Cho phép học sinh dùng điện thoại để phục vụ học tập là phù hợp với xu thế

21/09/2020 14:31
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để khai thác tư liệu phục vụ học tập thì trách nhiệm của ban giám hiệu và giáo viên sẽ nặng nề hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có quy định nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học.

Trước đó theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, học sinh bị cấm dùng điện thoại di động, máy nghe nhạc trong giờ học dưới mọi hình thức. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cấm học sinh không được dùng điện thoại trong lớp là cứng nhắc, cần thay đổi.

Tuy nhiên cũng cần quy định cụ thể, khi nào các em được dùng, dùng vào mục đích gì. Quy định này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các học sinh, phụ huynh và các chuyên gia giáo dục.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết: “Đây là quan điểm rất hay, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

Trước thực trạng đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên được quyền cho phép học sinh sử dụng thiết bị di động truy cập tìm kiếm tư liệu, tham gia tương tác, thậm chí là kiểm tra trực tuyến trên lớp... đây là một cách làm phù hợp với xu thế của thời đại.

Tại trường chúng tôi, thông thường đầu giờ học, học sinh được giáo dục tự giác để điện thoại vào tủ, cuối giờ mới nhận lại để đảm bảo tập trung cho học tập và các em cũng rất tự giác chấp hành.

Việc này xuất phát từ thực tế là không thể cấm các em mang điện thoại đến trường được, như vậy là quá cứng nhắc và đây cũng là tài sản của học sinh.

Từ năm học trước, trường chúng tôi đổi mới phương pháp dạy học thì có một vài tiết giáo viên tích hợp tương tác bằng thiết bị cầm tay qua những phần mềm trắc nghiệm trực tuyến.

Giáo viên cho phần mềm có mã quét, học sinh nhập tên của mình vào để thực hiện trắc nghiệm trực tuyến tại lớp. Việc tương tác này tăng khả năng về mặt kiểm tra đánh giá tại lớp của giáo viên đối với học sinh.

Giờ đây lại có Thông tư hướng dẫn của Bộ cho phép học sinh dùng điện thoại thông minh trong tiết học để tìm kiếm học liệu thì theo tôi tính phù hợp rất là cao khi áp dụng, phát triển kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy và học tập.

Về chủ trương là rất rốt, còn câu chuyện triển khai và quản lý có hiệu quả mới là điều cần phải bàn”.

Theo thầy Cường: “Hiện nay không phải lớp nào cũng 100% học sinh có điện thoại thông minh, nên việc đầu tiên là ta phải tạo bước tuyên truyền cho cha mẹ học sinh hiểu được các con được dùng điện thoại trong lớp để phục vụ vấn đề gì.

Mục đích để các con tìm kiếm học liệu phục vụ cho bài giảng, hoặc các con tham gia tương tác trong các tiết học mà giáo viên sử dụng các trang tương tác và học sinh có thể sử dụng thiết bị cầm tay, hoặc kiểm tra trực tuyến nhưng dưới sự giám sát trực tiếp của giáo viên”.

Thông tư 26 mới ra đời có vấn đề liên quan đến kiểm tra, đánh giá không chỉ là trực tiếp, mà còn có thể trực tuyến. Vậy nên cũng là một phần để giáo viên trải nghiệm vấn đề đó.

Tuy nhiên cần phải có sự phối hợp, phải có một kênh giữa giáo viên và cha mẹ học sinh về việc thông báo. Ví dụ kế hoạch trong tuần này, tiết này là giáo viên sẽ cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh với mục đích làm gì?

Trong tiết học cần những thiết bị cầm tay để kiểm tra đánh giá thì rất cần sự phối hợp của cha mẹ học sinh tạo điều kiện cho con có được thiết bị.

Tiếp nữa là việc giáo dục trực tiếp của giáo viên đối với học sinh, việc sử dụng thiết bị di động trong giờ học thì nên sử dụng thế nào cho hiệu quả? Vì nếu không biết cách sử dụng sẽ bị ảnh hưởng bởi những trang web độc hại.

Cần phải có quan điểm rõ là dùng thế nào và thật cụ thể, không thể cả một tiết học mà tất cả học sinh cùng cầm điện thoại thông minh, việc này đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng cũng như trách nhiệm rất cao.

Phải quy trách nhiệm cho giáo viên vì họ là những người trực tiếp cho phép các em sử dụng điện thoại trong giờ dạy của mình. Vậy nên giáo viên phải có trách nhiệm rất cao để bảo vệ học sinh của mình trước hàng triệu thông tin trên mạng.

