Bí mật của người phụ nữ đứng đầu 9 KCN phía Bắc

14/12/2011 06:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Tốt nghiệp ngành Ngữ văn tại ĐH Tổng hợp Matxcơva, chị trở về Việt Nam, rồi bén duyên với kinh doanh và thành người đứng đầu 9 khu công nghiệp.
Có lẽ, điều đáng khâm phục nhất ở người phụ nữ ấy tuổi ấy là không bao giờ chị hài lòng với những thành công đã được mà luôn cố gắng để vươn xa, vượt lên tất cả những gì tưởng như không thể. Chị là Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch HĐQT VID Group, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII

Từ sinh viên học ngành Ngữ văn…

Ấn tượng đầu tiên ở nữ Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) với tôi là sự giản dị đến không ngờ. “Có lẽ, những ngày tháng phải lăn lộn kiếm tiền trang trải cho cuộc sống khi còn học ĐH Tổng hợp Matxcơva đã rèn cho mình như vậy” – chị Hường lý giải.

Sinh ra và lớn lên trên đất học Nam Định, được bố mẹ định hướng từ nhỏ, lại có ý thức phấn đấu, Nguyệt Hường liên tục là học sinh giỏi Trường THPT Lê Hồng Phong. Năm 1984, chị đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc tiếng Nga và văn học Nga. Ba năm sau, chị vươn tới đỉnh cao với chiếc huy chương vàng ở kỳ thi Olympic quốc tế tiếng Nga và văn học Nga, rồi được cử sang ĐH Tổng hợp Matxcơva, chuyên ngành Ngữ văn.

Doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Niềm vui chưa qua thì nỗi lo đã ập tới, chỉ có 90 rup học bổng mỗi tháng, chị tiết kiệm lắm cũng chỉ tiêu được 15 ngày. Vậy những ngày còn lại thì sống sao đây?

Chị Hường nhớ lại: “Lúc ấy khó khăn khủng khiếp, nhưng nghĩ Nhà nước đã cử sang đây học thì không thể vì một chút khó khăn mà bỏ dở. Để ý sự vận động của xã hội thì thấy rằng ở Nga lúc ấy còn thiếu thốn hàng hóa, lại có nhiều người Việt Nam sang lao động hoặc học tập và tạo thành xã hội nhỏ của người Việt. Thế là tôi vừa học vừa buôn bán những thứ hàng lặt vặt phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày”.

Khó khăn tài chính cũng tạm lắng xuống, Nguyệt Hường tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, trở về nước vào năm 1996 và định bụng sẽ xin vào giảng dạy tại một trường ĐH nào đó. Hồi ấy, ai không vào cơ quan nhà nước mà làm cho tư nhân là cực kỳ dũng cảm, vì đại đa số đều có quan niệm trọng nể “người của nhà nước”.

Nguyệt Hường cũng lo lắng, nhưng quá trình học tập và tự kiếm sống ở nước Nga đã giúp chị tự tin hơn để tìm một cơ hội mới. Nghĩ vậy, chị đi học một lớp kế toán ở Trường ĐH Kinh tế và khởi nghiệp tại Công ty Nam Thắng (chuyên sản xuất giày da xuất khẩu).

… trở thành Chủ tịch VID Group

Bắt đầu với công việc kế toán, chẳng bao lâu sau chị được tín nhiệm trở thành Phó tổng giám đốc Điều hành Sản xuất Công ty Cổ phần Nam Thắng. Công việc ngày càng phát triển mà xin mặt bằng để mở rộng nhà xưởng thì quá khó khăn, đó cũng là bối cảnh chung mà các doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt lúc bấy giờ. Từ đó, Nguyệt Hường nảy ra ý nghĩ: Mình là người Việt Nam mà còn gặp nhiều khó khăn như vậy thì những công ty nước ngoài sẽ ra sao, nhất là họ lại vướng phải rào cản ngôn ngữ? Vậy tại sao không xây dựng mặt bằng để cho các nhà đầu tư thuê lại?

Ý nghĩ “liều lĩnh” ấy tưởng chỉ thoáng qua, thế mà chị làm thật và thành công ngay ở dự án đầu tiên là Cụm Công nghiệp Lifan, rộng 15ha tại Hưng Yên vào năm 2000.

