Bộ giảm tải hàng chục đầu bài học nhưng số tiết vẫn thế, giáo viên phải làm sao?

20/09/2021 06:53
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH mà Bộ mới ban hành hướng dẫn giảm tải ở mức tối đa, chỉ giữ lại ở mức độ cần đạt mà số tiết thì vẫn được giữ nguyên như trước đây.

Ngày 16/09/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19- đây được xem là việc làm cần thiết trong bối cảnh đặc biệt hiện nay.

Tuy nhiên, năm học đã được khai giảng từ ngày 5/9 và đa phần các địa phương đã bước vào thực học từ ngày 6/9 vừa qua nên việc tinh giản nội dung dạy học của Bộ ban hành chậm trễ mất 10 ngày, tương đương với gần 2 tuần học ở các nhà trường.

Song, đây mới là hướng dẫn của Bộ, sau hướng dẫn này còn có hướng dẫn của Sở, của Phòng Giáo dục nên khi các trường có được hướng dẫn của thể của bộ phận chuyên môn ở địa phương và bắt tay vào thực hiện xây dựng lại phân phối chương trình các môn học cho đơn vị thì có sớm cũng phải hết tuần thứ 3 của năm học mới có thể hoàn thiện.

Điều đáng nói là có nhiều bài các trường đã dạy chính khóa cho học sinh rồi thì Bộ mới hướng dẫn tinh giản, chuyển sang hình thức khuyến khích học sinh tự học, tự đọc hoặc đọc thêm…Chính vì thế, sự chậm trễ của Bộ đã kéo theo rất nhiều khó khăn cho các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn
Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn

Nếu như Bộ hướng dẫn sớm hơn thì các trường sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều

Đầu tiên, phải nhấn mạnh rằng chúng tôi hoàn toàn đồng tình với việc Bộ tinh giản nội dung dạy học theo Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông vì trong điều kiện dịch bệnh, nhiều địa phương phải dạy và học trực tuyến thì việc giảm tải là rất cần thiết.

Hơn nữa, theo hướng dẫn của Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH thì việc giảm tải vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục, mạch kiến thức giữa các khối lớp trong cùng môn học. Việc tinh giản kiến thức đảm bảo phù hợp với việc điều chỉnh kế hoạch năm học 2021- 2022 do tác động của dịch bệnh Covid-19 để học sinh không bị quá tải kiến thức.

Đặc biệt, Bộ cũng yêu cầu không kiểm tra, đánh giá định kì những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm càng giúp cho việc dạy và học đỡ áp lực hơn.

Tuy nhiên, phải khẳng định là việc triển khai nội dung giảm tải của Bộ đã có phần bị động và quá chậm so với Khung thời gian năm học mà Bộ đã ban hành trước đây. Trong khi, dịch bệnh đã diễn biến phức tạp từ nhiều tháng qua.

Bởi, từ cuối năm học 2020-2021 thì nhiều tỉnh thành phải triển khai học trực tuyến đối với những tuần cuối cùng của năm học. Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở nhiều địa phương đã phải chuyển sang thi đợt 2, thậm chí nhiều thí sinh không thể dự thi được mà phải làm đơn xin đặc cách tốt nghiệp.

Riêng địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã được gần 4 tháng trời.

Điều này cho thấy lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học và lãnh đạo Bộ hoàn toàn có thể chủ động xây dựng nội dung giảm tải trước thời điểm năm học 2021-2022 diễn ra. Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra lại hoàn toàn khác.

Đến thời điểm này (ngày 19/9), đa phần giáo viên cũng chỉ mới đọc được thông tin giảm tải của Bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng chứ chưa thấy Sở, Phòng chỉ đạo về việc này …

Một số môn giảm tải hàng chục đầu bài học nhưng số tiết không giảm!

Đọc phần Phụ lục của Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH thì chúng tôi nhận thấy gần như các môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đều giảm tải theo nguyên tắc giữ lại yêu cầu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, không yêu cầu học sinh thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn học, các nội dung đã quá cũ…

Chính vì thế, mỗi môn học đều giảm đi rất nhiều bài học hoặc một số đơn vị kiến thức trong nhiều bài học đã được giảm tải.

Chẳng hạn, chúng tôi thấy môn Ngữ văn 8 có 140 tiết mỗi năm thì Phụ lục củaCông văn 4040/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn chuyển 18 bài học sang “khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự làm”.

Ngoài ta, còn có nhiều bài học được tích hợp thành các chủ đề, hoặc tích hợp một số đơn vị kiến thức ở bài học ban đầu thành 1 bài học giảm tải.

Đối với môn Ngữ văn 9 có 175 tiết mỗi năm thì có tới 41 bài học chuyển sang “khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự làm…” và nhiều bài được tích hợp thành chủ đề hoặc gom một số bài thành một bài học giảm tải…

Ngay cả đối với nội dung sách giáo khoa lớp 6 năm nay mới bắt đầu giảng dạy cũng được yêu cầu giảm tải nhiều bài và trong mỗi chủ đề yêu cầu dạy tối thiểu 2 văn bản mà thôi….

Như vậy, nhìn chung là các môn học đã có sự giảm tải rất nhiều bài học không dạy, không học hoặc chuyển sang hình thức yêu cầu học sinh tự học, tự làm.

Thế nhưng, số tiết vẫn được giữ nguyên như trước đây, không hề thay đổi. Môn nào bao nhiều tiết thì đã được ấn định từ khi ban hành chương trình từ cách đây gần 20 năm trước.

Chính vì thế, số tiết không giảm tương ứng theo bài nên bắt buộc giáo viên phải xé những bài học chính khóa còn lại ra nhiều tiết. Có những bài thơ ngắn cũng phải xây dựng dạy 2-3 tiết, có những văn bản truyện không dài nhưng phải bắt buộc xếp đến 4 tiết dạy.

Trong khi, nhiều tỉnh thành đang tiến hành dạy trực tuyến nên rất khó khăn cho giáo viên xây dựng phân phối chương trình và giảng dạy. Kiến thức thì Bộ hướng dẫn giảm tải ở mức tối đa, chỉ giữ lại ở mức độ cần đạt mà số tiết thì vẫn được giữ nguyên như trước đây.

Vì thế, trong mỗi bài học chuyện dư rất nhiều thời gian là chắc chắn sẽ xảy ra và tất nhiên những lúc ấy dẫn đến tình trạng giáo viên sẽ khó xử trong giảng dạy.

Nếu rơi vào trường hợp này, chắc chắn giáo viên sẽ khó tránh được những lời bàn tán từ học sinh và ngay cả với phụ huynh…

Rõ ràng, việc tinh giản nội dung tiến thức như năm học này mà vẫn giữ lại số tiết như ban đầu khi chưa hề tinh giản thì vô tình làm khó cho giáo viên rất nhiều.

Chỉ nhìn môn Ngữ văn 9 đã chuyển tới 41 bài học trọn vẹn sang các hình thức “khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự làm…” và còn có nhiều bài được chuyển thành chủ đề tích hợp, chuyển thành bài học giảm tải cũng đã thấy những khó khăn mà giáo viên sẽ phải đối mặt trong những tháng ngày tới đây.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH