Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trường phổ thông xây dựng kế hoạch năm học đầy đủ theo hình thức dạy trên Internet đến hết học kỳ I.
Theo đó, thành phố đưa ra phương án các trường phải dạy trực tuyến trong học kỳ I, áp dụng trong tình huống dịch phức tạp đến cuối năm, tùy trường hợp cụ thể sẽ được dạy trực tiếp.
Lựa chọn kiến thức trọng tâm, đổi mới kiểm tra đánh giá
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học - Trung học cơ sở -Trung học phổ thông Anh Quốc (UKA Bình Thạnh - Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nhà trường đã xây dựng nhiều kịch bản chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022 cho những tình huống có thể xảy ra, kể cả tình huống xấu nhất là học sinh bắt buộc phải học trực tuyến hết học kỳ 1.
Trường Tiểu học - Trung học cơ sở -Trung học phổ thông Anh Quốc đã chủ động lên phương án trong tình huống học online hết học kỳ 1. (Ảnh: NVCC) |
Trường tổ chức cho học sinh ôn tập các kiến thức trọng tâm, trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể học trực tuyến, phát triển khả năng tự học cho học sinh,...
Nhà trường cũng đã lên các kế hoạch sau khi dịch ổn định, linh hoạt và chủ động trong việc thực hiện kế hoạch chuyên môn năm học để ứng phó kịp thời. Trong trường hợp dịch có chiều hướng giảm, có thể tổ chức cho số ít học sinh quay lại trường thì phương án kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến cũng đã được tính tới.
“Với tình hình của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thì kịch bản học trực tuyến cả học kỳ 1 rất có thể sẽ xảy ra. Các cơ sở giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Các cơ sở giáo dục cần chủ động, linh hoạt trong các kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý, tăng cường công tác bồi dưỡng tập huấn, đặc biệt là năng lực dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên
Nhà trường cũng phải thường xuyên lắng nghe các phản hồi của phụ huynh để có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình hỗ trợ, giám sát cũng như tạo điều kiện cho học sinh học tập”, thầy Tiết chia sẻ.
Muốn dạy học online hiệu quả, chương trình cũng cần phải được xây dựng sáng tạo, lựa chọn các nội dung trọng tâm, bố trí các khung giờ dạy và học trực tuyến phù hợp, tối ưu hóa thời gian tổ chức dạy và học trực tuyến,
Để tránh áp lực cho học sinh, nhà trường, giáo viên cũng cần phải thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá.
Giáo viên phụ trách các môn học linh hoạt bằng nhiều hình thức tổ chức kiểm tra đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người học dễ dàng thực hiện thông qua các bài kiểm tra trên các hệ thống phần mềm, các ứng dụng trực tuyến, các báo cáo, bài thu hoạch, bài thuyết trình cá nhân hoặc dự án học tập.
Giáo viên cần nêu rõ các tiêu chí kiểm tra đánh giá đến học sinh và phụ huynh, hướng dẫn và tổ chức công bằng, khách quan, trung thực. Đồng thời, thầy cô lưu lại các kết quả minh chứng đúng quy định hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục.
Giáo viên cũng phải được đào tạo về kỹ năng soạn bài giảng trực tuyến, kết hợp nhiều hình thức dạy học, kênh học liệu tham khảo cho học sinh. Thầy cô cần tạo nhiều cơ hội để người học có thể tương tác, thực hiện thảo luận nhóm, hoàn thành các bài kiểm tra trên các ứng dụng trực tuyến như: bộ Office 365; Kahoot!; Mentimeter; Quizizz,...
Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết cho rằng, dạy và học trực tuyến là giải pháp tối ưu hiện nay. (Ảnh: NVCC) |
“Dạy và học trực tuyến vẫn là giải pháp tối ưu nhất trong giai đoạn hiện nay. Và các cơ sở giáo dục rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh khi áp dụng hình thức giảng dạy này.
Thay vì chờ đợi, lo lắng, thậm chí là phản đối và không cho con tham gia học tập thì phụ huynh nên dạy cho trẻ thích nghi và trang bị nhiều hơn kỹ năng tự học cho con, cùng nhà trường hướng đến mục tiêu vì việc học của con em mình.
Nếu có sự đồng hành của phụ huynh, sự sáng tạo của giáo viên và tinh thần chủ động tích cực từ người học thì dạy học online chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả.
Song, các cơ sở giáo dục cũng phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh của từng đối tượng học sinh. Bằng nhiều hình thức linh hoạt, tổ chức dạy và học trong khung thời gian phù hợp, tạo mọi điều kiện để người học có thể học tập dễ dàng, phụ huynh có cơ hội hỗ trợ con mình một cách tốt nhất”, thầy Tiết cho hay.