Kinh qua gần chục công ty với những chức vụ quan trọng, Nguyệt Hường chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT VID Group vào tháng 8/2006 khi mới 37 tuổi. Chị đã lãnh đạo VID Group trở thành tập đoàn hùng mạnh, là chủ đầu tư và quản lý 9 KCN ở miền Bắc, đó là: Quang Minh, Hà Nội – Đài Tư, Thạch Thất – Quốc Oai (tại Hà Nội); Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách (tại Hải Dương); Minh Quang, Cụm Công nghiệp Lifan (tại Hưng Yên) và Đồng Văn II (tại Hà Nam).

Năm 2011 được đánh giá là một năm khó khăn đối với công tác thu hút đầu tư vào KCN, khi nền kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi. Nhưng với uy tín của mình, VID Group vẫn tạo được sức hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong nửa đầu năm 2011, VID Group đã thu hút được 7 nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD. Các KCN trên đã thu hút hơn 340 doanh nghiệp trong và ngoài nước, đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD và 300 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng vạn lao động địa phương.

Với những thành công ấy, chị Hường vinh dự được tặng nhiều bằng khen của các bộ, ngành, trong đó phải kể tới giải thưởng “Bông hồng vàng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bình chọn liên tục 5 năm qua.

Không chỉ là người có tài trong kinh doanh, Nguyệt Hường còn rất được tín nhiệm trong công tác xã hội. Ở tuổi 29, chị đã là đại biểu HĐND TP.Hà Nội và sau đó trở thành Đại biểu Quốc hội Khóa XII, hiện đang là Đại biểu Quốc hội Khóa XIII.

“Tôi may mắn vì có một gia đình hạnh phúc”

Nhiều người nói rằng chị quá liều khi đang yên ổn ở một công ty xuất khẩu giày da mà lại chuyển sang xây dựng KCN. Lúc bước vào “thế giới mới”, chị dự đoán mình có bao nhiêu phần trăm thắng lợi?

Giờ nghĩ lại thấy mình cũng liều thật, nhưng các cụ gọi đó là “trong rủi có may”. Tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng của các đối tác khi làm với Công ty Nam Thắng, nhưng không thể xin được mặt bằng triển khai rộng mô hình sản xuất. Biết bao nhiêu đơn đặt hàng mà không dám nhận, xót lắm mà chẳng làm gì được.

Lúc ấy và thậm chí là ngay cả bây giờ, tư nhân thuê đất làm ăn cũng gặp phải nhiều khó khăn lắm. Chuyển sang xây dựng KCN để mời các nhà đầu tư vào thuê lại đúng là lĩnh vực quá mới mẻ, vì ở miền Bắc lúc ấy đã có ai làm đâu. Nhưng làm kinh tế thì phải liều thôi, chính vì dám đương đầu với cái mới ấy mà VID Group có được ngày hôm nay, và tôi nhận ra rằng mình còn nhiều duyên nợ với các khu công nghiệp.

Bí quyết nào giúp chị đưa được các nhà đầu tư đến với Việt Nam, nhất là ở thời điểm ấy họ chưa biết nhiều về nước ta?

Đầu tư mặt bằng cho KCN đã khó, tìm được nhà đầu tư còn khó hơn, nhất là rất hay gặp phải “tai bay vạ gió”. Thí dụ như khi sắp làm xong KCN Nam Sách (năm 2003) thì dịch SARS nổ ra, mấy tháng liền các nhà đầu tư không muốn tới Việt Nam. Nếu cứ như vậy thì lãi mẹ đẻ lãi con, phá sản là điều khó tránh khỏi. Thế rồi, tôi phải tự tìm hiểu về các công ty nước ngoài, thậm chí bay sang tận nước bạn để thuyết phục họ tới Việt Nam đầu tư.

Bản thân các công ty nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam không phải chỉ nghe mỗi mình nói mà họ còn thuê các văn phòng luật sư kiểm chứng lại thông tin. Khi họ thấy rằng những thông tin ấy là đúng thì họ lập tức đầu tư, và cứ như thế các bạn hàng của tôi tự giới thiệu cho nhau tới Việt Nam làm ăn. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, VID Group đã lấp đầy 80% diện tích KCN Nam Sách chỉ trong vòng 1 năm, trong đó có tới 85% là các doanh nghiệp tới từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…

Sau những thành công đạt được, chị có thể bật mí tham vọng của mình trong tương lai  với tư cách là người đứng đầu VID Group?

