Cách sắp xếp số báo danh, phòng thi và đối tượng được dự thi quốc gia 2016

31/03/2016 07:38
Thùy Linh
(GDVN) - Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất, phòng thi được xếp theo môn thi.

Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất

Theo quy chế, cần lập danh sách thí sinh dự thi theo Hội đồng thi. Mỗi Hội đồng thi có một mã số riêng và được thống nhất trong toàn quốc.

Ở mỗi Hội đồng thi, việc lập danh sách thí sinh dự thi được thực hiện như sau: Lập danh sách tất cả thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c,... của tên thí sinh để đánh số báo danh; lập danh sách thí sinh theo thứ tự a, b, c,... của tên thí sinh theo từng môn thi để xếp phòng thi.

Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất. Số báo danh của thí sinh gồm phần chữ là mã số của Hội đồng thi và phần số có 6 chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của Hội đồng thi, đảm bảo trong Hội đồng thi không có thí sinh trùng số báo danh.

Cách sắp xếp số báo danh, phòng thi và đối tượng được dự thi THPT quốc gia 2016 (Ảnh: tuoitre.vn)
Cách sắp xếp số báo danh, phòng thi và đối tượng được dự thi THPT quốc gia 2016 (Ảnh: tuoitre.vn)

Về phòng thi: Phòng thi được xếp theo môn thi; mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang.

Riêng phòng thi cuối cùng của mỗi môn thi được xếp đến 45 thí sinh; phòng thi cuối cùng của buổi thi môn Ngoại ngữ (ở cùng địa điểm coi thi), được xếp các thí sinh dự thi các môn Ngoại ngữ khác nhau, nhưng phải thu bài riêng theo môn.

Số phòng thi của mỗi Hội đồng thi được đánh theo thứ tự tăng dần. Trong mỗi phòng thi có Danh sách ảnh của thí sinh.

Trước cửa phòng thi, phải niêm yết Danh sách thí sinh trong phòng thi của từng buổi thi và quy định trách nhiệm thí sinh theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia 2016.

Đối tượng dự thi THPT quốc gia 2016

Đối tượng dự thi THPT quốc gia năm nay gồm người đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức thi; người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp; các đối tượng khác được Bộ GD&ĐT cho phép dự thi.

Để được dự thi, các đối tượng dự thi phải không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; đăng ký dự thi và nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các giấy tờ và lệ phí đăng ký dự thi theo quy định;

Đối tượng học hết chương trình THPT trong năm tổ chức thi còn phải đảm bảo các điều kiện được đánh giá, xếp loại ở lớp 12: Hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém.

Riêng đối với người học giáo dục thường xuyên thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.

Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT ngoài đảm bảo không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; đăng ký dự thi và nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các giấy tờ và lệ phí đăng ký dự thi theo quy định, còn phải đảm bảo các điều kiện:

Đã tốt nghiệp THCS. Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0, đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm đủ điều kiện về học lực theo quy định;

Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận có đủ tư cách, phẩm chất đạo đức và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

Hiệu trưởng trường THPT, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc nơi thí sinh nộp Phiếu đăng ký dự thi tổ chức xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thi; chậm nhất trước ngày thi 20 ngày phải thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi theo quy định.

Những vật dụng được và không được mang vào phòng thi: 

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xoá, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Thùy Linh