3 tháng hè của học sinh tư thục nên để cha mẹ các em và nhà trường quyết định

05/07/2020 06:17
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nay nếu bắt nghỉ mỗi năm 3 tháng hè không lương, ngang với việc năm nào cũng Covid-19... thì giáo viên trường tư có tồn tại được không?

Sau khi Giáo dục Việt Nam phản ánh về tình trạng nhiều phụ huynh trường tư thục cảm thấy không sắp xếp được thời gian chăm sóc con nếu con nghỉ hè 3 tháng liền như trường công theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của nhiều bậc cha mẹ học sinh về việc này.

Do áp lực cuộc sống, công việc của các bậc phụ huynh ở độ tuổi lao động, nhất là các đô thị, thành phố ngày càng lớn, việc nghỉ hè dài khiến nhiều cha mẹ khác gặp khó khăn, chẳng biết làm thế nào để trông nom, quản lý con cái. Để rộng đường dư luận, Giáo dục Việt Nam tiếp tục phản ánh về thực tế này.

Chị Kim Liên (Hà Đông, Hà Nội) hiện có 2 con đang học trường tư thục giãi bày, khoảng thời gian nghỉ hè chỉ cần 2 tháng là đủ để các con thoải mái, tự do nghỉ ngơi, đi du lịch, về quê thăm ông bà nội ngoại sau một thời gian học tập.

Chứ nếu nghỉ 3 tháng thì đó là kỳ nghỉ quá dài khiến các con tăng thêm sức ỳ về mọi mặt.

Bởi lẽ, theo chị Liên, không phải trẻ em nào cũng có ý thức sắp xếp thời gian hợp lý trong hè để đọc sách, tự học, củng cố kiến thức, kỹ năng sống mà thay vào đó các con chỉ biết lên mạng tò mò đủ thứ, rồi chơi game thâu ngày.

Trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm nên việc nghỉ hè dài khiến nhiều cha mẹ khác gặp khó khăn, chẳng biết làm thế nào để trông nom, quản lý con cái.

“Trong một môi trường xã hội có nhiều thứ phức tạp và cám dỗ như bây giờ, để con em ở nhà hoặc tự do, thỏa mái đi đó đây quá lâu, chúng tôi cảm thấy bất an, lo sợ thế nhưng cứ bắt con phải vùi đầu quanh 4 bức tường thì sẽ sinh ra nhiều vấn đề tâm sinh lý khác”, chị Liên tâm sự.

Đơn cử như giai đoạn nghỉ phòng dịch Covid-19, vì bố mẹ vẫn phải đi làm mà các con nghỉ ở nhà chơi điện thoại khiến đứa con mới học lớp 1 của chị Liên bị cận và loạn thị.

Còn đứa con đầu của chị đã học lớp 8 dù tự lập được nhiều nhưng cứ nhốt cháu trong phòng, không giao lưu, giao tiếp cũng thấy rất lo lắng.

Việc được đến trường sớm sẽ giúp các con thoải mái giao lưu với bạn bè, tham gia các hoạt động ngoại khóa thông qua các câu lạc bộ để hoạt động tăng cường sức khỏe, phục vụ đam mê của các con vừa được bổ túc kiến thúc của năm học trước, rèn luyện, bổ trợ tiếng Anh giúp các con không bị chệch choạc kiến thức.

“Vừa vui chơi, vừa bổ ích, vừa có thêm kiến thức mà lại an toàn, vậy còn gì bằng”, chị Liên nói.

Ảnh minh họa: Duy Cường/giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Duy Cường/giaoduc.net.vn

Qua những câu chuyện từ thực tế của nhiều cháu học trường công lập, chị Liên thấy dù là nghỉ hè nhưng con đi trại hè 1 tháng rồi sau đó ngày nào bố mẹ cũng chở con tới chỗ học thêm ở các trung tâm, “lò luyện”.

Nói là nghỉ 2 tháng hè nhưng thực tế chỉ là chuyển từ học ở trường sang học ở các trung tâm.

Trong khi đó, các trung tâm, lò luyện chỉ có tính thời điểm, làm sao mà quản lý và đảm bảo độ tin cậy bằng nhà trường?.

