Bộ trưởng Bộ Giáo dục sẽ chịu trách nhiệm như thế nào về sách giáo khoa?

08/08/2018 07:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Luật Giáo dục hiện hành, nghị định hướng dẫn trao khá nhiều quyền lực cho Bộ trưởng trong việc định đoạt chương trình sách giáo khoa, nhưng trách nhiệm mơ hồ.

Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/8 đưa tin, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ không còn độc quyền in sách giáo khoa.

Phát biểu trong buổi làm việc tại Cần Thơ của đoàn công tác liên ngành Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được dẫn lời, khẳng định:

Thứ nhất, đợt này đổi mới chương trình phổ thông rất bài bản, ở tất cả 19 môn học. Những lần trước đi từ sách giáo khoa (sách có trước, chương trình có sau?), lần này đổi mới chương trình sau đó mới đến sách giáo khoa.

Thứ hai, một chương trình nhiều sách giáo khoa nhưng không phải "muốn viết thế nào thì viết", vì sách giáo khoa ấy phải có chuẩn và trên cơ sở được hội đồng quốc gia duyệt về mặt chuyên môn. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ảnh: moet.gov.vn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ảnh: moet.gov.vn

Thứ ba, thay sách giáo khoa kiểu cuốn chiếu, phải có sự chuẩn bị chủ động của một đơn vị để có sách dùng ngay, còn sau đó thì có thể nhiều bộ sách khác. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 1 bộ sách giáo khoa, đang chuẩn bị chương trình này theo hướng đấu thầu. Theo thống kê, có bốn nhà xuất bản được phép in sách giáo khoa.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không phải là đơn vị được chỉ định thầu mà tham gia cũng như các nhà xuất bản khác theo các tiêu chí công khai, minh bạch. [1]

Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?

Vừa rồi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng "nhận trách nhiệm" về các tiêu cực trong kỳ thi phổ thông trung học quốc gia tại một số địa phương gây bức xúc dư luận.

Điều đáng nói là, những sai phạm này không phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương phát hiện ra, mà là sự vào cuộc của truyền thông phanh phui những gian lận có hệ thống và tổ chức ở một số tỉnh, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nếu không có truyền thông và người dân vào cuộc, thì khẳng định của Bộ trưởng rằng kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng được nhân dân các địa phương ủng hộ sẽ khó có thể kiểm chứng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục sẽ chịu trách nhiệm như thế nào về sách giáo khoa? ảnh 2Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hé lộ sự thật làm sách giáo khoa "cả làng toét mắt"

Sách giáo khoa là sản phẩm thiết yếu liên quan đến hàng triệu gia đình, đồng thời ảnh hưởng lớn đến tương lai của thế hệ trẻ, tiền đồ đất nước, vận mệnh dân tộc.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới chương trình sách giáo khoa lần trước, lần này có quá nhiều vấn đề bất cập mà chúng tôi đã phản ánh, nhưng dường như chưa đến tai Bộ trưởng. 

Mọi câu hỏi đặt ra có địa chỉ, con người, vấn đề cụ thể rõ ràng, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.

Luật Giáo dục hiện hành trao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khá nhiều quyền lực trong việc định đoạt chương trình, sách giáo khoa, nhưng trách nhiệm thì rất chung chung:

"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa."

Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục cũng không làm rõ được trách nhiệm của Bộ trưởng và cách kiểm soát các nguy cơ trục lợi từ việc thay sách giáo khoa.

Phải chăng chính lỗ hổng pháp lý này khiến cho 2 lần thay sách giáo khoa gần đây, cứ vừa phát hành xong cuốn sách cuối cùng của lớp 12 là lại mọc ra dự án / đề án thay sách giáo khoa mới?

Lần sửa đổi Luật Giáo dục mà Quốc hội đang tiến hành, trên cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ tham mưu cho Quốc hội giải pháp chính sách nào để bịt lỗ hổng trách nhiệm hiện nay?

Một vài kiến nghị

Tìm hiểu về quá trình biên soạn, thí điểm, triển khai chương trình và sách giáo khoa trong 3 lần thay sách giáo khoa, chúng tôi xin mạo muội nêu ra một số vấn đề, ngõ hầu có thể giúp ích cho Bộ trưởng ít nhiều trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, đặc biệt là hoạch định chính sách.

Thứ nhất, cần kiểm soát bộ máy tham mưu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục sẽ chịu trách nhiệm như thế nào về sách giáo khoa? ảnh 3Những quy luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa

Có thể nói với những công việc mang tính chuyên môn, thành do tham mưu, bại bởi tham mưu, những trục trặc, tồn tại trong giáo dục lâu nay phần lớn do công tác sử dụng tham mưu của lãnh đạo Bộ có vấn đề.

