An toàn cho ai? Tôi nghĩ sự an toàn ấy không dành cho học sinh đảo Phú Quý

17/06/2019 06:16
Đỗ Quyên
(GDVN) - Đại tá Trần Xuân Tùng, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết "...các cán bộ, giám thị coi thi đa số không quen với thời tiết ở huyện đảo Phú Quý".

Trước năm 2000, học sinh đảo Phú Quý muốn học cấp 3 (nay gọi là trường phổ thông trung học) phải khăn gói vào đất liền.

Sống xa gia đình khi mới hơn 14 tuổi. Mỗi năm, các em chỉ về thăm nhà được một vài lần.

Học sinh huyện đảo Phú Quý vào đất liền dự thi (ảnh tác giả)
Học sinh huyện đảo Phú Quý vào đất liền dự thi (ảnh tác giả)

Đó là một thực tế bất đắc dĩ khi mà đảo Phú Quý chưa đủ điều kiện để thành lập trường cấp 3 và điều kiện đi lại giữa đất liền - hải đảo còn vô cùng khó khăn.

Nhưng từ năm 2000, trường cấp 3 được thành lập, số lượng học sinh không ngừng tăng lên, cơ sở vật chất giáo dục không ngừng được cải thiện.

Bên cạnh đó, tuyến giao thông đường biển giữa Phan Thiết đến huyện đảo không ngừng được rút gắn bằng sự xuất hiện của những con tàu vận tải hành khách hiện đại.

Đến nay, hành trình đến đảo chỉ còn 2,5 giờ và tàu có thể chạy khi gió cấp 8.

Tuy nhiên, từ khi thành lập trường cấp 3 đến nay, trải qua gần 20 năm, học sinh huyện đảo vẫn phải khăn gói vào Phan Thiết dự thi kỳ thi cuối cấp.

Dù rằng để đến được điểm thi, học sinh huyện đảo phải tiêu tốn thời gian, tiền của và tổn hại sức khỏe.

Nhiều em say sóng vật vờ đến mấy ngày sau mới đủ tỉnh táo để dự thi.

Trong khi đó, ngôi trường cấp 3 ở huyện đảo này không thiếu bất kỳ điều kiện nào để bố trí một điểm thi độc lập theo đúng quy chế.

Phải chăng ngại đổi mới?

Phụ huynh có con thi lớp 12 ở đảo Phú Quý khát khao con được thi tại đảo

Câu hỏi “tại sao không tổ chức hội đồng thi ngay tại đảo Phú Quý để học sinh đỡ phải đi lại?”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận từng trả lời với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào năm 2018:

“Đây là mùa mưa bão, học sinh đã được bố trí vào đất liền trước một tuần.

Nếu thi ngoài đảo, gặp ngày sóng lớn, gió giật cấp 8 biên phòng sẽ không cho tàu ra khơi, việc vận chuyển đề trước một ngày sẽ gặp khó khăn và sẽ ảnh hưởng đến việc thi cử của các em.

Chỉ khi có máy bay, mới có thể tổ chức thi ngoài đảo được”.

Nhưng đến nay, đã là năm 2019 tàu ra đảo Phú Quý không còn phải đi nhiều giờ mà đã rút ngắn xuống còn 2,5 giờ và tàu có thể chạy khi gió cấp 8.

Theo nhiều người dân trên đảo cho biết, tháng 6 không phải là mùa mưa bão, gió Tây Nam tăng cường nhưng chưa đủ vượt ngưỡng để cấm tàu (dân dụng), chưa nói đến tàu quân sự. Vì thế, việc mang đề thi ra đảo chẳng có vấn đề gì.

Nếu đợi khi có sân bay Phan Thiết đi Phú Quý mới có thể tổ chức thi ngoài đảo chỉ là một lí lẽ để đẩy mọi việc dễ thực hiện thành xa vời vợi.

Lo an toàn cho các cán bộ, giám thị coi thi mà bỏ qua sự an toàn của hơn 200 học sinh?

Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại tỉnh Bình Thuận, trả lời phóng viên Báo Bình Thuận ngày 14/6, Đại tá Trần Xuân Tùng – Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết:

Bao giờ học sinh huyện đảo Phú Quý mới được thi tại chỗ?

“Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân tỉnh về đảm bảo an toàn cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.

Phòng An ninh chính trị nội bộ đã chủ trì tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương có kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất cho kỳ thi và tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, thầy cô giáo tham gia kỳ thi”.

Nói về vấn đề, sao tỉnh không tổ chức điểm thi tại huyện Phú Quý và tạo phần mềm để in sao đề thi tại chỗ thay vì vận chuyển đề thi ra đảo sẽ khó khăn hơn (quy định đề thi được giao trước ngày thi 1 ngày).

