Bí quyết để lôi cuốn học sinh say mê với STEM, tạo ra những buổi học hạnh phúc

17/01/2019 09:23
Đỗ Thơm
(GDVN) - Khi tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học với học sinh, giáo viên cũng phải lao vào nghiên cứu. Vì vậy, nó đòi hỏi rất nhiều tâm huyết của giáo viên.

Đội STEM của trường Ban Mai được các giáo viên, học sinh đặt biệt danh là “team mạnh” vì có số lượng thành viên đông đảo và nhiều hoạt động ấn tượng.

Đặc biệt, tại DESIGNATHON 2018 – sự kiện STEM toàn cầu dành cho học sinh từ 7-12 tuổi - các thầy cô trường Ban Mai đã vô cùng ngỡ ngàng trước hàng dài học sinh xếp hàng hào hứng chờ phỏng vấn để được lựa chọn.

Những chia sẻ, đúc kết của cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Đội trưởng đội STEM, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ban Mai lý giải phần nào tại sao các hoạt động STEM lại thu hút được sự quan tâm của học sinh trong trường đến vậy.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang trong một giờ lên lớp. Ảnh tư liệu: Nhà trường cung cấp
Cô Nguyễn Thị Thu Trang trong một giờ lên lớp. Ảnh tư liệu: Nhà trường cung cấp

Tạo hứng thú, mang lại hạnh phúc cho học sinh chứ không phải để “diễn”

Đầu tiên, cô Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh đến những bước ngoặt thay đổi suy nghĩ của chính cô khi được nhà trường tạo cơ hội tham gia các chương trình, khóa học của các tổ chức nước ngoài.

“Tôi ấn tượng với tinh thần làm việc nghiêm túc và hướng dẫn xác thực của họ chứ không hình thức hay “diễn”.

Năm 2017, đội STEM của trường có ký được một chương trình khoa học trường học với đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford - Anh.

Họ hướng dẫn chúng tôi cách thực hiện một chương trình khoa học ra sao. Chỉ cho giáo viên hướng dẫn học sinh như thế nào, quy trình nghiên cứu khoa học ra sao từ các vấn đề khoa học đời sống”, cô Trang chia sẻ.

Cô Trang kể lại, năm 2017, câu lạc bộ STEM của trường có một dự án nghiên cứu khoa học rất thành công. Dù dự án nghe đã khá phổ biển nhưng các con lần đầu tiên được trải nghiệm với những sản phẩm khác nhau từ dự án trồng rau thủy canh.

Dự án này được hướng dẫn bởi đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Oxford. Học sinh đã đưa ra được rất nhiều sản phẩm do chính tay các con làm.

Các con chủ động nghiên cứu về cơ chế sinh trưởng của các loại rau, tự thiết kế mô hình... mà không cần sự thúc giục của giáo viên.

Sự hứng thú, hăng say tìm hiểu từ chính học sinh tạo nên những giờ học nhẹ nhàng. Các con thực sự hạnh phúc với việc nghiên cứu khoa học.

Vì vậy, khi được giới thiệu về DESIGNATHON 2018 – sự kiện STEM toàn cầu dành cho học sinh từ 7-12 tuổi, cô Trang đã lập tức đồng ý tham gia để học sinh được trải nghiệm cùng bạn bè quốc tế.

Giọng kể đầy say mê, cô Trang bày tỏ sự thán phục đơn vị tổ chức là tổ chức DESIGNATHON Works – Hà Lan.

Họ đã vô cùng chu đáo từ sự chuẩn bị đến hướng dẫn các thầy cô rất chi tiết, cách thức thực hiện như thế nào để mang đến hiệu quả thực sự đến với học sinh chứ không phải là để đem ra trình diễn.

Quá trình chuẩn bị cho sự kiện này là lần đầu tiên các giáo viên đã phải rất “vất vả” phỏng vấn khi có quá đông các em học sinh tham gia ứng tuyển.

“Thú thực lần đầu tiên đi tuyển học sinh tham gia một chương trình mà tôi được chứng kiến cảnh các con xếp hàng, bồi hồi lo lắng và mong chờ mình được trúng tuyển như thế.

Các chương trình khác, các con cứ xuống tham gia với suy nghĩ “được thì được, không thì thôi”.

Lần này, tôi cảm nhận tinh thần của các con khác hẳn khi các con biết là chúng sẽ được giao lưu trực tiếp với các bạn học sinh quốc tế”, cô Trang tâm sự.

Cô nghiệm ra rằng, học sinh của mình rất thích được thực sự trải nghiệm.  

Em Vũ Khánh Chi - học sinh lớp 7I hào hứng kể lại: “Chúng em xếp hàng chờ phỏng vấn để tham gia sự kiện STEM toàn cầu mà vô cùng hồi hộp. Ai cũng muốn mình được tham gia sự kiện đặc biệt này.

Em may mắn vì được là một trong số ít học sinh trúng tuyển để có cơ hội tham gia sự kiện”.

Các em học sinh thuyết minh về ý tưởng tại sự kiện DESIGNATHON 2018. Ảnh: NTCC
Các em học sinh thuyết minh về ý tưởng tại sự kiện DESIGNATHON 2018. Ảnh: NTCC

Đừng cắt nhịp nếu học sinh đang hứng thú

Quả thực để thu hút được hàng dài các em đăng ký như vậy, cô Trang và các giáo viên trong đội STEM đã cố gắng nỗ lực thật nhiều. Với cô Trang, đó là một hành trình truyền cảm hứng thực sự.

Cô Trang chia sẻ, khi thành lập đội STEM, quan điểm của cô là dựa trên việc truyền cảm hứng và nhiệt huyết đến từng giáo viên.

STEM thực chất là dạy học tích hợp liên môn. Khi tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học với học sinh thì giáo viên cũng phải lao vào nghiên cứu. Vì vậy, nó đòi hỏi rất nhiều tâm huyết của giáo viên.

Thậm chí, cả ngày cuối tuần, ngày nghỉ, sau giờ làm việc, nếu các con đang miệt mài, cuốn vào một vấn đề gì đó thì giáo viên cũng không nên cắt nhịp.

“Đừng nói là “con ơi, 6h rồi đấy, con về đi. Đến giờ rồi, mình tạm dừng buổi học nhé”. Đấy là điều không thể.

Vì thế, đầu tiên tôi làm việc với giáo viên để tất cả chúng tôi thực sự có lửa.

Từ đội giáo viên, tinh thần đó sẽ được lan truyền đến học sinh”, cô Trang tâm niệm.

Vị thủ lĩnh đội STEM cho rằng, STEM không đơn giản là các môn khoa học Toán, Lý Hóa mà đội STEM của trường còn có cả giáo viên tiếng Anh và giáo viên Ngữ văn.

Đội STEM của trường Ban Mai hướng tới cả khoa học xã hội hành vi và khoa học tự nhiên chứ không chỉ riêng khoa học tự nhiên đơn thuần như nhiều trường vẫn làm. 

Đội STEM của trường còn kết hợp với khoa học nghệ thuật để hướng tới STEAM của thế giới.

“Thực chất để tôi hiểu rõ và có lửa khi làm STEM đó là chuyến đi học tập tại Mỹ do trường Ban Mai tổ chức.

Khi sang Mỹ học, nhóm giáo viên chúng tôi được làm việc với 3 giáo sư ở 3 lĩnh vực. Một giáo sư Toán học, một giáo sư Khoa học và một giáo sư Ngôn ngữ.

Dự án khoa học chúng tôi được thực hiện khi đó là dự án về xói mòn. Quá trình thực hiện của họ vô cùng tuyệt vời.

Một dự án nhưng tích hợp rất nhiều môn trong đó. Từ địa lý, lịch sử, vật lý, sinh học... Cách học từ thuật ngữ chuyên ngành của họ cũng rất hay”, cô Trang kể lại.

Một điểm nữa cô Trang cũng thu hoạch được từ chuyến học tập này, đó cách các giáo sư làm việc với nhau đơn giản nhưng rất hiệu quả.

Sau mỗi ngày làm việc, họ ngồi với nhau và bàn luận về từng vấn đề xảy ra trong trường học.

“Nó tương tự như việc mà tất cả trường công ở Việt Nam đều phải làm đó là buổi sinh hoạt chuyên môn.

Tuy nhiên, sinh hoạt chuyên môn của chúng ta vẫn hình thức quá. Còn họ, họ lên lịch chuyên môn cho từng buổi, với nội dung khoa học gì, làm trong bao nhiêu phút.

Đến cuối giờ, họ sẽ quay lại đúng danh sách, kế hoạch lúc đầu đó. Họ sẽ thảo luận về từng vấn đề, học sinh nào gặp khó khăn, khó khăn về vấn đề gì.

Họ sẽ thảo luận về các vấn đề đó để tìm ra giải pháp tốt nhất cho học sinh”, cô Trang đúc rút.

Vì vậy, trong các buổi sinh hoạt của đội STEM, cô cũng hướng tới điều này. Các giáo viên trong đội STEM sẽ làm kế hoạch cụ thể về từng dự án. Đến cuối ngày, họ sẽ quay lại từng đầu việc liệt kê với dự án đó.

“Nhóm làm được đến đâu và điểm khuyết là gì. Buổi sau sẽ giải quyết thế nào, chúng tôi bám vào lịch rất chi tiết.

Từ việc sinh hoạt chuyên môn trong STEM, chúng tôi hướng đến việc họp tổ, họp đội sẽ có cách thức tương tự như vậy.

Tôi hy vọng sự cố gắng của mỗi giáo viên sẽ truyền được cảm hứng học tập tới học sinh, để các em tìm được sự hứng khởi, niềm say mê trong mỗi buổi học”, cô Trang bày tỏ hy vọng.

Đỗ Thơm