Ai đã làm cho giáo viên ngày vô cảm, thu mình và “sợ” học sinh

15/03/2021 06:54
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi thầy cô vào lớp dạy thì học sinh “cá biệt”, ngỗ ngược thậm chí thách thức giáo viên trong khi thầy cô chỉ có thể dùng quyền nhắc nhở các em im lặng.

Thời gian gần đây, các vụ bạo lực học đường xảy ra thường xuyên hơn, nhiều vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài nhà trường xảy ra thường xuyên hơn cả về mức độ, tính chất, hậu quả,...

Gần đây các vụ các đoạn clip học sinh đánh nhau được chia sẻ, truyền tải ào ào trên mạng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, hầu như bạo lực học đường xảy ra ở hầu hết các trường trên cả nước, rất nhiều vụ việc còn nguy hiểm hơn nhưng do không có clip nên việc xử lý không được công khai.

Gần đây tiếp tục xuất hiện clip “học sinh tát cô giáo”, học sinh đánh thầy giáo, học sinh cãi nhau giáo viên,… cho thấy học sinh không chỉ bạo hành bạn bè mà có thể bạo hành luôn cả thầy, cô giáo của mình.

Tại sao càng nói nhiều về bạo lực học đường thì các vụ việc bạo lực xảy ra thường xuyên hơn? Giáo viên ngày càng thu mình, càng khó xử lý hơn? Đâu là gốc rễ của vấn đề sẽ được tôi nêu ra và góp ý các giải pháp dưới quan điểm cá nhân trong bài viết dưới đây.

Tình trạng bạo lực học đường gây bức xúc trong xã hội. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Tình trạng bạo lực học đường gây bức xúc trong xã hội. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Lý do giáo viên ngày càng “sợ”… học sinh, phụ huynh

Một bạn đọc K. chia sẻ trên mạng: "Mẹ tôi là giáo viên nghỉ hưu cũng đã lâu và chuyên môn rất tốt, nhưng càng về những năm cuối, bà rất buồn cho thế hệ học sinh bây giờ.

Bà chỉ nói nột câu "giờ muốn yên ổn thì nên mắt nhắm, mắt mở đội học sinh lên đầu mà dạy".

Đơn giản học sinh giờ nhiều em rất ngỗ ngược, nói không nghe, đôi khi giáo viên la mắng còn bị nhiều em đáng tuổi cháu thách thức lại".

Một bạn đọc khác nhận định: "Khi thế giới internet ngày càng phát triển, mọi việc đều bị đưa lên mạng và được nhìn nhận không đầy đủ, thiếu khách quan. Giáo viên nào cũng sợ bị kỷ luật này nọ khi phạt học sinh.

Vậy việc giáo dục học sinh ở nhà trường sẽ đi tới đâu, và giáo viên còn toàn tâm để giáo dục học trò mình không?

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc để tránh trường hợp cái gì cũng kỷ luật làm mất đi những giáo viên tâm huyết với nghề và cũng mong phụ huynh học sinh nên cân nhắc trước khi phê bình giáo viên của con em mình".

Một bạn khác cho biết: "Không đồng ý với bạo lực học đường nhưng thời nay các cháu đi học toàn 'con vàng, con bạc' của các bậc phụ huynh. Biết mình được bao bọc và bảo vệ nên nhiều học sinh quậy phá, không tôn trọng thầy cô và các bạn. Thế hệ học sinh ngày xưa việc bị thầy cô phạt quỳ, dùng thước đánh vào tay khi quậy phá là hết sức bình thường".

Từ những vấn đề trên, tôi - một giáo viên cũng trên 20 năm công tác nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, đang làm công tác quản lý học sinh cho rằng hiện nay giáo viên đang… gần như rất lúng túng thậm chí bất lực trong việc quản lý, xử lý vi phạm của học sinh.

Vì bất lực trong quản lý, xử lý,… nên vi phạm của học sinh cứ tiếp tục vi phạm, học sinh vi phạm không bị xử lý sẽ kéo theo nhiều học sinh khác vi phạm, rồi hầu như lớp học nào cũng có nhiều em học sinh “cá biệt”, giáo viên dù tâm huyết thì cũng cam chịu bởi vì không có cách gì giáo dục học sinh, đôi khi học sinh trả lời, thách thức, thậm chí cãi tay đôi với giáo viên thì giáo viên chỉ là người chịu thiệt.

Ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông giáo viên bộ môn chỉ dạy theo tiết, khi thầy cô vào lớp dạy thì học sinh “cá biệt”, ngỗ ngược thậm chí thách thức giáo viên thì thầy cô chỉ có thể dùng quyền nhắc nhở các em im lặng.

Quy định trong điều lệ trường học mới nhất là không được phê bình học sinh trước lớp, nếu la các em trước lớp là sai, bắt phạt các em đứng là sai, cho các em ra ngoài là sai, kêu các em lên văn phòng cũng sai, cũng không ai xử lý, thậm chí bị ban giám hiệu cho rằng không biết dạy, còn nếu lỡ quát học sinh, đánh học sinh, hay bắt học sinh quỳ,… thì cầm chắc bị kỷ luật, có thể mất việc.

Thử hỏi, giờ đây giáo viên bộ môn dùng quyền gì để xử lý học sinh? Nói muốn yên tâm phải “đội học sinh lên đầu mà dạy” cũng có phần đúng, thôi thì yên thân thì dạy kiểu “sống chết mặc bay”.

Giáo viên bộ môn thì rất khổ, lúng túng trong giáo dục nhưng giáo viên chủ nhiệm cũng không phải dễ dàng gì với cách xử lý như hiện nay, nhiều học sinh “cá biệt” thì có thể có thêm phối hợp với gia đình, nhưng nhiều gia đình không phối hợp, bỏ mặc cho nhà trường, học sinh hư thì vào trường mạt sát giáo viên,… nên giáo viên chủ nhiệm cũng lúng túng trong xử lý học sinh. Nhiều vụ mời phụ huynh vào trường xong rồi đâu lại vào đấy.

Nếu chúng ta cứ dung túng, lúc nào cũng chăm chăm trách phạt thầy cô thì xã hội này ai là người dạy bảo các con nên người?

Nhiều bố mẹ có một, hai con thôi còn bất lực nữa là ở trường có đến 50 học sinh trong lớp.

Ai đã từng làm hay đang làm giáo viên mới biết áp lực mà giáo viên các cấp đang đối mặt hiện nay lớn dường nào.

Rõ ràng, hiện nay giáo viên đã gần như bị tước đoạt mọi quyền để xử lý vi phạm của học sinh, không thể viển vông cho rằng mỗi trường cả ngàn học sinh thì dùng lời nói yêu thương có thể cảm hóa cả ngàn học sinh đó, mỗi trường hợp khác nhau phải được áp dụng biện pháp khác nhau.

Do đó, nói giáo viên ngày nay “sợ” phụ huynh, “sợ” học sinh cũng có phần đúng.

Một vài giải pháp

Việc giáo viên ngày càng thu mình, càng “sợ” ban giám hiệu, phụ huynh và càng ngày càng “sợ” luôn cả chính học sinh của mình chắc chắn sẽ khiến tình hình ngày càng “tồi tệ” hơn, bạo lực học đường sẽ tăng nhiều hơn, học sinh cá biệt nhiều hơn.

Nghề giáo không chỉ là nghề dạy chữ mà còn là nghề giáo dục nhân cách, hình thành năng lực, phẩm chất các em, dù thế nào cũng mong giáo viên cũng nên làm hết sức mình, đừng “bỏ rơi” học sinh.

Theo quan điểm cá nhân, người viết xin được nêu các giải pháp hiện nay từ các cấp lãnh đạo, từ giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Thứ nhất, cần trao thêm quyền trong xử lý học sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu cụ thể và ban hành chi tiết các hành vi vi phạm của học sinh, mức độ vi phạm và hình thức xử lý phù hợp.