Thay đổi tư duy về dạy học trực tuyến
Chia sẻ về kế hoạch dạy học trực tuyến trước thềm năm học mới, thầy giáo Ngô Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hệ thống trường Khai Nguyên đã có sự chuẩn bị các phương án cho năm học mới ngay từ cuối tháng 6.
Nhà trường tổ chức các lớp hè trực tuyến dành cho các em học sinh tiền tiểu học, để các em có sự chuẩn bị tâm thế sẵn sàng khi vào năm học mới, nhất là trong tình huống phải học online.
Các lớp học về lập trình, kỹ năng sống, đọc sách,... cũng được diễn ra trong sự hào hứng của các em học sinh và phụ huynh.
Một giờ học STEAM trực tuyến của học sinh Trường Tiểu học Khai Nguyên. (Ảnh: NVCC) |
Nhà trường dự trù 2 phương án cho năm học học mới: trực tiếp và trực tuyến. Trong tình huống dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động giáo dục của nhà trường sẽ diễn ra trực tiếp tại trường như kế hoạch được chuẩn bị trước.
Tình huống dịch bệnh kéo dài như hiện tại, phương án tổ chức dạy học trực tuyến sẽ được triển khai.
Thầy Nam chia sẻ: “Chúng tôi tập trung vào công tác đào tạo giáo viên với nhiều nội dung phát triển chuyên môn như các phương pháp dạy học tích cực, quản lý lớp học, công tác chủ nhiệm,..đặc biệt dành nhiều thời gian để đào tạo về phương pháp, kỹ năng dạy học trực tuyến cho toàn bộ giáo viên.
Nhà trường cũng xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với hình thức trực tuyến bằng cách thiết kế các hoạt động tăng cường tối đa sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, nhằm đạt được hiệu quả học tập cao nhất.
Đặc biệt, các môn học như STEAM, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật,… cũng được nhà trường nghiên cứu đưa vào giảng dạy dưới hình thức online. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học trực tuyến của nhà trường tiếp tục được nâng cấp.
Bên cạnh đó, học sinh được tham gia 2 tuần học khởi động không thu phí nhằm giúp các em có sự chuẩn bị tốt nhất khi bắt đầu chương trình chính thức. Sách điện tử (E-book) cũng được chuyển đến phụ huynh và học sinh trong trường hợp phụ huynh gặp khó khăn trong việc mua sách vở cho năm học mới”.
Theo thầy Ngô Thành Nam, điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là các cơ quan quản lý đến các cơ sở giáo dục, thầy cô, phụ huynh và học sinh đều phải thay đổi tư duy về dạy học trực tuyến. Đây là giải pháp duy nhất có thể làm và cần làm nghiêm túc trong điều kiện thực tế hiện nay, thay vì cho rằng đó chỉ là lựa chọn tạm thời. Chỉ khi ý thức về hoạt động dạy học trực tuyến một cách nghiêm túc thì các giải pháp đưa ra mới thật sự mang lại hiệu quả.
Việc xây dựng trường học trở thành một trường học trực tuyến là vô cùng cấp thiết, quan trọng. Các nhà trường cần linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp với đơn vị của mình: trực tuyến đồng thời, trực tuyến không đồng thời hay kết hợp cả hai hình thức,…
Các cơ sở giáo dục cũng cần điều chỉnh chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên các phương pháp giảng dạy, cách tổ chức lớp học online hiệu quả, năng lực sử dụng công nghệ thông tin, tránh việc đem bài giảng trực tiếp lên dạy trực tuyến mà không có sự thay đổi nào, gây cảm giác nhàm chán cho học sinh.
“Đồng thời, trường học cần cân nhắc điều kiện của phụ huynh để lựa chọn hình thức triển khai phù hợp, giáo viên cần hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình học sinh để có sự hỗ trợ tốt nhất.
Trong khi đó, phụ huynh cần nắm được cách thức học tập của con cũng như hoạt động phối hợp với giáo viên. Cha mẹ cần giúp con hiểu được ý nghĩa của việc học online, đồng hành cùng con trong thời gian đầu khi con tham gia học tập qua Internet để giúp con giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, cũng như hình thành cho con thói quen và sự nghiêm túc trong việc học.
Dần dần cha mẹ có thể để con tự lập trong việc tham gia các buổi học nhưng cũng cần liên hệ chặt chẽ với giáo viên để biết được quá trình và hiệu quả học tập của con mình”, thầy Nam cho biết thêm.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.