Chern – hình mẫu của Ngô Bảo Châu – là ai?

22/04/2011 01:11
(GDVN) - Trần Tỉnh Thân và Ngô Bảo Châu cùng trở thành GS của ĐH Chicago ở tuổi 38 và cùng có ảnh hưởng mạnh tới sự phát triển của toán học hiện đại.


(GDVN) – Mới đây, trong cuộc đối thoại đăng trên tạp chí The Mathematical Intelligencer (Mỹ), GS người Mỹ Neal Koblitz nhận định rằng, Giáo sư Châu là “Shiing-Shen Chern (Trần Tỉnh Thân) của Việt Nam”, thì chủ nhân giải Fields 2010 đã chối khéo bằng cách đưa ra nhận xét rằng đó chỉ là một sự tâng bốc: “Chern là một hình mẫu để tôi noi theo”. Vậy, Chern là ai? GDVN xin giới thiệu sơ lược về con người này.

>>Toàn văn đối thoại GS Châu: Đại học VN không đủ giáo sư giỏi

>>GS Ngô Bảo Châu và GS Mỹ: VN dạy toán xa vời thực tế

>>Thầy Đại phản biện học trò Ngô Bảo Châu về toán học

Xin nói thêm, giữa Trần Tỉnh Thân và Ngô Bảo Châu có khá nhiều điểm tương đồng, cùng là những nhà khoa học châu Á làm việc ở Mỹ, trung tâm của toán học thế giới, cùng trở thành Giáo sư của đại học Chicago ở tuổi 38 và nghiên cứu của họ cùng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của toán học hiện đại.

Trần Tỉnh Thân (26/10/1911 - 3/12/2004), nhà toán học người Mỹ, gốc Hoa được xem là người khai phá hình học vi phân, một lĩnh vực quan trọng của toán học hiện đại. Và một cách không chính thức, ông được xem là nhà toán học Trung Quốc lỗi lạc nhất mọi thời đại, dù ông chưa từng được trao giải thưởng Fields (khi tài năng vào độ chín thì ông Thân đã quá 40 tuổi, không đủ điều kiện nhận giải).

Hiện nay, tên ông được dùng để đặt cho một giải thưởng danh giá của toán học thế giới - Huy chương Chern và một tiểu hành tinh trong hệ mặt trời.  Ông Thân còn được Tổng thống Mỹ Gerald Ford trao tặng giải thưởng nhà nước về khoa học. Hiệp hội toán học thế giới (IMU) đã lập ra huy chương Chern, được trao 4 năm một lần trong các kỳ đại hội toán học thế giới (ICM), nó giống như một giải thành tựu trọn đời, được trao cho các nhà toán học có nhiều cống hiến cho toán học thế giới trong một thời gian dài.
 

Huy chương Chern, giải thưởng danh giá có mức thưởng lên tới nửa triệu USD.

Ngoài ra, hội toán học Trung Quốc cũng sáng lập ra giải thưởng Trần Tỉnh Thân để tri ân những đóng góp của nhà toán học này.

Ông là một trong số những viện sĩ đầu tiên của viện hàm lâm Trung Quốc và từng làm phó chủ tịch hội toán học Mỹ. Giáo sư Thân còn là người thành lập và chủ tịch đầu tiên của viện nghiên cứu khoa học toán học (MSRI), nay là một trong số những viện nghiên cứu toán học lớn nhất trên thế giới.

Hành trình tung hành trời Âu của ông

Giáo sư Thân sinh tại Gia Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc,  tốt nghiệp trường trung học Tú Thủy, theo học ngành toán học tại đại học Nam Khai, ngôi trường từng đào tạo ra những thiên tài như Chu Ân Lai, Tào Ngu… Sau khi tốt nghiệp đại học, ông chuyển tới Bắc Bình (nay là thủ đô Bắc Kinh) để giảng dạy toán học tại đại học Thanh Hoa trong vai trò một trợ giảng và theo học cao học ngành hình học vi phân ở cùng trường. Năm 1932, Trần Tỉnh Thân công bố bài báo khoa học đầu tiên trên tờ báo của đại học Thanh Hoa. Hè 1934, ông nhận bằng thạc sĩ.

Năm 1932, Giáo sư Wilhelm Blaschke từ đại học Hamburg tới thăm đại học Thanh Hoa, ấn tượng mạnh với Trần Tỉnh Thân và những nghiên cứu của nhà toán học trẻ này. Chính Blaschke là người đưa Thân tới Đức và tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp của ông.

Tại Đức, Ông theo học tại đại học Hamburg và nghiên cứu về lý thuyết Cartan-Kähler dưới sự hướng dẫn của Blaschke. Tháng 2/1936, ông nhận bằng tiến sĩ. Giáo sư Blaschke tiến cử ông tới Paris làm nghiên cứu.

Tháng 7/1943, Giáo sư Thân tới Mỹ làm việc tại viên nghiên cứu cao cấp (IAS) ở Princeton trong một lớp đặc biệt về hình học vi phân. Không lâu sau đó, Solomon Lefschetz, một chuyên gia Topo đại số mời ông tham gia biên tập cho Annals of Mathematics, tạp chí toán học danh tiếng bậc nhất thế giới.
 

Trần Tỉnh Thân - nhà toán học lão thành của Trung Quốc.
Trần Tỉnh Thân - nhà toán học lão thành của Trung Quốc.