Phải hướng dẫn học sinh sử dụng đúng mục đích, trong khoảng thời gian nhất định, có hiệu quả chứ không phải là tự do sử dụng tùy tiện, việc này phải rất rõ và cụ thể. Mục đích phải là phục vụ việc học tập chứ không thể có mục đích gì khác”.

Theo thầy Cường: “Khi cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ giờ học thì trách nhiệm của ban giám hiệu và giáo viên sẽ nặng nề hơn.

Thứ nhất cần phải thông tin rõ quy định, thứ hai phải hướng dẫn học sinh, tuyên truyền để các em hiểu rõ mục đích.

Ví dụ giáo viên môn Toán cần phải hướng dẫn để các em hiểu được trong tiết dạy của mình thì sẽ có những tiết học nào cho phép các con sử dụng điện thoại thông minh và để phục vụ mục đích gì.

Những tiết học như vậy cần được thông báo trước để học sinh nắm bắt được cũng như chuẩn bị thiết bị sẵn sàng.

Khi học sinh thực hiện thì các bước thực hiện là gì, chế độ truy cập vào đâu, tìm hiểu ra sao và sẽ có nguy cơ diễn ra sự việc hay tình huống không đáng có thế nào trong khi thực hiện.

Còn đối với những học sinh thực hiện không đúng hoặc cố tình làm sai thì cũng phải có chế tài để nhắc nhở”.

Theo thầy Cường: "Thông tư đưa ra thì rất là tốt, và trước khi thực hiện thì các nhà trường nên có chuẩn bị thật kỹ những việc xung quanh, hỗ trợ một cách chu đáo, cụ thể thì tôi nghĩ việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để phục vụ việc học tập sẽ không có vấn đề gì xấu xảy ra”. Ảnh minh họa: KH.

Theo thầy Cường: "Thông tư đưa ra thì rất là tốt, và trước khi thực hiện thì các nhà trường nên có chuẩn bị thật kỹ những việc xung quanh, hỗ trợ một cách chu đáo, cụ thể thì tôi nghĩ việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để phục vụ việc học tập sẽ không có vấn đề gì xấu xảy ra”. Ảnh minh họa: KH.

Thầy Cường nhấn mạnh: “Để thực hiện tốt được việc này thì rất cần quan điểm ủng hộ của ban giám hiệu, cũng như giáo viên trong nhà trường tuyên truyền về vấn đề đó.

Rồi phải có những biện pháp bảo vệ học sinh khi các em truy cập vào những trang web không lành mạnh. Đây là trách nhiệm rất lớn của ban giám hiệu cũng như các giáo viên trong việc hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.

Ngoài ra trách nhiệm của cha mẹ học sinh khi giáo dục con mình cũng không thể bỏ qua, vậy nên cộng đồng nhà trường, cha mẹ và các em học sinh phải phối hợp tốt với nhau, đưa ra quy tắc chung.

Thông tư đưa ra thì rất là tốt, và trước khi thực hiện thì các nhà trường nên có chuẩn bị thật kỹ những việc xung quanh, hỗ trợ một cách chu đáo, cụ thể thì tôi nghĩ việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để phục vụ việc học tập sẽ không có vấn đề gì xấu xảy ra”.

Nên cho dùng nhưng phải có quy định cụ thể

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ quan điểm khi trao đổi vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Điều chỉnh này của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phù hợp với thời công nghệ 4.0 đang phát triển như hiện nay.

Điện thoại di động ngày nay có thể được sử dụng như một phương tiện dạy học trong nhà trường. Tất nhiên, việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học vẫn cần có sự kiểm soát của giáo viên và chỉ phục vụ mục tiêu học tập.

Tôi thường xuyên theo dõi, tìm hiểu nền giáo dục ở các nước như Đức, Pháp... và ở Đức, học sinh bị cấm sử dụng điện thoại cá nhân trong giờ học. Nhưng học sinh được mang điện thoại đến trường và được sử dụng trong giờ học khi được phép của giáo viên.

Học sinh mang điện thoại vào lớp phải để chế độ im và cũng không được tự ý sử dụng trong lớp học. Trong giờ nghỉ, học sinh có quyền sử dụng điện thoại cá nhân.

Việc cấm sử dụng điện thoại một cách cứng nhắc không còn phù hợp nữa vì hiện nay điện thoại di động có thể được sử dụng như một phương tiện hữu ích trong học tập”.

Theo thầy Ngọc: “Việc mang và sử dụng điện thoại đến trường học ở Mỹ không bị cấm theo quy định của chính quyền liên bang, với lý do nhiều trường học tin rằng điện thoại sẽ là công cụ hữu hiệu giúp cho việc học tập.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học của Mỹ chỉ ra rằng phần lớn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ không phải để học mà để gửi tin nhắn cũng như đăng các dòng trạng thái lên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng học của học sinh”.

Thầy Ngọc nhấn mạnh: “Vậy vấn đề ở đây là các nhà trường cần có các biện pháp phù hợp để vừa đáp ứng mục tiêu dạy học vừa quản lý được việc sử dụng điện thoại của học sinh.

Cần có quy định rõ ràng lúc nào được dùng và dùng trong bao lâu, có sự kiểm soát của giáo viên khi sử dụng trong giờ học với mục đích phục vụ học tập.

Phổ biến cho học sinh và giáo viên cũng như yêu cầu học sinh nghiêm túc chấp hành và nếu làm tốt được những quy định thì tôi nghĩ không có gì đáng phải lo lắng”.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: "cần phân định rõ học sinh chỉ được dùng điện thoại trong giờ học nếu được giáo viên cho phép, đặc biệt phải dùng điện thoại vào mục đích học tập. Nếu học sinh lợi dụng để làm việc khác là vi phạm kỷ luật”.Ảnh: TP.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: "cần phân định rõ học sinh chỉ được dùng điện thoại trong giờ học nếu được giáo viên cho phép, đặc biệt phải dùng điện thoại vào mục đích học tập. Nếu học sinh lợi dụng để làm việc khác là vi phạm kỷ luật”.Ảnh: TP.

Đồng quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cho rằng: " Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất cởi mở khi đưa ra quy định này.

Hiện nay, sách giáo khoa không phải là phương tiện duy nhất, mà học sinh có thể học tập thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Vì vậy, chúng ta không nên cấm tuyệt đối học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Điện thoại thông minh có kết nối Internet sẽ bổ trợ rất nhiều cho học sinh trong học tập, giáo viên có thể hướng dẫn sử dụng các phần mềm về đồ họa, hình học hoặc các phần mềm học tiếng Anh...

Thông qua đó, các em có thể kết nối với nhiều bạn bè trong và ngoài nước để cùng nhau trao đổi trong học tập, phát triển năng lực cá nhân.

Tuy nhiên cần phân định rõ học sinh chỉ được dùng điện thoại trong giờ học nếu được giáo viên cho phép, đặc biệt phải dùng điện thoại vào mục đích học tập. Nếu học sinh lợi dụng để làm việc khác là vi phạm kỷ luật”.

Phụ huynh học sinh nghĩ gì?

Chị Linh, một phụ huynh ở Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm: “Thật ra tìm hiểu bài thầy cô có thể cho các con tìm hiểu trước ở nhà, khi đó các con thoải mái dùng Internet để tìm thông tin.

Trên lớp tôi nghĩ các con cần giao tiếp với nhau trực tiếp nhiều hơn, vận động nhiều hơn thay vì chăm chú vào điện thoại.

Thực tế hiện nay nhiều trường cho học sinh mang điện thoại đến trường nhưng chỉ dùng trong giờ ra chơi. Nhưng ra chơi các con chỉ chú ý đến điện thoại, tranh thủ vào mạng xã hội, tranh thủ bình luận, nhắn tin trên các hội nhóm mà quên sự giao tiếp với các bạn xung quanh.

Có nhiều trường hợp tôi biết khi nói chuyện trên mạng xã hội với nhóm lớp thì rất sôi nổi, nhưng khi cho phát biểu trực tiếp trước các bạn ở lớp thì lại không tự tin, không dám nói, nói rất nhỏ, thiếu hẳn kĩ năng giao tiếp cơ bản”.

Anh Nguyễn Vinh (Hà Nội) chia sẻ: “Theo ý kiến cá nhân tôi thì việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học thì cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ vì nếu không sẽ lợi bất cập hại.

Học sinh sử dụng điện thoại cho mục đích học tập có thể dẫn đến mất tập trung trong giờ học. Rất có thể học sinh sẽ ỷ lại và không còn tính tự giác tư duy, ghi nhớ bài giảng bởi thông tin trên mạng sẽ giải quyết tất cả khó khăn trong học tập, kiểm tra bài của học sinh.

Lạm dụng thiết bị công nghệ cũng dẫn đến giảm khả năng đào sâu suy nghĩ khi gặp vấn đề khó vì đã có sẵn công cụ tìm kiếm. Quy định mới cũng có thể dẫn đến việc khó kiểm soát gian lận khi kiểm tra, đạo văn.

Vậy nên theo tôi cần phải có những quy định chi tiết, cụ thể rõ ràng về việc cho các em học sinh dùng lúc nào và dùng như thế nào”.

Tùng Dương