Hiện nay, việc quy định chung chung học sinh vi phạm được dừng học có thời hạn, hay kết hợp phụ huynh học sinh giáo dục học sinh,… không hiệu quả, làm giáo viên thêm lúng túng, rối bời, gây khó cho các trường, giáo viên.

Nên trao quyền cụ thể cho giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm trong xử lý học sinh một cách chi tiết và cụ thể.

Thứ hai, Ban lãnh đạo nhà trường phải phối hợp phụ huynh ban hành bộ tiêu chuẩn quy định xử lý vi phạm của học sinh

Dựa trên hướng dẫn của Bộ/ Sở Giáo dục, các trường cần xây dụng chi tiết việc xử lý vi phạm của học sinh.

Học sinh vi phạm mức độ nào, giáo viên được xử lý như thế nào? Và được thông báo rộng rãi đến từng giáo viên, phụ huynh, học sinh để tránh tình trạng nhiều vụ phụ huynh vì bênh con mà xông vào trường hành hung giáo viên, hay phụ huynh mạt sát giáo viên khi xử lý học sinh,… việc này vô cùng quan trọng.

Thứ ba, trước khi xử lý học sinh ở hình thức nào giáo viên cần thông báo, bàn bạc với gia đình và ban giám hiệu về việc học sinh muốn tiếp tục học thì phải sửa đổi tính cách, xác định mục đích học tập... nếu vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm minh, nghiêm túc dưới sự theo dõi của phụ huynh, ban giám hiệu.

Không nên chạy theo thành tích mà phải có biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, dứt khoát, triệt để mới mong chấm dứt tình trạng này. “Có công thì thưởng, có tội thì phạt” là lẽ đương nhiên.

Trong một lớp học có em rất giỏi, nhưng có em học trung bình, mỗi em một cá tính, nên là người giáo viên cũng chịu nhiều áp lực khi phải dung hòa từng học sinh khác nhau như vậy. Không chỉ là người truyền dạy, phải như một người cha, người mẹ để dạy dỗ các em

Thứ tư, phụ huynh nên đồng hành chia sẻ những áp lực hiện nay với giáo viên

Giáo viên là người dạy trên lớp, đa số vì muốn các em nên người nên trong xử lý đôi khi cũng có trách phạt, cũng có những sai lầm, nên phụ huynh phải cảm thông, chia sẻ đừng vì quá bênh con mà có những hành động, lời nói không hay đối với thầy cô.

Phụ huynh cũng nên thấu hiểu học sinh, đừng đặt qua những mục tiêu quá cao cả, những áp lực không đáng có gây sức ép lên học sinh, khiến các em dễ phát sinh tâm lý bất ổn, hoang mang.

Thứ năm, chú trọng giáo dục đạo đức học sinh

Nếu muốn học sinh tốt lên thì phải cho các em học các bài học về đạo đức trước khi nói đến học chữ, Bác Hồ kính yêu từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Lời nói của Bác đặt ra cho thanh niên, học sinh chúng ta một vấn đề rất cụ thể và cần thiết: Phải tu dưỡng, rèn luyện để có đức, có tài. Trong đó chú trọng đức là cái đầu tiên.

Các em phải được dạy các bài học về kính trọng, tôn trọng, lễ phép,… với thầy, cô, cha, mẹ, người lớn,… chỉ như thế thì các em mới có ý thức trong việc học, nó là tiền đề đầu tiên để giúp học sinh phát triển phẩm chất, rồi mới nói đến năng lực, kỹ năng sống, từ đó mới hạn chế học sinh ngỗ ngược, cá biệt.

Việc này phải được dạy từ gia đình, nhà trường thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Cuối cùng công việc này là công việc của cả xã hội, mong mọi người cùng chung tay thực hiện, đừng đổ tất cả mọi việc lên giáo viên như hiện nay.

NHẬT KHOA