Giáo sư Thân trở lại Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1946. Ông tới Thượng Hải để giúp đỡ thành lập viện nghiên cứu trung ương (nay là viện hàn lâm khoa học Trung Quốc). Viện này sau đó được dời tới Nam Kinh. Trần Tỉnh Thân là quyền chủ tịch của viện.

Năm 1948, Giáo sư Thân được bầu là một trong số những viện sĩ đầu tiên của viện nghiên cứu trung ương. Ông là viện sĩ trẻ nhất được chọn (mới 37 tuổi).

Năm 1949, Giáo sư Thân trở lại Mỹ, tiếp tục làm việc tại IAS và trở thành Giáo sư toán tại đại học Chicago. Ông chuyển tới đại học California, Berkeley vào 1960 và làm việc tại đây cho tới khi nghỉ hưu. Năm 1961, Thân trở thành công dân Mỹ và trở thành viện sĩ viện hàn lâm khoa học Mỹ. 3 năm sau, ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch hội toán học Mỹ (AMS).

Năm 1981, Thân nghỉ việc ở đại học California, Berkeley và lập ra viện nghiên cứu khoa học toán học (MSRI), giữ chức chủ tịch viện cho tới năm 1984. Sau đó, ông là chủ tịch danh dự của viện. MSRI hiện nay là một trong số những viện nghiên cứu toán học lớn nhất trên thế giới.
 

Trở về để phát triển toán học Trung Quốc

Trần Tỉnh Thân còn là người sáng lập viện toán học Nam Khai, tại đại học Nam Khai ở Thiên Tân. Viện chính thức thành lập vào năm 1984 và mở cửa một năm sau đó. Năm 2004, khi Giáo sư Thân qua đời, viện được đổi tên thành viện toán học Chern để tưởng nhớ ông.

Trần Tỉnh Thân còn là cố vấn thành lập một trung tâm nghiên cứu toán học ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), dưới sự bảo trợ của đại học Đài Loan, đại học Thanh Hoa và viện toán học Trung Quốc. Ông còn là giám đốc và cố vấn trung tâm nghiên cứu toán học tại đại học Chiết Giang ở Hàng Châu.

Từ năm 2000 cho tới khi mất, Giáo sư Thân sinh sống tại Thiên Tân. Ông qua đời năm 2004 ở tuổi 93 vì chứng suy tim.

Trần Tỉnh Thân tại Berkeley năm 1977.
Trần Tỉnh Thân tại Berkeley năm 1977.

Nghiên cứu của Thân trải dài trên nhiều địa hạt của hình học vi phân, với nhiều thành tựu quan trọng như lý thuyết Chern-Simons (viết chung với Jim Simons năm 1974), lý thuyết Chern-Weil (1944), các lớp Chern... Ông công bố các kết quả nghiên cứu trong hình học tích phân, lý thuyết các hàm giải tích, và các đa tạp con cực tiểu.

Trần Tỉnh Thân là người kế vị Élie Cartan nghiên cứu lý thuyết tương đương trong thời gian ở Trung Quốc (từ 1937 tới 1943). Năm 1954, ông đưa ra một phương pháp riêng để giải quyết bài toán về nhóm giả trong lý thuyết hình học Cartan. Những năm cuối đời, ông nghiên cứu hình học Finsler, viết nhiều cuốn sách và nhiều bài báo về lĩnh vực này.

Trong cuộc đời hoạt động khoa học của mình, thầy Thân đã nhận được rất nhiều giải thưởng và nhiều vinh dự khác, bao gồm:

* 1970, giải Chauvenet, của hội toán học Mỹ
* 1975, giải thưởng khoa học nhà nước Mỹ, do tổng thống Mỹ tặng
* 1982, giải Humboldt, của Đức
* 1983, giải Leroy P. Steele, của hội toán học Mỹ
* 1984, giải Wolf về toán học, do Quỹ Wolf tặng
* 2002, huy chương Lobachevsky
* 2004, giải Shaw trong toán học, của Hong Kong (Trung Quốc)
* 1948, trở thành viện sĩ viện nghiên cứu trung ương Trung Quốc
* 1950, trở thành hội viên danh dự của hội toán học Ấn Độ
* 1961, trở thành viện sĩ viện sĩ viện hàn lâm quốc gia Mỹ
* 1963, trở thành thành viên viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật Mỹ
* 1971, trở thành thành viên viện hàn lâm khoa học Brazil
* 1983, trở thành viện sĩ viện hàn lâm khoa học thế giới thứ ba
* 1985, trở thành thành viên nước ngoài hội hoàng gia London, Anh
* 1986, trở thành hội viên danh dự hội toán học London, Anh
* 1986, trở thành viện sĩ viện Academia Peloritana, Messina, Sicily, Italia
* 1987, trở thành viện sĩ danh dự viện hàn lâm khoa học New York
* 1989, trở thành viện sĩ ngoại quốc viện hàn lâm Lincei, Italia
* 1989, trở thành viện sĩ ngoại quốc viện hàn lâm khoa học Pháp
* 1989, trở thành thành viên hội triết học Mỹ
* 1994, trở thành viện sĩ viện hàn lâm khoa học Trung Quốc

Nguyễn Đỉnh