Chấm thi vào lớp 10, không để tuỳ tiện và sai sót

03/06/2019 06:33
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Chấm thi luôn được xem là một nhiệm vụ rất vất vả, nặng nề. Có một số giáo viên tình mọi cách né tránh, thoái thác, không tham gia công tác chấm thi.

LTS: Bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thầy giáo Trung Kiên nhấn mạnh đến công tác chấm thi và chỉ ra những lưu ý trong công tác này.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đầu tháng 6 này, các tỉnh, thành đồng loạt tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập.

Có trường tỉ lệ chọi rất cao, 30 thí sinh lấy 1 thí sinh. Nhiều thí sinh và phụ huynh không khỏi lo lắng, áp lực về kỳ thi tuyển chọn quan trọng này.

Công tác coi thi kết thúc, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành ngay khâu chấm thi, sớm có kết quả để cho các trường dựa vào đó tuyển sinh theo chỉ tiêu được phê duyệt của địa phương từ đầu năm học.

Không giống như kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia mấy năm nay, các môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn), kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các môn thi theo hình thức tự luận (trừ bài thi tổ hợp có nhiều môn).

Chấm thi luôn được xem là một nhiệm vụ rất vất vả, nặng nề. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Chấm thi luôn được xem là một nhiệm vụ rất vất vả, nặng nề. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Như vậy, các Sở Giáo dục và Đào tạo phải điều động một số lượng lớn thầy, cô giáo làm công việc chấm thi, nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hai địa phương có lượng thí sinh dự thi đông nhất.

Để việc đánh giá, thẩm định bài thi của thí sinh vào lớp 10 (nội dung, kiến thức tập trung ở chương trình lớp 9) được tốt nhất, sát nhất, các Sở Giáo dục và Đào tạo thường lấy giám khảo: 1 nửa giáo viên trung học phổ thông (nơi tuyển chọn) và 1 nửa giáo viên trung học cơ sở (nơi trực tiếp dạy học).

Chấm thi luôn được xem là một nhiệm vụ rất vất vả, nặng nề.

Có một số giáo viên tình mọi cách né tránh, thoái thác, không tham gia công tác chấm thi.

Chấm bài để phân loại, tuyển sinh nhiều lúc còn khó khăn, cân nhắc hơn chấm bài để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nếu chấm có sai sót hoặc cộng nhầm điểm (0,25 điểm) thôi, có thể làm mất đi cơ hội trúng tuyển của thí sinh này so với thí sinh khác.

Thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội nộp đơn phúc khảo ở đâu?

Do đó, các trường (gửi danh sách đề nghị lên) Sở Giáo dục và Đào tạo cần lựa chọn những thầy cô giáo chuyên môn thật tốt, luôn cẩn trọng trong thẩm định, soi xét từng bài thi của thí sinh.

Quy trình chấm thi các môn tự luận ở tuyển sinh vào lớp 10 cũng tương tự như quy trình chấm thi trung học phổ thông Quốc gia: thảo luận hướng dẫn chấm, tổ chức chấm chung, chấm 2 vòng độc lập, thống nhất điểm…

Từng đi chấm thi tuyển sinh vào lớp 10, tôi nhận thấy: có những tổ trưởng, tổ phó tổ chấm quản lý, điều hành giám khảo, phiếu điểm không tốt, dẫn đến tình trạng các giám khảo “thông đồng” với nhau, giám khảo chấm vòng 2 chấm sơ sài, chủ yếu sang điểm của giám khảo chấm vòng 1 từ phiếu điểm có sẵn hoặc giám khảo chấm vòng 1 tự ý ghi điểm thành phần vào trong bài làm của thí sinh, với mục đích chấm cho nhanh, về nghỉ sớm.

Như vậy, một bài thi thay vì chấm 2 vòng độc lập theo quy chế thì thực tế chỉ có chấm một vòng duy nhất.

Chắc chắn một bài thi chỉ có một người chấm sẽ không có độ chính xác, tin cậy cao bằng một bài thi có đầy đủ hai người chấm.

Mặt khác, một số giám khảo rất tùy tiện trong chấm bài, cứ cho mình là tài, giỏi, không tuân thủ theo đáp án, biên bản thống nhất chấm của tổ, nhóm chấm dẫn tới thiếu công bằng, chệch điểm bài thi giữa thí sinh này với thí sinh nọ.

Khi thống nhất điểm, giám khảo ấy lấy ý chí, quan điểm của mình áp đặt lên giám khảo kia.

Giám khảo kia vì nể nang, vì non lập luận, lý lẽ nên cứ theo điểm của giám khảo ấy.

Thí sinh phúc khảo bài thi nhiều cũng thường xuất phát từ những lỏng lẻo, tùy tiện của tổ chấm, giám khảo chấm nêu trên.

Hội đồng chấm thi cần được quản lý chặt chẽ, điều hành sát sao, xử lý nghiêm những trường hợp tổ chấm, giám khảo thực hiện sai quy trình, không tuân thủ chấm 2 vòng độc lập, những giám khảo thiếu trách nhiệm, chấm thi một cách tùy tiện, để xảy ra nhiều sai sót.

KIÊN TRUNG