Riêng đối với sách giáo khoa, câu hỏi đầu tiên Bộ trưởng nên đặt ra cho ông Tổng chủ biên, các ông / bà Thứ trưởng, Vụ trưởng, Vụ phó phụ trách việc thay sách là:

Với số tiền ngân sách họ xin để thay sách giáo khoa (70 ngàn tỷ đồng, 34 ngàn tỷ đồng, 420 tỷ đồng rồi "chốt lại" 80 triệu USD), thì chất lượng và tuổi thọ sử dụng ổn định của bộ sách họ sẽ cam kết như thế nào?

Câu hỏi thứ hai, Bộ trưởng nên hỏi họ có cách nào làm được nhiều bộ sách giáo khoa chất lượng mà không phải sử dụng ngân sách nhà nước không?

Đây có thể là câu hỏi khó đối với phần lớn các chuyên gia dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng lại là điều người dân đã làm được.

Câu hỏi thứ ba, Bộ trưởng nên hỏi họ, nếu có người sẵn sàng tổ chức được các bộ sách giáo khoa chất lượng và không dùng ngân sách, có lợi cho dân, thì họ có sẵn sàng nhường ghế không?

Thứ hai, cần thực sự cầu thị, chân thành lắng nghe các tiếng nói phản biện và sẵn sàng đối thoại tìm giải pháp.

Còn nhớ lúc mới nhậm chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có tâm sự trên truyền thông rằng, ông sẽ thành tâm lắng nghe. Khi đó ông nói rằng:

“Tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết”. [2]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục sẽ chịu trách nhiệm như thế nào về sách giáo khoa? ảnh 4Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa

Chúng tôi nhận thấy quả thực Bộ trưởng đã có lắng nghe, đã có thay đổi trong chỉ đạo, điều hành và được dư luận ghi nhận.

Ví dụ như việc thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học có quá nhiều bất cập trong Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT bằng Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT đã tháo bớt gánh nặng cho các thầy cô và nhà trường.

Ví dụ như chỉ đạo của Bộ trưởng về việc dừng hay tiếp tục mô hình trường học mới VNEN, do địa phương quyết định, ít nhất đã giúp một số địa phương dũng cảm nói không với VNEN sau rất nhiều ý kiến từ cha mẹ học sinh.

Gần đây nhất là phản ánh của chúng tôi về cách điều hành, quản lý tuyển sinh quá cứng nhắc của Hà Nội với các trường tư thục năm ngoái, Bộ trưởng cũng đã kịp thời có ý kiến để Hà Nội điều chỉnh.

Đó là những điều rất đáng ghi nhận, trân trọng.

Tuy nhiên vẫn còn những góp ý, phân tích và phản biện thẳng thắn các chính sách giáo dục trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chưa đến được với Bộ trưởng hoặc chưa được Bộ trưởng lưu tâm .

Đã có những câu hỏi của Báo gửi đến Bộ trưởng về mô hình trường học mới VNEN, về sách Công nghệ giáo dục, về các biểu hiện tiêu cực trong biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, nhưng tới nay cũng chưa có câu trả lời cuối cùng. 

Cửa lim đôi cánh khép.

Rất có thể do bộ máy tham mưu giúp việc của Bộ trưởng có quá nhiều tầng nấc, nên tiếng nói của dân đến được tai Bộ trưởng không phải chuyện đơn giản, ngoài những gì đã ầm ĩ trên truyền thông.

Vì vậy, thiết nghĩ trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, mỗi ngày Bộ trưởng chỉ cần bỏ ra một số ít thời gian để tiếp xúc với dân, với hơi thở cuộc sống qua các phân tích, phản biện và góp ý trên truyền thông để lựa chọn vấn đề đối thoại, giải quyết, thì những bức xúc sẽ được tháo ngòi, giáo dục có thêm động lực.

Không phải làm như vậy là không tin tham mưu, anh em cấp dưới, mà là cách giúp bộ máy tham mưu của Bộ trưởng phải thực sự năng động.

Đồng thời qua đó cũng giúp bộ máy tham mưu cho Bộ trưởng phải biết sợ mình sẽ làm sai, tránh tâm lý "ông Giời con" vì không ai kiểm soát, tránh thói ỷ lại "dưới một người, trên vạn người" nên "muốn làm gì thì làm", hậu quả dân gánh và đã có Bộ trưởng nhận trách nhiệm.

Chúng tôi sẽ quay trở lại câu chuyện sách giáo khoa và chống độc quyền trong những bài viết tới, hy vọng được Bộ trưởng lắng nghe.

Nguồn:

[1]http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-truong-nha-se-khong-con-doc-quyen-in-sach-giao-khoa-786237.html

[2]http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=3820

Hồng Thủy