Các bậc cha mẹ, hãy để con được thò đầu ra cửa sổ

06/07/2017 06:15
Hà Dung
(GDVN) - Mỗi kỳ tuyển sinh, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh phụ huynh chen chúc nhau chờ nộp hồ sơ, ai cũng đau đáu với nỗi niềm chọn trường "chuẩn" cho con.

Không riêng gì những phụ huynh có con học trung học cơ sở (cấp 2), trung học phổ thông (cấp 3) mới đau đầu và chực chờ cơ hội nộp hồ sơ “kén” trường cho con, mà ngay cả những phụ huynh có con mới bắt đầu bước vào cấp “vỡ lòng” (lớp 1) cũng mang chung tâm trạng ấy.

Những ngày qua, đọc các thông tin về việc “Phụ huynh thức trắng đêm chờ nộp hồ sơ cho con” vào học tại một trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi chợt nhớ đến cuốn sách “Totto-chan cô bé bên cửa sổ”.

Hãy để con được thò đầu ra cửa sổ

Cuốn sách là tự truyện của Kuroyanagi Tetsuko một diễn viên, một ngôi sao truyền hình, một vận động viên Nhật, khắc họa lại thời bắt đầu đi học đầy bước ngoặt của chính mình.

Hãy để cho học sinh được tự do, thoải mái sáng tạo, đừng vì bệnh thành tích mà gò ép các em. Ảnh:giaoduc.net
Hãy để cho học sinh được tự do, thoải mái sáng tạo, đừng vì bệnh thành tích mà gò ép các em. Ảnh:giaoduc.net

Câu chuyện mang một thông điệp giáo dục tích cực và có lẽ những phụ huynh chúng ta hãy nên một lần đọc cuốn sách này để thấu hiểu về mong muốn của trẻ em trước khi “kén” trường cho con.

Totto-chan là một cô bé 6 tuổi hiếu động, rất đáng yêu và ngây thơ. 6 tuổi Totto- Chan đã bị cho thôi học ở trường tiểu học vì em quá năng động và lạ lùng so với các bạn.

Điều lạ lùng khiến cô bé bị đuổi học đó là gì? Đó là cô bé không chịu ngồi ngay ngắn trong giờ học, cô bé chuyên thò đầu ra cửa sổ để tìm những điều lạ lẫm quanh mình và thường xuyên bày trò trong lớp.

Các bậc cha mẹ, hãy để con được thò đầu ra cửa sổ ảnh 2

Con học trường tốt mới thành người tài giỏi, có đúng vậy không?

(GDVN) - Đã đến lúc cũng cần phải đổi mới cách suy nghĩ “con học trường tốt mới giỏi được” để hạn chế việc chạy trường, chạy lớp cho các em.

Mẹ của cô bé cũng từng phải trăn trở, lo lắng khi con mình bị thôi học. Cô sợ con mình tổn thương, sợ con mình khó thích nghi với môi trường mới và sợ ngôi trường mới cũng sẽ không chấp nhận con mình.

Rồi cuối cùng bà chọn và xin cho Totto-chan vào học tại Tomoe Gakuen (trường Tomoe) của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku. Một ngôi trường có lớp học là những toa tàu cũ, cả trường chỉ có năm mươi học sinh, ai cũng đặc biệt như Totto-chan, thậm chí có cả những em bị khuyết tật.

Ở ngôi trường đó, mặc dù có những trở ngại và khác biệt tính cách, nhưng các học sinh đều hòa hợp với nhau như anh em. Thầy hiệu trưởng Kobayashi tôn trọng đứa trẻ của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh.

Ở ngôi trường Tomoe không có thời khóa biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng.

Vậy nhưng, ở ngôi trường toa tàu này các em lại học được vô số điều bổ ích, thực tế. Bài học gắn liền với từng bữa ăn khi thầy dạy các em về món ăn của rừng và món ăn của biển.

Bài học gắn liền với kỹ năng sống độc lập, tự chịu trách nhiệm khi Totto-chan lục tung nhà vệ sinh, đào bới, múc phân mà không hề bị thầy la mắng. Thay vào đó là lời căn dặn “em nhớ đổ về vị trí cũ nhé”.

Trong ngôi trường ấy, các thầy cô sẽ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập. Nhà trường còn tổ chức cắm trại, đi du lịch cho các em được mở mang tầm mắt, gần gũi với thiên nhiên.

Nhìn nhận lại nền giáo dục của ta, các em học sinh ngay từ tiểu học (cấp 1) đã học biết bao nhiêu môn. Học ở trường, học thêm, học ngày, học đêm. Nhiều em đi học trên tay vẫn còn cầm ổ bánh mỳ ngồi sau lưng ba mẹ vừa đi vừa ăn…

Hình ảnh ấy chắc chắn sẽ còn nhiều trăn trở mà ta cần thay đổi.

Giáo dục bằng tình yêu thương và sự lắng nghe chứ không phải dập khuôn

Chẳng có gì tuyệt diệu hơn là để các em thỏa sức chơi đùa và được tự do thổ lộ những tâm tư tình cảm hồn nhiên, ngộ nghĩnh của mình. Đừng bao giờ ngăn cản chúng nhé! Bởi trong mỗi chúng ta đã từng có một thời như thế cơ mà!

Cách giáo dục của thầy Kobayashi là một giấc mơ về một nền giáo dục tiến bộ.

Các bậc cha mẹ, hãy để con được thò đầu ra cửa sổ ảnh 3

Cha mẹ đau đầu chọn trường mẫu giáo cho con

(GDVN) - Trong tình hình xã hội ngày càng phức tạp, việc tìm kiếm cho con trẻ nhà trẻ an toàn với phương pháp dạy học phù hợp khiến không ít bậc cha mẹ đau đầu.

Ở nước ta hiện nay, mấy phụ huynh định hướng con cái theo phương pháp học thoái mái ấy? Được bao nhiêu ngôi trường, bao nhiêu giáo viên thỏa sức cho các em khám phá mà không màng tới bệnh thành tích?

Tôi chợt nhớ tới câu chuyện của một người bạn kể lại khi con mình theo học tại một trường mầm non. Cô bé được chọn tham gia một cuộc thi vẽ tranh chủ đề về “ước mơ của em”.

Trước ngày thi cô giáo vẽ sẵn cho một bức tranh và đưa cho mẹ của bé và dặn “mẹ về nhà tập cho bé vẽ lại y như bức tranh này”. Nhưng ước mơ thực sự của cô bé lại khác xa so với bức tranh mà cô giáo chuẩn bị sẵn.

Về nhà em "cãi" lại vì nói đó không phải ước mơ của em và em quyết vẽ một bức tranh theo đúng những điều mà em mơ ước.

Thế nhưng trước ngày thi, khi nghe phụ huynh kể lại câu chuyện này, giáo viên đã quyết định không chọn bé tham gia dự thi bởi một lý do “bức tranh không đúng chủ đề”.

Thế đấy, câu chuyện của một em bé mầm non mà tôi nghe được này cũng chỉ là một phần nổi trong nền giáo dục mà thôi. Đó là bệnh thành tích.

Hà Dung