Khi quyết định cho con học trường tư là muốn con không phải gánh nặng chuyện đi học thêm mà được tăng cường các kỹ năng sống do đó chị Liên ủng hộ chuyện trường tư chỉ nên nghỉ hè 2 tháng mà thôi.

Hơn nữa là một cán bộ đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục, chị Liên hiểu rằng giáo viên trường công dù nghỉ hè 3 tháng thì vẫn được nhà nước trả đủ lương, không thiếu một đồng, trong khi đó trường tư là tự thân, nếu trường không hoạt động thì làm sao đảm bảo đời sống cho cán bộ giáo viên.

Bởi theo chị Liên nhận thấy nhìn từ việc nghỉ phòng dịch Covid-19, ở bậc giáo dục phổ thông, các thầy cô ở trường tư năng nổ, nhiệt tình, luôn sáng tạo trong các bài giảng trực tuyến bởi họ phải cam kết chất lượng đầu ra với phụ huynh.

Trong khi đó, nhìn nhận từ thực tế của chính mình đã có con học trường công trước khi sang trường tư, chị Hồng Phượng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, khi con học ở trường công nói là nghỉ hè tháng 6, tháng 7, nhưng từ giữa tháng 6 là cô đã mở lớp nhận khoảng 10-15 bạn đến học cả ngày, bữa trưa cô thuê người nấu để các em ăn, nghỉ để chiều học tiếp.

“Kỳ thực nói là nghỉ hè 2 tháng nhưng thực tế con tôi được nghỉ khoảng 15-20 ngày mà thôi, đến nhà cô học rồi ăn uống tại đó, lúc đó có khác gì bán trú tại nhà cô đâu”, chị Phượng nói.

Chính vì chị Phượng mong con được giảm áp lực học hành và quyết định chọn trường tư làm nơi gửi gắm con cái của mình.

Từ khi chuyển sang học trường tư, chị Phượng thấy con mình có sự chuyển biến rõ rệt, con học ở trường xong là xong, không phải lo ngày ngày đi học thêm, buổi tối con được ăn uống cùng bố mẹ rồi ngồi vào bàn học là đủ.

Do đó, dịp nghỉ hè, chị Phượng cho rằng nghỉ trọn vẹn 2 tháng là đủ để con nghỉ ngơi nên việc tựu trường từ tháng 8 không chỉ giúp các con không bị quên kiến thức mà lại được tham gia rất nhiều các hoạt động ở trường.

Qua trao đổi với nhiều phụ huynh và lãnh đạo một số trường tư thục trên địa bàn Hà Nội đã cho thấy phụ huynh mong gửi con đến trường từ tháng 8 để con được học hành, chăm sóc tử tế, an toàn- tức là có CẦU.

Trong khi các trường tư thục cũng muốn mở trường để thầy cô dạy dỗ, chăm sóc học trò của mình, rõ ràng là có CUNG.

Vậy cớ làm sao lại ngăn CẦU, cấm CUNG để cả học trò, phụ huynh, thầy cô trở nên dang dở?.

Hơn nữa, Covid-19 cả thế kỷ mới bị1 lần... Việt Nam phải đóng cửa trường 3 tháng (2, 3, 4) các trường tư lao đao, ai cũng biết, nhưng cố gắng vượt qua... Nay nếu bắt nghỉ mỗi năm 3 tháng hè không lương, ngang với việc năm nào cũng Covid... thì giáo viên trường tư có tồn tại được không?

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT đã áp dụng từ năm học 2017-2018.

Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 05/9/2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 01/9/2020.

Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn.

Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo về thời gian tập trung học sinh đến trường, tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Lý do được Bộ đưa ra là, những năm gần đây, các địa phương thường tổ chức tựu trường đầu tháng 8, điều này làm ảnh hưởng tới thời gian nghỉ hè của học sinh và giáo viên.

Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh phải học chính khóa trong thời gian hè, thời gian nghỉ hè chỉ còn 1,5 tháng, vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương không được tựu trường trước ngày 1/9 để đảm bảo thời gian nghỉ hè cho học sinh và giáo viên.

Trong thời gian trước khai giảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm túc việc không dạy học trước chương trình. Đây là tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của lãnh đạo Bộ.

Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục vi phạm quy định này. Các trường dành tuần đầu tiên của năm học mới để thực hiện các hoạt động đầu năm học theo hướng dẫn của Bộ.

Thùy Linh