98% cử nhân Pháp ngữ tại Việt Nam đều tìm được việc làm sau 1 năm ra trường

12/04/2016 07:40
Thùy Linh
(GDVN) - Chiều 11/4, tại Hà Nội,Tổng giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tổ chức họp báo về chủ đề "Hợp tác đại học Pháp ngữ tại Việt Nam".

Ông Jean-Paul De Gaudemar nhậm chức Tổng Giám đốc AUF vào ngày 8/12/2015 và đây là chuyến đi đến Việt Nam đầu tiên của ông. 

Trong buổi họp báo, Tổng Giám đốc AUF cho biết Việt Nam là quốc gia đặt trụ sở chính của Văn phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên mục đích chuyến đi của ông là để giới thiệu với các thành viên những định hướng chiến lược, do ông đề xuất với nhiệm kỳ của mình trong những năm tới, đã được hội đồng quản trị thông qua, nhằm giúp tăng cường cho sự phát triển của AUF phát triển vì các thành viên và cộng đồng Pháp ngữ.

Ông Jean-Paul de Gaudemar, Tân tổng giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF (Ảnh: Thùy Linh)
Ông Jean-Paul de Gaudemar, Tân tổng giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF (Ảnh: Thùy Linh)

Hiện Việt Nam có 39 trường đại học, học viện, viện như: Trung tâm Pháp-Việt đào tạo về quản lý, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, Đại học Y Hải Phòng, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Thương mại Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội….đang là thành viên của tổ chức AUF. 

Theo đó, Tổng Giám đốc AUF đưa ra đề xuất cho chương trình hành động của AUF trong thời gian tới bao gồm: 

- Thông qua việc hợp tác với các thành viên, nâng cao giá trị nguồn kỹ năng chuyên môn, tăng cường phát triển nhà trường, mở rộng nhu cầu, giúp phát hiện và công nhận giá trị các sáng kiến tiềm ẩn trong các chương trình đào tạo, cơ sở nghiên cứu, phương thức quản lý điều hành; 

- Chia sẻ kinh nghiệm của từng thành viên phục vụ cho lợi ích chung, ví dụ như cơ sở dữ liệu cho phép truy cập từ xa nguồn tài nguyên số hóa đại học pháp ngữ mà AUF đang xây dựng cùng rất nhiều chuyên gia đến từ các trường thành viên, theo yêu cầu của các Bộ trưởng đại học Pháp ngữ; 

- Góp phần công nhận và nâng cao vai trò của các thành viên như những nhà điều hành phát triển toàn cầu, thông qua đó chất lượng đại học và khoa học có thể trở thành phương tiện biến đổi xã hội và kinh tế.

Đồng thời, ông cũng nói tới 3 thách thức chung mà các trường đại học thành viên của AUF đang đối mặt hiện nay. Đó là: 

Một là, vấn đề về chất lượng giảng dạy. 

Hai là, đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp hay sự gắn kết giữa các trường đại học với các tổ chức kinh tế - xã hội. Đây là mối quan tâm hàng đầu của AUF. 

Ba là, thách thức trong quá trình chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức của các trường đại học trong quá trình phát triển. 

Với mục tiêu làm thế nào để phát triển khối đại học, kết nối các trường đại học với nhau để các trường đại học thực sự đóng vai trò trong xã hội, đem đến cho thế hệ trẻ tương lai mới, cùng với nhiều hoạt động tích cực, thông qua các campus của mình tại các quốc gia, AUF đã cung cấp một không gian quốc tế dành cho sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh...

Họp báo về chủ đề "Hợp tác đại học Pháp ngữ tại Việt Nam" vào chiều 11/4 (Ảnh: Thùy Linh)
Họp báo về chủ đề "Hợp tác đại học Pháp ngữ tại Việt Nam" vào chiều 11/4 (Ảnh: Thùy Linh)

AUF hiện có hơn 800 thành viên là các trường đại học, tổ chức trên toàn thế giới. 

Về vai trò của các trường đại học thành viên AUF của Việt Nam, theo Tổng Giám đốc AUF, mỗi trường đại học ở Việt Nam với những sáng tạo của mình trong đào tạo, nghiên cứu, quản trị đại học...đều có thể tham gia nâng tầm vị thế của khối đại học Pháp ngữ. 

Ông dẫn chứng, chương trình đào tạo đại học bậc cử nhân bằng tiếng Pháp. Theo số liệu điều tra về đầu ra hằng năm của AUF về sinh viên được đào tạo qua chương trình cử nhân tiếng Pháp cho thấy tỷ lệ tìm được việc làm rất cao; 98% sinh viên tìm được việc làm trong khoảng thời gian dưới 1 năm sau tốt nghiệp. 

Hiện AUF đang hỗ trợ cho 25 chương trình đào tạo cao học, 40 chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp tại Việt Nam.

Ông Jean-Paul De Gaudemar nhậm chức Tổng giám đốc AUF vào ngày 8/12/2015.

Ông là giáo sư của nhiều trường đại học, là cựu sinh viên Đại học Bách Khoa, là tiến sĩ kinh tế cấp nhà nước, thạc sĩ kinh tế và quản lý, giáo sư trường đại học Aix-Marseille từ năm 1976.

Ông từng đảm nhận nhiều chức vụ: Giám đốc các viện hàn lâm Strasbourg (1991-1997), Toulouse (1997-2000) và Aix-Marseille (2004-2012); Cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS); Giám đốc giáo dục phổ thông (Déco) thuộc bộ Giáo dục và Đào tạo Pháp.

Kể từ năm 2012, Jean-Paul de Gaudemar làm việc trong nhiều văn phòng bộ trưởng về giáo dục đại học và nghiên cứu. Sau khi làm cố vấn giáo dục cho Thủ tướng Jean-Marc Ayrault (2012-2014), ông đảm nhận chức vụ cố vấn đặc biệt cho quốc vụ khanh đặc trách giảng dạy đại học và nghiên cứu Geneviève Fioraso, sau đó là Najat Vallaud-Belkacem và Thierry Mandon.

Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có thể kể đến "La mobilisation générale" ( Ttổng động viên -1979), "L’Ordre et la production" ( Mệnh lệnh và sản xuất - 1982) và "Dimension régionale et, compétitivité internationale" ( Quy mô khu vực và cạnh tranh quốc tế - 1989).
Thùy Linh