lý Nhà nước, do Trường Cán Bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 1993-1995, và học Cao cấp Chính trị do Phân Viện Chính trị Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2000-2003. Tất cả đều học theo diện tại chức.

Từ năm 2002-2006, ông Lê Minh Tấn học Cử nhân Quản lý Nhà nước, hệ tại chức tại Học viện Hành chính Quốc gia. Rồi đến năm 2013-2015, ông Tấn học Thạc sĩ chính quy, chuyên ngành Xây dựng Đảng – Quản lý Nhà nước.

Sau khi giữ chức Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi được 4 tháng (từ tháng 11/2002 đến tháng 2/2003), thì tháng 3/2003, ông Tấn được “cất nhắc” lên vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi. Lúc này, ông Tấn mới nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông được 2 tháng, và đang học Cử nhân Quản lý Nhà nước.

Như vậy trong giai đoạn năm 1984 - 2003, ông Lê Minh Tấn giữ nhiều chức vụ quan trọng ở xã Thái Mỹ, ở huyện Củ Chi, nhưng vẫn chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trước khi giữ chức Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2016), ông Lê Minh Tấn cũng từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi.

Liên quan vụ việc này, một số cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm đó cho rằng việc đến năm 40 tuổi ông Tấn mới có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc là hoàn toàn bình thường.

Lê Phương