LTS: Trước mong muốn có sự "đổi mới trong lễ khai giảng để mỗi khi nhắc đến, thầy cô chúng tôi không còn… sợ nữa", thầy Hoàng Sa Việt đã có bài viết chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Không biết từ khi nào, tôi lại sợ… ngồi dự lễ khai giảng năm học mới.
Lẽ ra, năm học mới phải vui, phải hồ hởi phấn khởi vì có nhiều cái mới đang chờ đón phía trước nhưng kỳ thực, không riêng gì tôi mà nhiều đồng nghiệp cũng ngán tận cổ khi nghe đến cụm từ “dự lễ khai giảng”, cứ mong cho… ngày ấy qua mau.
Các em học sinh tham dự lễ khai giảng năm học mới (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Đầu năm học, ngày khai giảng phải gây ấn tượng tốt với học sinh, với phụ huynh, với quan khách tham dự và thầy cô trong trường.
Đó là lễ khai giảng gọn nhẹ mà trang trọng, ý nghĩa tạo nên không khí rộn ràng, tươi vui, có tác dụng “nạp năng lượng” mới cho một năm học mới bắt đầu…
Nhưng những kỳ khai giảng năm nào cũng giống nhau đến phát ngán. Đầu tiên là màn văn nghệ của các em học sinh để ổn định trật tự, sắp xếp đại biểu, thầy cô tham dự.
Chưa đến giờ khai mạc thì văn nghệ cứ diễn để “bù vào chỗ trống”, kiểu “câu giờ” vì còn chờ một số đại biểu "chủ chốt” cấp huyện, cấp tỉnh hoặc các vị “Mạnh Thường quân”…
Tiếp đến là giáo viên dẫn chương trình giới thiệu đại biểu, ghi đầy cả trang giấy… Vậy mà có vị đến trễ, một hai đòi cho được phải giới thiệu nên sau khi hiệu trưởng đọc báo cáo xong lại phải ra giới thiệu "bổ sung” cho “phải đạo”.
Tiếp theo hiệu trưởng đọc báo cáo thành tích năm học vừa qua, phương hướng, kế hoạch năm học tới. Ngồi nghe mãi thành quen, hình như… năm trước đã đọc rồi, chỉ thay đổi ngày tháng, số liệu.
Trời bắt đầu nắng lên, học sinh ngồi nghe một nhưng nói chuyện mười, có những tốp ngồi sau còn chọc ghẹo nhau…
Thầy cô chủ nhiệm phải chạy tới, ngồi phía sau lớp để vãn hồi trật tự. Giáo viên thì ngồi ngoảnh xuống nên bị chói nắng. Kẻ cầm báo, người cầm sách che nắng, trông thật vất vả. Vậy mà bản báo cáo vẫn chưa có dấu hiệu kết luận.
Bộ Giáo dục yêu cầu không đọc báo cáo trong ngày khai giảng |
Thầy hiệu trưởng cứ đọc, mọi người cứ dán mắt vào điện thoại quẹt quẹt, những lời “vàng ngọc” cứ vang lên nhưng chắc chắn ít người nghe nữa…
Tiếp theo là khen thưởng giáo viên và học sinh, giới thiệu đại biểu lên phát phần thưởng. Đến lượt học sinh, top này đến top khác lên nhận phần thưởng. Phía dưới lúc này ồn ào như vỡ chợ… Thầy lẫn trò cứ ngồi chịu trận dưới nắng oi bức…
Chưa hết, tiếp theo là phát biểu chỉ đạo năm học mới của cấp huyện, cấp tỉnh… Bài nào cũng như bài nào, cứ một là, hai là… cho đến bẩy, tám là gì đó. Giáo viên chủ nhiệm lúc này “phát huy vai trò”, nhắc học sinh ngồi trật tự…
Tiếp theo là phát biểu của giáo viên, của học sinh nhân ngày khai giảng. Cứ “bổn cũ soạn lại” nghe đến nhàm như: phấn khởi, quyết tâm, cố gắng, nêu gương…
Tưởng đến lúc này sẽ được “giải phóng” nhưng phần tiếp theo là bác trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh có đôi lời phát biểu dặn dò các em nhân ngày khai giảng…
Lúc này, mặt trời đã lên cao, ai nấy đều phờ phạc, mồ hôi vã ra ướt áo… Buổi khai giảng kết thúc mà mắt hoa lên, chân bước hơi loạng choạng vì ngồi lâu quá.
Học sinh nhốn nháo ra về vì cha mẹ chờ đón trước cổng từ lâu… Bên căngtin, bàn tiệc đã dọn sẵn, chờ đón thầy cô và đại biểu vào liên hoan …
Nghe nói năm nay, Bộ Giáo dục yêu cầu các trường không đọc báo cáo như mọi năm, thay vào đó là một lễ khai giảng gọn nhẹ, ý nghĩa…
Mong lắm thay sự đổi mới lễ khai giảng để mỗi khi nhắc đến, thầy cô chúng tôi không còn… sợ nữa.