Câu chuyện của những “cử nhân nghiện”

06/08/2011 23:47
(GDVN) - “Nếu mọi người cho chúng tôi một cơ hội, nếu xã hội cho chúng tôi một con đường sống thì nhất định chúng tôi sẽ sống tốt.

(GDVN) - “Nếu mọi người cho chúng tôi một cơ hội, nếu xã hội cho chúng tôi một con đường sống thì nhất định chúng tôi sẽ sống tốt. Hãy cho chúng tôi một lối về !…”. Đó là những lời tâm sự một học viên ở Trung tâm  giáo dục lao động xã hội số 5 Hà Nội.

Cử nhân Luật nghiện ma túy

Câu chuyện giữa tôi và các học viên ở Trung tâm  giáo dục lao động xã hội số 5 trong một buổi chiều tập văn nghệ chuẩn bị cho ngày. Thế giới phòng chống ma túy được bắt đầu bằng câu hỏi của Nguyễn Ngọc D, rằng tôi vào đây có sợ không?. Sau những giây phút e dè, nghi kị, tôi đã được nghe những phận người từng quằn quại vì ma túy ấy vén bức màn che phủ cuộc đời mình.

 
Đã sắp hết thời hạn 2 năm ở Trung tâm giáo dục lao động xã hội để trở về với cuộc sống của một người bình thường, nhưng Phạm Vương Đ, người đàn ông 35 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng trước tan vỡ hạnh phúc gia đình chỉ vì chót đam mê “nàng tiên nâu”.
Không phải là tội phạm

"Đã đến lúc chúng ta cần đồng ý với nhau rằng Nghiện ma túy là một trạng thái bệnh mãn tính, gây ra bởi sự thay đổi lâu dài trong não sau một thời gian sử dụng ma túy. Như vậy, những con người này cần được điều trì lâu dài như các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính chứ không phải như những tội phạm khác".

(Đào Duy Quát, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Trích theo Triển lãm ảnh Đối mặt với ma túy từ 20-25/6 tại Hà Nội)
Với một người có bằng Cử nhân Luật, từng đảm nhận vai trò quan trọng trong một công ty lớn thì chuyện kiếm một việc làm, chí ít là để nuôi sống bản thân mình sẽ không có gì khó khăn. Anh Đ đau xót thốt lên: “Nhưng còn hạnh phúc gia đình, uy tín và danh dự của bản thân… Ma túy là một vết nhơ không thể nào tẩy rửa được”.

Anh kể, ngày anh bị cưỡng chế đưa vào Trung tâm, vợ anh đã lập tức làm đơn li hôn. Ngày anh đi, cô con gái bé bỏng của anh mới 3 tuổi, nay con đã 5 tuổi. Suốt hai năm ấy, anh đã không thể được nhìn thấy mặt con mình, không được nhìn con lớn lên. Cái hạnh phúc gia đình anh, xưa là niềm mơ ước của bao người thì nay chỉ còn lại niềm tiếc nuối khôn nguôi...

Ngừng lại câu chuyện buồn đời mình, anh Đ quay sang bên cạnh "khoe" với tôi anh bạn "đồng môn" tên Nguyễn Tiến Th: "Cùng học Đại học Luật với tôi đó, sau mấy khóa". Khác với anh Đ, dù đã 33 tuổi, anh Th chưa bao giờ có vợ để mà bị … vợ bỏ.
"Kể từ khi bị đuổi khỏi trường đại học vì nghiện ma túy khi đang là sinh viên năm thứ ba đến nay, tôi đã trôn vùi suốt 10 năm tuổi trẻ của mình ở các trại cải tạo, các trung tâm cai nghiện ma túy. Thời gian tôi sống ngoài xã hội quá ít, chẳng kịp làm cái gì thì đã lại phải đi" - anh Th tâm sự.

“Hãy cho chúng tôi một lối về…”

Theo chị Trần Thị Hương, cán bộ giáo dục của Trung tâm, có trường hợp, cả hai anh em, nhà ở Đan Phượng, Hà Nội, đều được đưa vào đây để cai nghiện. Bố mẹ của họ, người thì ở trại giam trong Thanh Hóa, người thì ở trại giam trên Thái Nguyên vì tội buôn bán ma túy.

Hay như trường hợp của cậu bé Nguyễn Ngọc D (22 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội) với khuôn mặt ngây tròn, vẫn chưa hết cái tính lém lỉnh rất trẻ con. D kể, bố mẹ em là công nhân nghỉ hưu. Anh trai em 33 tuổi nhưng đã nghiện ma túy gần hai chục năm nay. "Suốt tuổi thơ của em sống cùng với ma túy, đã hiểu hơn ai hết ma túy nó hủy hoại con người ta như thế nào. Anh trai em ra tù vào tội suốt.

Anh ấy đi tù 5 lần rồi. Em đã trải qua tuổi thơ và tuổi thiếu niên bồng bột mà không vướng vào ma túy. Nhưng cuối cùng, ở cái tuổi bắt đầu trưởng thành, phải tự chịu trách nhiệm với những việc làm của mình thì không hiểu sao em lại đâm đầu vào"

Học viên Trung tâm GDLĐXH 5 tập văn nghệ cho buổi mít tinh Ngày thế giới phòng chống ma túy
 Học viên Trung tâm GDLĐXH 5 tập văn nghệ cho buổi mít tinh
Ngày thế giới phòng chống ma túy
"Không bao giờ nghĩ là mình sẽ nghiện", Lê Xuân A (27 tuổi, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ. Hơn chục năm qua, dù đã đi qua rất nhiều các trung tâm cai nghiện từ tự nguyện đến bắt buộc, nhưng Xuân A vẫn chưa đoạn tuyệt được với "nàng tiên nâu". Vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 5 lần này, Xuân A lại một lần nữa nuôi hi vọng từ bỏ được ma túy và làm lại từ đầu.
"Như mình vẫn còn là hạnh phúc nên phải cố gắng thôi. Một người bạn của mình, anh Nguyễn Xuân H, cũng đang ở trong Trung tâm này còn thảm hơn nhiều. Bố mẹ H cũng chia tay nhau. Mẹ H buôn bán ma túy. Cả 3 mẹ con cùng nghiện. Nay mẹ và anh trai đều chết vì sida cả rồi, bố H cũng mới chết. Cả nhà chỉ còn lại một mình H thôi" - Xuân A ngậm ngùi kể.
Rời khỏi Trung tâm, men theo con đường gió bụi trở về, tôi mang theo hành trang nặng trĩu lời nhắn gửi như cầu xin của D: "Nếu mọi người cho chúng tôi một cơ hội, nếu xã hội cho chúng tôi một con đường sống thì nhất định chúng tôi sẽ sống tốt!"
Hoàng Hương

Nói về tỉ lệ tái nghiện rất cao, gần như 100% của các học viên sau khi ra khỏi các Trung tâm cai nghiện, anh Lê Nam, Phó phòng Quản lí giáo dục, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 5 cho biết, nguyên nhân là do việc quản lí sau cai đối với người nghiện ma túy trong cộng đồng quá lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình và chính quyền, đặc biệt là các cấp chính quyền cơ sở đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình như quy định của pháp luật.

Anh Nam cho biết, khoản 3, điều 37, Nghị định 94/2010/NĐ-CP về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng quy định trách nhiệm đối với UBND cấp xã, phường là tạo điều kiện cho người đã cai nghiện được học nghề, tìm việc làm, vay vốn, sản xuất, kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội, phòng, chống tái nghiện ma túy; huy động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. "Nhưng các phường, xã hiện nay đã chưa làm được điều này" - anh Nam khẳng định.