Đại tá Trần Xuân Tùng cho biết thêm:“Việc tổ chức điểm thi tại huyện Phú Quý sẽ tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh không phải di chuyển và tạo tâm lý tốt nhất cho học sinh dự thi.

Tuy nhiên, xét về góc độ an toàn cũng như những bất cập khác ở Phú Quý thì có nhiều vấn đề.

Cụ thể, trong thời điểm diễn ra kỳ thi là mùa mưa, gió mùa Tây Nam nên không thể lường trước được thời tiết có thuận lợi hay không để giao đề thi một cách an toàn, đảm bảo cho các thí sinh tham gia kỳ thi cùng với cả nước.

Mặt khác, các cán bộ, giám thị coi thi đa số không quen với thời tiết ở huyện đảo Phú Quý.

Việc có ý kiến cho rằng, tại sao không đưa phần mềm có in sẵn đề thi ra Phú Quý để tổ chức kỳ thi, nếu vậy thì phải tổ chức thêm 1 điểm in sao đề thi tại đây.

Như thế, tỉnh phải tổ chức 2 điểm in sao đề thi sẽ rất phức tạp và khả năng để lộ lọt đề thi sẽ có nguy cơ cao hơn, khi đó tác hại lớn hơn rất nhiều so với việc động viên các em vào đất liền tham gia kỳ thi.

Hiện các ngành, các cấp tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh vào đất liền dự thi. Những điều kiện đó sẽ đảm bảo an toàn, chắc chắn hơn cho kỳ thi so với tổ chức điểm thi tại huyện đảo Phú Quý”. [1]

Sợ không an toàn cho kỳ thi hay lãnh đạo ngại đổi mới?

Hành trình "áp tải" đề thi vượt biển ra đảo, ngược xuôi miền núi

“Hóa ra, tỉnh lo cho cán bộ coi thi không quen với thời tiết huyện đảo mà chẳng để tâm đến việc hơn 200 em học sinh cũng không quen với việc vượt sóng, thậm chí là khí hậu trong đất liền hay sao?

Cán bộ coi thi có thể say sóng, có thể mệt mỏi và có khi không thể coi thi được. Nhưng chắc chắn sẽ huy động được nội lực tại đảo trợ giúp.

Còn học sinh có mệnh hệ gì (chỉ cần quá mệt vì say sóng không thể thi hoặc thi làm bài không tốt) các em sẽ bị dang dở học vấn cả năm trời, lại uổng công 12 năm đèn sách, có ai nghĩ đến điều này không?

Nhìn rộng ra, học sinh đảo Phú Quốc, đảo Lý Sơn…vẫn được thi tại quê nhà đó sao?

Nếu cứ sợ lộ đề vì thêm một điểm in sao đề, nếu sợ trời mưa bão mang đề ra đảo không an toàn, nếu cứ lo người coi thi không quen khí hậu như tỉnh ta…thì biết đến bao giờ các địa phương ấy tổ chức thành công việc thi tại đảo cho học sinh quê hương họ?

Những địa phương ấy làm được, sao tỉnh mình lại thấy khó khăn đến thế?

Bác Hồ của chúng ta vẫn thường dạy “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại đảo nhất là năm đầu tiên thực hiện đương nhiên sẽ rất khó khăn. Vì là việc làm mới nên cần phải nỗ lực, cần sự quyết tâm, cần cả sự cố gắng cao.

Không chỉ của một cá nhân, một ban ngành mà cần hợp sức của nhiều người, nhiều cấp liên quan.

Còn nếu có tư tưởng ngại khó, ngại khổ để rồi cứ làm theo một cách làm quen thuộc, xưa cũ từ trước đến nay, giáo dục sẽ chẳng bao giờ đổi mới được.

Và con cháu chúng ta cũng khó có cơ hội tiếp cận cái mới.

Trách nhiệm của việc này thuộc về Sở Giáo dục, Ban Chỉ đạo thi và cao nhất là của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, với hơn 200 học sinh sẽ di chuyển từ đảo vào đất liền, dự báo sẽ là một hành trình vô cùng gian khổ nữa với các em và gia đình.

Câu hỏi đến bao giờ thì hết cảnh tượng vào mùa thi, thầy trò huyện đảo lại dắt díu nhau lên tàu với những tiếng thở dài cố kìm nén, với những khuôn mặt bơ phờ vì say sóng.

Khi và chỉ khi, người lãnh đạo có đủ tâm và đủ tầm.

Tài liệu tham khảo

[1]http://www.baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/dam-bao-an-toan-ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-118064.html

Đỗ Quyên