Cảm phục nghị lực của nữ giáo viên dạy giỏi ở Tuyên Quang

10/05/2021 06:06
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đứng trước mỗi cơn “sóng gió” ập đến, cô giáo Nông Thị Tuyến (37 tuổi, ở Tuyên Quang) lại mạnh mẽ vượt qua tất cả để chiến thắng trước số phận.

12 năm công tác trong nghành giáo dục với vai trò là giáo viên Thể dục Tiểu học, cô giáo Nông Thị Tuyến (trường Tiểu học Minh Cầm, Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang) từng nhiều năm đạt danh hiệu lao động tiên tiến của nhà trường trao tặng, giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Song hành với những thành tích đó cũng là quãng thời gian chị kiên cường vượt qua những tai ương liên tiếp ập đến, khi con ốm đau, bản thân mắc u vú…

Nông Thị Tuyến là dân tộc Tày, cô sinh ra và lớn lên ở thị trấn Na Hang (huyện Na Hang, Tuyên Quang). Ngay từ thuở còn cắp sách đến trường, Tuyến đã đam mê với bộ môn cầu lông, cô gái cao 1m60 này thường đi “đánh thuê” cho trường, có năm Tuyến đạt giải Nhất toàn huyện.

Cô Nông Thị Tuyến chụp ảnh cùng học trò. (Ảnh: NVCC)

Cô Nông Thị Tuyến chụp ảnh cùng học trò. (Ảnh: NVCC)

Tiếp nối đam mê thể dục thể thao, Tuyến thi đỗ trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang với chuyên ngành Thể dục. Trong ba năm học, Tuyến đạt được nhiều học bổng của nhà trường, số tiền 500 nghìn đồng của bố mẹ gửi mỗi tháng, Tuyến tiết kiệm chi tiêu vẫn dư hơn 100 nghìn đồng.

Tốt nghiệp ra trường, Tuyến lập gia đình, chồng chị làm về lĩnh vực y tế. Năm 2008, chị thi trượt viên chức, đó là bước ngã đầu đời nhưng không khiến chị gục ngã. Năm sau, chị thi đỗ và được phân công về giảng dạy tại trường Tiểu học Thiện Kế (Sơn Dương, Tuyên Quang) cách nhà 50km, cô giáo trẻ được ở nhà công vụ.

Cùng thời gian này, niềm vui nhân đôi khi chị Tuyến mang bầu đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, đến tháng thứ 8 khi đi siêu âm, cháu bé không có hình ảnh dạ dày, cháu được bác sĩ kết luận là bị teo thực quản bẩm sinh.

“Chào đời được hai ngày, con tôi được các bác sĩ phẫu thuật. Sau đó, cháu lại bị vàng da dẫn đến câm, điếc bẩm sinh, cháu phải thay toàn bộ máu…”, chị Tuyến nhớ lại và cho biết, may mắn cháu được các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện sớm và thay máu, nếu không thì có thể để lại di chứng thể mềm (không đứng, đi lại được), thể co cứng (co quắp tay chân, không cầm nắm được gì).

Người mẹ hai con này nhớ lại, thuở đó, vợ chồng chị đưa con chạy chữa khắp nơi, ai mách đâu chữa đó. Đó là những đợt ra tận Hà Tĩnh để gặp các ông được tung hô nhưng cũng chả ăn thua.

Để tiện chăm sóc con, năm 2011, chị xin chuyển về giảng dạy tại trường Tiểu học Minh Cầm (xã Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang) cách nhà khoảng 10km.

Sau 3 năm chạy chữa bằng nhiều phương pháp, cậu con trai cũng đã biết đi và ngóc cổ, đến 5 tuổi thì sức khỏe cũng tạm ổn định hơn. May mắn hơn anh, cô em gái khi chào đời khỏe mạnh, ít ốm đau.

Ngày thi và nhận Bằng tốt nghiệp liên thông, cô Tuyến gắng gượng đến trường với bộ tóc giả. (Ảnh: NVCC)

Ngày thi và nhận Bằng tốt nghiệp liên thông, cô Tuyến gắng gượng đến trường với bộ tóc giả. (Ảnh: NVCC)

Tưởng chừng sóng gió đã ngừng thì vào năm 2015, trong khi chồng chị học Chuyên khoa cấp 1 tại Đại học Y Hà Nội, chị học liên thông Đại học, gia đình chật vật kinh tế, thì chị phát hiện mình bị u vú, giai đoạn 1 và viêm gan B.

“Tôi bàng hoàng và chỉ biết khóc. Rồi tôi thương hai đứa con nhỏ sống trong căn nhà sàn ba gian hai chái lụp xụp, trời mưa dột tả tơi từ mái lá cọ đã mùn…”, chị Tuyến nhớ lại, khi này gia đình chị phải vay mượn để chạy chữa.

Đến viện K Tân Triều để điều trị, chị Tuyến gặp nhiều bệnh nhân khác, có người bệnh nặng hơn mình nhưng họ vẫn lạc quan, vui vẻ. Thấy vậy, cô cũng cố gắng thoải mái tâm lí để chống chọi trong 6 đợt điều trị, có những lần như chết đi sống lại, từ 51 kg cô xuống còn 44 kg.

Ngày thi tốt nghiệp liên thông, cô gắng gượng vượt qua nỗi đau, đội mái tóc giả để che đi mái đầu trọc lốc do xạ trị, đến trường.

Nói về hoạt động giảng dạy, nữ giáo viên cho hay, tại trường Tiểu học Thiện Kế cô dạy trước đây thì đa phần là dân tộc Sán Dìu, còn trường Tiểu học Minh Cầm cô đang dạy là dân tộc Cao Lan.

Các em đa phần đều không được bố mẹ quan tâm việc học hành do điều kiện kinh tế còn khó khăn. Nhận thức của chúng cũng không đồng đều, ý thức thì hay ỷ lại vào giáo viên.

Ngôi trường Tiểu học Minh Cầm trước kia toàn cấp bốn lụp xụp, đường đi khó khăn nhưng giờ đây đã được xây dựng khang trang hơn. (Ảnh: NVCC)

Ngôi trường Tiểu học Minh Cầm trước kia toàn cấp bốn lụp xụp, đường đi khó khăn nhưng giờ đây đã được xây dựng khang trang hơn. (Ảnh: NVCC)

Môn Thể dục là một bộ môn khô khan, dễ máy móc, dập khuôn nên cô Tuyến thường tìm tòi các phương pháp để cho các em chủ động hơn. Trong những giờ học ngoài trời, cô thường tổ chức các trò chơi dân gian, tạo các nhóm để chúng hoạt động sôi nổi.

Trong những tiết học của môn Thể dục của cô Tuyến, Nguyễn Lan Phương (lớp 1A2, trường Tiểu học Minh Cầm) thường e dè, nhút nhát. Khi cô Tuyến bảo em tập động tác thì bạn nhỏ này lại đứng im. Thấy vậy, cô giáo đến ân cần nhắc nhở: “Em à, em nhìn cô nhảy và em nhảy theo nhé”.

Thấy học sinh tập theo mình, cô Tuyến không tiếc dành lời khen cho em. Dần dà về sau, cô bé tự tin và hòa đồng hơn.

Cô Tuyến được các em học sinh tổ chức sinh nhật. Bên cạnh công tác giảng dạy Thể dục, cô Tuyến còn đảm nhiệm quản lí Thư viện và mảng Y tế trong trường. (Ảnh: NVCC)

Cô Tuyến được các em học sinh tổ chức sinh nhật. Bên cạnh công tác giảng dạy Thể dục, cô Tuyến còn đảm nhiệm quản lí Thư viện và mảng Y tế trong trường. (Ảnh: NVCC)

Trong công tác, cô Tuyến nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên tiên tiến cấp trường, năm học 2013-2014 cô thi đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi cấp huyện”. Ba năm sau, có đợt thi tiếp nhưng do bệnh tật nên cô không tham gia được, khiến nữ giáo viên có phần tiếc nuối.

Nói về cuộc sống hiện tại, nữ giáo viên cho hay, sức khỏe của cô giờ cũng đã tạm ổn định khi bệnh tình thuyên giảm, còn cậu con trai thì dù 12 tuổi nhưng chưa đi học do hay ốm đau. Căn nhà sàn ba gian hai chái lụp xụp khi xưa cũng được xây mới bằng căn nhà bê tông một tầng, từ tiền gia đình vay mượn, người thân hỗ trợ.

“Tương lai, tôi cũng mong muốn làm sao bản thân có sức khỏe để nuôi dạy con cái, hoàn thành tốt mọi công việc nhà trường giao phó”, cô Tuyến chia sẻ.

Mạnh Đoàn