GS Đào Trọng Thi:

“Chính sách hiện nay không thu hút được người giỏi vào ngành Sư phạm"

20/08/2013 07:59
Ngọc Quang
(GDVN) - "Trong khi nhà nước áp dụng chính sách ưu tiên miễn học phí đối với sinh viên sư phạm thì nhiều sinh viên tốt nghiệp lại không tìm được việc làm trong ngành giáo dục, kể cả các sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo sư phạm có uy tín, đó là một bất cập... vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng GV tại một số địa phương, gây bất bình trong dư luận".
Trong những năm gần đây, ngành sư phạm đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng, đó là hầu như không tuyển trọn được người tài. Rất nhiều cơ sở đào tạo lấy đầu vào chỉ bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn điểm sàn, và câu hỏi phải đặt ra lúc này là: Tương lai của đất nước sẽ đi về đâu khi mà ngành sư phạm – cái nôi đào tạo con người lại bị tụt dốc thảm hại như vậy? Tuần vừa qua, trong một báo cáo gửi tới Ủy ban thường Vụ Quốc hội, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng một lần nữa đã nhắc lại vấn đề nan giải này.
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Chính sách không đủ sức thu hút người tài
GS Đào Trọng Thi đánh giá, chế độ, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo đã có những tiến bộ, song chưa đủ sức thu hút những người giỏi làm nghề dạy học. Chế độ tiền lương và phụ cấp theo lương của GV đã được cải thiện một bước, cơ bản phù hợp với hệ thống tổ chức, biên chế của ngành. Trình độ đào tạo của GV được xem là một căn cứ quan trọng để xếp ngạch, bậc lương; do đó đã có tác động tích cực trong việc động viên, khuyến khích GV học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, đội ngũ GV trực tiếp giảng dạy còn được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đứng lớp, phụ cấp thâm niên nghề; GV tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt được hưởng thêm chế độ phụ cấp trách nhiệm. GV được điều động làm cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) được bảo lưu phụ cấp đứng lớp trong thời gian 3 năm. Nhà nước cũng đã có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà giáo ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Tuy vậy, chính sách đãi ngộ đối với GV còn chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh nên chưa đủ sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục. “Tiền lương là nguồn thu nhập duy nhất của GV nên cùng với quá trình lạm phát, giá trị thu nhập thực tế qua lương của đại bộ phận GV còn thấp; cơ chế chi trả lương, nâng lương đối với GV chưa thực sự gắn với hiệu quả công việc và chưa đảm bảo việc chăm lo chu đáo về đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ GV; hầu hết CBQLGD các cấp vốn là những nhà giáo giỏi được điều động, bổ nhiệm từ các cơ sở giáo dục nhưng lại không được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt của ngành, nên phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn nhiều so với khi còn là GV. Những bất cập đó trong chính sách đối với CBQLGD đã ảnh hưởng đến đời sống và sự yên tâm, gắn bó với sự nghiệp giáo dục của cán bộ”, GS Thi chỉ rõ. Về những hạn chế, bất cập của đội ngũ GV và CBQLGD có những nguyên nhân khách quan là do điều kiện KT-XH của đất nước còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho phát triển giáo dục nói chung và phát triển nguồn nhân lực của ngành nói riêng còn hạn chế; lương và các khoản phụ cấp của GV và CBQLGD còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, khiến cho đội ngũ này chưa yên tâm công tác và nỗ lực vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó có những nguyên nhân chủ quan là công tác quản lý chậm đổi mới, việc thực hiện các chế độ chính sách đối với nhà giáo và CBQLGD thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, ĐT-BD và phát triển đội ngũ chưa thật sự được chú trọng; đặc biệt chưa có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút người giỏi tham gia vào sự nghiệp giáo dục; chưa có cơ chế ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm được tuyển dụng làm GV tại các cơ sở GDPT. GS Đào Trọng Thi cũng thẳng thắn đề cập tới công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập do công tác dự báo, quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông (GDPT) nói chung, quy hoạch phát triển đội ngũ GV nói riêng chưa tốt. Ông nói: “Trong khi nhà nước áp dụng chính sách ưu tiên miễn học phí đối với sinh viên sư phạm thì nhiều sinh viên tốt nghiệp lại không tìm được việc làm trong ngành giáo dục, kể cả các sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo sư phạm có uy tín, đó là một bất cập. Nội dung, hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển chưa thực chất và chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động sư phạm đã làm hạn chế khả năng lựa chọn được những GV tốt nhất. Cách tính điểm và thang điểm ưu tiên trong tuyển dụng GV còn chưa hợp lý. Việc phân cấp trong công tác tuyển dụng ở nhiều địa phương chưa phù hợp; vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng GV ở một số địa phương, cơ sở giáo dục, gây bất bình trong dư luận xã hội”.
Khi đăng ký tuyển dụng làm giáo viên, chị Dương Thị Ánh đã nhiều lần bật khóc vì những kiểu xét tuyển "trên trời" của địa phương.
Khi đăng ký tuyển dụng làm giáo viên, chị Dương Thị Ánh đã nhiều lần bật khóc vì những kiểu xét tuyển "trên trời" của địa phương.
>> Bấm đây xem bài Sở Giáo dục Vĩnh Phúc bẻ cong Nghị định của Chính phủ
Bất cập trong tuyển chọn và đào tạo của ngành sư phạm Theo GS Đào Trọng Thi, công tác quy hoạch, đào tạo bồi dường (ĐT-BD) và phát triển đội ngũ GV đã được Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành chiến lược phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020, quy hoạch nhân lực ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020. UBND các tỉnh, thành phố cũng đã rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ GV và CBQLGD của địa phương, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, ĐT-BD nhằm nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ này. Tuy vậy, công tác quy hoạch, ĐT-BD đội ngũ GV và CBQLGD còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng GV còn hạn chế, quan hệ giữa chính sách phát triển đội ngũ GV với nhu cầu sử dụng của từng địa phương, vùng miền còn bất cập. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo của các trường, khoa sư phạm, nhất là hệ không chính quy, nói chung còn thấp và không đồng đều. Việc đánh giá kết quả học tập chưa phản ánh đúng năng lực thực chất của người học. Chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo sư phạm còn lạc hậu, chưa được thường xuyên cập nhật, thiếu gắn kết với quá trình giáo dục ở trường phổ thông, chưa chú trọng đúng mức việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập sư phạm. Cơ sở vật chất của nhiều trường sư phạm còn lạc hậu; phương pháp giảng dạy còn nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng phát triển năng lực tư duy cho người học. Đặc biệt trong quá trình đổi mới CT-SGK, các trường sư phạm chưa chủ động vào cuộc, chưa đi trước một bước trong việc đào tạo, đào tạo lại GV để  đáp ứng kịp thời yêu cầu của CT-SGK mới. GS Thi chỉ rõ: “Chất lượng tuyển sinh đầu vào hiện nay của phần lớn các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước đang giảm sút, nhiều cơ sở đào tạo tương đối dễ dãi trong việc đánh giá, cho điểm sinh viên nên kết quả học tập  không phản ánh thực chất năng lực của người học. Một số chuyên ngành đào tạo của không ít trường đào tạo sư phạm lấy điểm đầu vào chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn tối thiểu không đáng kể”. Ngoài ra, do không được quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm ở địa phương đã được chuyển thành mô hình trường đa ngành, đào tạo thêm các ngành kinh tế, kỹ thuật khác nhằm thu hút thêm các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để tăng cường cơ sở vật chất- kỹ thuật và cải thiện thu nhập cho cán bộ, giảng viên. Vì vậy, nhiệm vụ đào GV không còn được coi là trọng tâm, chất lượng đào tạo GV ngày càng giảm sút và ngay cả công tác bồi dưỡng giáo viên hàng năm nhiều địa phương cũng thực hiện không tốt.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi.
Ngọc Quang