Cặp song sinh cùng đoạt giải nhất Vật lý quốc gia quyết "tách" nhau ở đại học

24/09/2020 06:35
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù mỗi người một trường nhưng chúng em tin chỉ cần đam mê và nỗ lực thì sẽ có được thành công và vẫn có thể hỗ trợ tốt cho nhau trong tương lai.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020, một số thầy cô, học sinh điển hình đã chia sẻ những bí quyết giúp họ đạt được thành tích đáng tự hào, đáng cảm phục trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trong học tập.

Cặp song sinh nổi tiếng Tống Phước Thanh Bình và Tống Phước Thanh An, học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường Chuyên Quốc học Huế chia sẻ: Khi gặp những vấn đề khó, hai anh em thường trao đổi với nhau, cùng đi sâu, tìm hiểu và cùng giải quyết cho bằng được. Sau mỗi lần như thế thì hai anh em sẽ tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích.

Hơn nữa, việc là anh em sinh đôi có nhiều lợi thế giúp cho chúng em không chỉ là anh em mà còn là đôi bạn học. Mỗi người có một thế mạnh riêng và bổ sung cho nhau.

"Có những ngày hè, chúng em học đến 2 giờ sáng nhưng vẫn thấy rất vui và hạnh phúc bởi đối với chúng em đó không phải là việc học căng thẳng mà đó là việc đắm mình trong tìm tòi và nghiên cứu khoa học", Thanh An nói.

Cặp song sinh nổi tiếng Tống Phước Thanh Bình và Tống Phước Thanh An, học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường Chuyên Quốc học Huế (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Cặp song sinh nổi tiếng Tống Phước Thanh Bình và Tống Phước Thanh An, học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường Chuyên Quốc học Huế (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đồng hành cùng nhau 12 năm phổ thông, sắp tới, hai anh em dự định sẽ “tách nhau” trên giảng đường đại học. Nếu như người anh Thanh Bình ước mơ học tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì Thanh An lại mong muốn học tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh An cho rằng: "Dù mỗi người một trường nhưng chúng em tin chỉ cần đam mê và nỗ lực thì sẽ có được thành công và vẫn có thể hỗ trợ tốt cho nhau trong tương lai".

Được biết, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Trung học phổ thông cấp quốc gia năm học 2018-2019, Thanh Bình đạt giải nhất và Thanh An đoạt giải nhì quốc gia môn Vật lý. Hai anh em Tống Phước Thanh Bình và Tống Phước Thanh An đã có hai năm liên tiếp giành giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Đến năm học 2019-2020, cả hai anh em đều đoạt giải nhất với số điểm thi khá cao. Bình đạt 25,6 điểm xếp thứ 2 và An được 23,6 xếp thứ 8 toàn quốc. Hai anh em cũng có thành tích học tập ở các môn khác rất đáng khâm phục, luôn đạt học sinh giỏi với điểm tổng kết hàng năm đều trên 9,0. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hai anh em.

Cũng là một trong những gương mặt nổi bật tại Đại hội thi đua ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) tạo điểm nhấn trong hoạt động dạy và học khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.

Cô Thu Anh chia sẻ: "Từ năm học 2018 – 2019, nhà trường đã tổ chức tập huấn phương pháp dạy học này. Ban đầu, nhà trường cũng gặp một số khó khăn nhất định, nhất là với đội ngũ giáo viên lớn tuổi. Nhưng với sự hỗ trợ đắc lực của Ban giám hiệu và đồng nghiệp thì các thấy, cô đã vượt qua và thích ứng tốt".

Theo cô Thu Anh, để vượt qua khó khăn, bên cạnh sự hỗ trợ lẫn nhau thì rất cần nỗ lực vượt lên chính mình của mỗi giáo viên. Chính những yếu tố này đã giúp Trường vượt qua khó khăn ban đầu khi thực hiện dạy học trực tuyến.

"Khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhà trường đã bắt tay vào thực hiện dạy học online. Ban đầu, chúng tôi quay video, sau đó để thầy – trò cùng tương tác. Sau 1 tuần, nhận thấy dịch Covid-19 có những dấu hiệu phức tạp, nhà trường đã thực hiện dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu và chúng tôi đã làm được" - cô Thu Anh cho biết.

Theo cô Thu Anh, mỗi thầy cô cần chủ động đổi mới phương pháp dạy – học và đổi mới cách kiểm tra đánh giá. Điều quan trọng là thầy, cô truyền cảm hứng và động lực học tập cho học trò của mình, để các em biết cách học và tự học suốt đời.

Dưới góc độ của cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Khương (Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) lại nhận thấy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, mỗi giáo viên phải không ngừng nỗ lực vượt lên chính mình. Mỗi giáo viên cần xây dựng kế hoạch giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học, nhưng vẫn phải giữ được đặc thù của môn học.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Khương (Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) - Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Khương (Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) - Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Quá trình đổi mới phương pháp giáo dục, cô Nhung và các đồng nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường và các cấp quản lý giáo dục. Đặc biệt cô nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và học sinh nhiệt tình tham gia, thậm chí còn hỗ trợ tích cực giáo viên.

Thùy Linh