Chuẩn bị cho con vào lớp 1 thế nào mới ổn, lời khuyên từ một cô giáo

23/06/2021 06:49
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trẻ vào lớp 1 có cần học trước không? Lời khuyên của người viết, trẻ cần được học trước. Tuy nhiên, học trước thế nào mới là điều quan trọng.

Ngay từ khi chưa nghỉ hè, giáo viên chúng tôi đã liên tục nhận được những lời đề nghị từ phụ huynh muốn gửi gắm cho con học trước lớp 1.

Nghỉ hè rồi, dịch Covid-19 bùng phát, vậy mà một ngày chúng tôi cũng phải tiếp biết bao cuộc điện thoại của một số phụ huynh (người quen, người lạ đủ cả) có mong muốn được gửi con đi học.

Học sinh lớp 1 (Ảnh P.T)

Học sinh lớp 1 (Ảnh P.T)

Tất cả phụ huynh đều có chung một lo lắng rằng, sách mới kiến thức nặng hơn nhiều sách cũ nên sợ không cho con học trước, qua năm con sẽ khó theo kịp chương trình.

Trong số những phụ huynh ấy, có phụ huynh muốn cho con học trước vì nghe đồn chương trình khó, sợ con thua thiệt bạn bè.

Nhưng có người nói mình đã sai lầm khi năm ngoái có con vào lớp 1 nhưng không cho đi học trước. Thế là, vào năm học sách mới cháu theo rất khó khăn. Dù đã học cả ngày trên trường, đêm về, ba mẹ thay nhau kèm cho con học tới khuya nhưng lên lớp cháu vẫn đọc khá chậm. Rút kinh nghiệm nên năm học này nhất định sẽ tìm giáo viên để dạy trước cho con.

Sách giáo khoa mới kiến thức có nặng hơn sách giáo khoa hiện hành?

Nếu so nội dung kiến thức cần đạt của sách giáo khoa lớp 1 mới với sách giáo khoa lớp 1 hiện hành quả thật kiến thức mới nặng hơn khá nhiều. Nếu như trước đây, học sinh lớp 1 mỗi ngày học từ 1 đến 2 âm vần thì sách mới phải học từ 2, 3 thậm chí đến 4 âm vần.

Nếu như chương trình hiện hành, cuối học kỳ 2 học sinh lớp 1 còn đang được nhìn chép thì ở chương trình mới các em đã phải nghe viết từ giữa học kỳ 1. Dung lượng bài đọc của học sinh lớp 1 hiện hành yêu cầu 80 chữ thì sách mới đã tăng lên 130 chữ.

Bởi thế, những bài tập đọc của học sinh chương trình mới thường dài lê thê. Đây là một thách thức không chỉ đối với học sinh mà còn đối với cả giáo viên giảng dạy. Và trong thực tế một năm học áp dụng chương trình mới đối với học sinh lớp 1 vừa qua, đã cho thấy cả cô và trò đều rất vất vả trong việc dạy và học.

Có nên cho trẻ học trước lớp 1?

Nếu hỏi các chuyên gia giáo dục, các nhà tâm lý rằng: “Có nên cho trẻ học trước lớp 1 không?” chúng ta sẽ nhận được khá nhiều lời khuyên rằng phụ huynh không nên chạy đua, cho trẻ học chữ, luyện viết trước khi vào lớp 1 sẽ làm trẻ mất hứng thú khi vào học chính thức.

Quy định đúng 6 tuổi trẻ mới bước vào lớp 1 có cơ sở khoa học về việc phát triển của trẻ. Khi đó, xương bàn tay của trẻ đủ cứng để cầm bút, luyện viết. Nếu phụ huynh cho trẻ đi học quá sớm không khác nào ép trái cây chín non…

Từ thực tế chúng tôi đã giảng dạy, nếu trẻ chưa biết gì mà vào học lớp 1 chương trình mới sẽ là một khó khăn lớn cho cả giáo viên và học sinh. Lời khuyên của người viết, trẻ cần được học trước. Tuy nhiên, học trước thế nào mới là điều quan trọng.

Có nhất thiết phải cho các em học trước sách lớp 1 (học cả sách toán và sách tiếng Việt) như học chính khóa hay không?

Thứ nhất, không nhất thiết phải cho con đi học thêm ở nhà giáo viên để buộc các con học một cách bài bản như các em học lớp 1 chính quy. Nghĩa là học từng bài trong cả sách toán và sách tiếng Việt như hiện nay một số phụ huynh đang làm.

Ở nhà chỉ cần cho các em học thuộc 29 chữa cái, biết ghép âm, vần. Có thể dùng cuốn sách lớp 1 hiện hành để hướng dẫn trước cho các con về âm vần và cách đọc tiếng, từ, câu đơn giản.

Phần tập viết, nếu không phải là giáo viên lớp 1 tuyệt đối không dạy cho các con viết vào vở ô ly.

Bởi, độ cao các con chữ, khoảng cách các con chữ, cách đặt dấu thanh, điểm dừng bút, đặt bút…nếu phụ huynh không nắm chắc mà dạy cho con, các bé sẽ viết quen tay và nếu sai sau này giáo viên rất khó sửa.

Nhiều cô giáo có kinh nghiệm lớp 1 cho biết, dạy một học sinh chưa biết gì dễ hơn dạy những em biết mà bị sai. Vậy nên, cho trẻ viết ở nhà phụ huynh chỉ nên mua cuốn tập đồ cho các bé đồ chữ là ổn. Cách này cũng sẽ giúp cho các bé cách ngồi viết, cách cầm bút để tay đưa bút cứng cáp hơn.

Thứ hai, toán lớp 1 chương trình mới đã dạy cho các em dạng tách-gộp. Những dạng bài này trước đây, chúng tôi hướng dẫn cho học sinh lớp 2 nhưng học sinh cũng rất khó tiếp thu. Bởi thế, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ dạng toán này và hướng dẫn cho các con làm quen dần.

Thứ ba, ngoài việc học kiến thức, cần giúp các con hình thành một số kỹ năng thiết yếu để bước vào lớp 1 đỡ bỡ ngỡ như: Kỹ năng giao tiếp, chào hỏi người trên, bạn cùng trang lứa, biết giới thiệu về bản thân, gia đình; Kỹ năng nói lời cảm ơn, xin lỗi; Kỹ năng nói lời đề nghị, nói với thầy cô, bạn bè…Kỹ năng làm việc nhóm, biết trình bày suy nghĩ trước đám đông; Kỹ năng chăm sóc bản thân…

Thứ tư, trường hợp những gia đình bận rộn không có thời gian hướng dẫn và dạy con ở nhà cũng cần tìm gia sư cho các bé đi học trước 1 tháng khi năm học bắt đầu.

Thứ năm, phụ huynh cần kiểm tra để xem con mình thuộc nhóm học sinh nào để quyết định chọn cho các con cách học cho hiệu quả.

Những biện pháp mà chúng tôi nêu ở trên chỉ dùng đại trà cho những học sinh có sự phát triển bình thường về nhận thức. Riêng với những học sinh có nhận thức khá chậm thì gia đình cần cho các con đi học trước, điều này càng vô cùng cần thiết cho các em.

Trong thực tế giảng dạy, chúng tôi đã gặp nhiều những học sinh có vấn đề về nhận thức. Dù giáo viên có nhiệt tình đến đâu, có dạy chậm cỡ nào, có chú ý đặc biệt đến những học sinh này thì các em vẫn rất khó theo kịp bạn bè.

Có những em học đi học lại chỉ một âm vần nhưng học sáng, học chiều, học đêm ngày mai vẫn quên hết.

Khi các con đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản một cách kỹ càng như thế thì chắc chắn sẽ hòa nhập tốt khi bước vào lớp 1.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết