Theo đó, Chính phủ quyết nghị ban hành nguyên tắc, chỉ tiêu, tiêu chí và phương pháp xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, về nguyên tắc, Ủy ban Nhân dân các cấp căn cứ các tiêu chí, phương pháp xây dựng chỉ tiêu để xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tại địa phương và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm.
Đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đã đề ra, trong đó phân tích, đánh giá tính khả thi và giải pháp thực hiện chỉ tiêu cho giai đoạn 2019 - 2020.
Hằng năm, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo về việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch và tình hình thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(Ảnh minh họa: VGP) |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019 - 2020 và đề xuất Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho giai đoạn từ năm 2021 trở đi đối với từng địa phương cho phù hợp.
Chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội gồm: Số người tham gia bảo hiểm xã hội (số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội thất nghiệp); tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội thất nghiệp; tốc độ phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội (tốc độ phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội thất nghiệp).
Về tiêu chí, và phương pháp, bước 1 xác định các tiêu chí: Các địa phương trên cơ sở kết quả tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm.
Đồng thời ước thực hiện cả năm hiện hành để làm cơ sở tiến hành dự báo, xác định số liệu cho năm tiếp theo bao gồm: Xác định đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động tại địa phương (bao gồm đối tượng thuộc diện phải đăng ký thường trú, tạm trú tại địa phương); xác định đối tượng đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương; xác định các đối tượng tiềm năng cần khai thác.
Bước 2 xác định chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tại địa phương.
Cụ thể, trên cơ sở số liệu đối tượng tiềm năng phân loại theo nhóm, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo, các địa phương xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 và năm 2020.
Đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đã đề ra, trong đó phân tích, đánh giá tính khả thi và giải pháp thực hiện chỉ tiêu.
Chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đề xuất của các địa phương phải đảm bảo: Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tổng số lao động tham gia chiếm ít nhất 90% số đối tượng thuộc diện tham gia vào cuối năm 2019 và chiếm ít nhất 95% vào cuối năm 2020.
Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng tham gia của năm sau so với năm trước ít nhất bằng 30% - 50% so với năm trước.
Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành liên quan căn cứ nguyên tắc, chỉ tiêu, kế hoạch đã xây dựng để triển khai thực hiện, đồng thời thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó trước mắt tăng cường phối hợp trong liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan có liên quan (các cơ quan lao động, thuế, kế hoạch - đầu tư, bảo hiểm xã hội...) để nắm bắt chính xác số doanh nghiệp, người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động tham gia đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trước hết tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu trốn đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Tập trung đôn đốc, yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó lưu ý đối với một số nhóm đối tượng người lao động đang làm việc trong các hộ kinh doanh, tổ hợp tác, các doanh nghiệp nhỏ.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.