Nói là tham vọng thì ghê gớm quá, vì tôi luôn nghĩ rằng tất cả những gì đã làm được vẫn còn nhỏ nhoi lắm. Trong thời gian tới, VID Group sẽ chú trọng thu hút nhiều hơn nữa các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cho đất nước, và tôi có lý do để tin là sẽ làm được. Thứ nhất, chúng tôi luôn giữ đúng cam kết với đối tác, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không để cho khách hàng của mình chịu thiệt thòi, mà điều này thì do khách hàng tự đánh giá, còn mình có tự nói hay đến mấy cũng chẳng ai tin.

Thứ hai, phải thực sự nhiệt tình với bạn hàng, nếu nhà đầu tư chưa hiểu về thủ tục ở Việt Nam thì tư vấn giúp họ. Thời điểm tôi bắt đầu xây các KCN, nhà đầu tư nước ngoài thường ngại đến Việt Nam do thủ tục hành chính quá cồng kềnh, nhưng chúng tôi đã giải tỏa được những lo lắng ấy. Để làm được điều đó, tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu các kiến thức pháp luật, rồi đúc kết ra thành con đường đi ngắn nhất. Nhà đầu tư sẽ được giải đáp tất cả, thí dụ như: Ưu đãi đầu tư ra sao? Quy trình thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam như thế nào? Môi trường đầu tư và thế mạnh khi đầu tư vào Việt Nam? Khách hàng sẽ thấy rằng quyền lợi của họ được đảm bảo, và VID Group cũng theo đó mà lớn mạnh dần lên.

Còn với cương vị là đại biểu Quốc hội thì sao, thưa chị?

Tôi còn nhớ trước khi trở thành đại biểu Quốc hội Khóa XII, có một cử tri là Tiến sĩ Vũ Quốc Hùng về hưu, sống ở phố Thụy Khuê đã gọi điện tới nhà tôi 7 lần để kiểm tra xem có đúng “cái cô tên Hường học ở Nga về không”. Bác Hùng kiểm tra tôi bằng tiếng Nga gần 15 phút rồi mới bỏ phiếu ủng hộ. Điều đó cho thấy, cử tri rất kỳ vọng ở người họ tín nhiệm, bởi vậy tôi càng phải cố gắng hết sức để truyền tải những kiến nghị chính đáng của người dân tới các cơ quan chức năng.

Điều thứ hai mà tôi hướng tới là đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Nói như vậy có vẻ to tát quá, nhưng đó thực sự là vấn đề cấp bách mà chúng ta phải làm nhất là khi đã gia nhập WTO. Hồi còn học ở Nga, tôi đã được chứng kiến sự thay đổi quá trình cổ phần hóa của họ, và khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng ra. Chính bởi vậy, cá nhân tôi cùng VID Group và một số đơn vị thành lập Quỹ hỗ trợ người nghèo vượt khó, giúp đỡ là những học sinh giỏi, không có khả năng tài chính để học tiếp; các gia đình làm kinh tế không may gặp phải tai họa… để họ tiếp tục có hy vọng phấn đấu vươn lên.

Vẫn biết rằng thật khó để xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách trong sự phân hoá giàu nghèo, vì thế mà chúng ta cần phải chung sức thu hẹp nó lại. Mỗi người cố gắng một chút thôi thì mọi thứ ngày càng tốt đẹp hơn, và chính những việc làm thiết thực ấy sẽ đưa con người xích lại gần nhau hơn.

Người ta thường nói, phụ nữ thành công trên thương trường bao nhiêu thì đời sống gia đình với họ lại tỷ lệ nghịch bấy nhiêu. Cùng một lúc phải đảm nhiệm nhiều vị trí như vậy, chị có dung hòa được mọi thứ không?

Tôi rất đồng tình với nhận định: Người phụ nữ thành công ngoài xã hội và trong công việc nhưng thiếu vắng một gia đình hạnh phúc thì thành công mới chỉ đạt một nửa. Tôi may mắn có được một gia đình hạnh phúc, được chồng và hai bên bố mẹ yêu thương, tạo điều kiện để có thể phấn đấu, học tập và công tác.

Dù rất bận, tôi vẫn phải dành ít nhất 2 tiếng vào buổi tối để kiểm tra bài vở và tâm sự với các con. Được cái hai cậu nhóc rất có ý thức tự giác nên tôi cũng yên tâm phần nào khi đi công tác xa nhà.

Sự êm ấm và hòa thuận của gia đình đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc, sự thanh thản trong tâm hồn và đó là động lực thúc đẩy sự sáng tạo trong công việc. Tôi luôn ý thức sâu sắc được cái giá trị vô hình nhưng thật tuyệt vời ấy và thường xuyên chăm sóc, giữ gìn, trân trọng nó.

Ngọc Quang