Nhiều ngày vừa qua, trên các diễn đàn và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin băn khoăn liên quan đến con đường học vấn của ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Có bằng trung cấp trước khi có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông
Theo thông tin này, ông Lê Minh Tấn sinh năm 1963. Chỉ mới 21 tuổi (năm 1984) thì ông Tấn đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch, rồi chỉ trong vòng 3 năm sau, ông Tấn đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.
Điều đáng lưu ý, lúc này ông Tấn chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Phải đến ngày 9/1/2003, ông Tấn mới được cấp bằng này (hệ bổ túc, khóa thi ngày 29/5/2002, loại trung bình). Lúc này ông Lê Minh Tấn đã 40 tuổi.
Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc của ông Tấn được cấp năm 2003 (ảnh: CTV) |
Ông Tấn lại học Trung cấp Quản lý Nhà nước, do Trường Cán Bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 1993-1995, và học Cao cấp Chính trị do Phân Viện Chính trị Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2000-2003. Tất cả đều học theo diện tại chức.
Từ năm 2002-2006, ông Lê Minh Tấn học Cử nhân Quản lý Nhà nước, hệ tại chức tại Học viện Hành chính Quốc gia. Rồi đến năm 2013-2015, ông Tấn học Thạc sĩ chính quy, chuyên ngành Xây dựng Đảng – Quản lý Nhà nước.
Theo thông tin mà phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có được, sau khi giữ chức Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi được 4 tháng (từ tháng 11/2002 đến tháng 2/2003), thì tháng 3/2003, ông Tấn được “cất nhắc” lên vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi. Lúc này, ông Tấn mới nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông được 2 tháng, và đang học Cử nhân Quản lý Nhà nước.
Bằng Trung cấp Quản lý Nhà nước của ông Tấn được cấp năm 1995 (Ảnh: CTV) |
Trước khi giữ chức Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2016), ông Lê Minh Tấn cũng từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi.
Con đường học vấn của ông Tấn được chấp tại thời điểm đó
Ngày 21/10/2021, với mong muốn có được thông tin khách quan từ người trong cuộc, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã rất nhiều lần liên hệ qua điện thoại, cũng như đã nhắn tin gửi ông Lê Minh Tấn có chia sẻ để cho độc giả hiểu rõ các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, tất cả những lời đề nghị này của phóng viên đều không được ông Lê Minh Tấn nghe máy hay phản hồi lại.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Phúc Huy Tùng – Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Việc đến năm 40 tuổi ông Tấn mới có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc là hoàn toàn bình thường.
Theo ông Tùng, vào thời điểm ngày xưa, học trung cấp chuyên nghiệp, có bằng trung cấp chuyên nghiệp trước khi có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là không có gì lạ.
Còn việc học Trung cấp Quản lý Nhà nước trước khi có bằng trung học phổ thông, thì ông Nguyễn Phúc Huy Tùng nói có thể do quy chế bên Quản lý Nhà nước vào thời kỳ đó.
Ông Nguyễn Minh Hoàng – nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giải thích: Thường thì học Trung cấp Quản lý Nhà nước là do cơ quan đang công tác cử đi.
Ví dụ như đang quản lý ở các cơ quan trường học, giáo dục thì sẽ học Trung cấp Quản lý Giáo dục, còn không thì học Trung cấp Quản lý Nhà nước. Thời kỳ từ năm 1997 trở về trước, chỉ cần tốt nghiệp lớp 9 là đủ để đi học trung cấp rồi, vì hồi xưa có hệ học 9/10.
Về sau này thì mới yêu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông, chứ thời điểm hồi xưa thì chưa cần.
Đối với giáo viên thời kỳ đó thì chỉ cần học hệ 9+3, học trung học sư phạm là được. Về sau này đi làm rồi mới cần bổ sung bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Thông thường có bằng trung cấp là tương đương với hoàn thành lớp 11.
Với cao cấp chính trị, thường áp dụng cho cán bộ thuộc diện quy hoạch, thời kỳ đó chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Hoàng, vào thời điểm năm 1997 trở về trước, xã hội còn rất nhiều khó khăn, mà nhất là địa phận huyện Củ Chi thì lúc đó tốt nghiệp lớp 9 thôi cũng đã được chấp nhận.