Chuyện "không bình thường" ở các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông

07/05/2012 11:10
Lê Huy Liệu
(GDVN) - Giáo dục hiện đang có nhiều vấn đề tranh luận “trái chiều”, rất cần sự sáng suốt trong hoạch định chính sách, điều hành thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao, tránh sự thay đổi một điều gì đó để thoả mãn dư luận xã hội, làm phương hại nền giáo dục nước nhà.

Những năm 90 của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, việc thi tốt nghiệp các cấp có điều gì đó không bình thường. Điều không bình thường ấy thể hiện ở sự bất cập của tỷ lệ tốt nghiệp và điểm thật của học sinh khi thi chuyển cấp hay thi đại học. Tỷ lệ tốt nghiệp rất cao (lên tới 99%), còn thi tuyển vào lớp 10 hoặc đại học cho thấy chất lượng… rất thấp. Những con số ấy đối nhau chan chát, buồn thật, nhưng nó vẫn cứ diễn ra nhiều năm, cho dù sau mỗi mùa thi đại học đều có tổng kết và đưa ra đánh giá.

Mâu thuẫn này chứng tỏ sự thiếu chính xác của một trong hai kỳ thi. Xác định kỳ thi nào “chưa chuẩn” không khó. Có thể chỉ ra ngay: Đó là kỳ thi tốt nghiệp các cấp. Tại sao vậy?

Ta thấy thi tốt nghiệp là “dàn hàng ngang cùng tiến”, nên chỉ cần “đến đích” là công nhận tốt nghiệp, trong khi đó thi chuyển cấp hay thi tuyển vào đại học là xếp hàng dọc, ai đến trước thì đậu, đến sau thì rớt. Do vậy sự “cạnh tranh” quyết liệt hơn và kì thi “thật” hơn. Ai đã từng là giám thị đều rất rõ điều đó.

Mọi sự chú ý đang tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tháng 6/2012 (Ảnh minh họa)
Mọi sự chú ý đang tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tháng 6/2012 (Ảnh minh họa)

Hai kì thi cách nhau hơn một tháng, có hai không khí khác hẳn nhau. Chúng tôi thường nói với nhau, thi tốt nghiệp là một kì thi “vui vẻ”, chỉ có giám thị là chịu trận. Nghe có vẻ nực cười, nhưng đó lại là sự thật, bởi trong kì thi này giám thị có trách nhiệm “canh” thanh tra (chỉ với những thanh tra lạ) cho thí sinh làm bài. Thực chất là canh cho thí sinh mở tài liệu, quay cóp khỏi bị thanh tra phát hiện. Ấy là căn bệnh thành tích trong giáo dục mà chúng ta đã đề cập rất nhiều năm rồi. Bắt mạch, bắt bệnh rồi “kê toa” điều trị, nhưng xem ra “bệnh” vẫn chẳng thuyên giảm là bao.

Nhưng dù sao thì vẫn còn may, với kì thi tuyển vào 10 hay đại học không có cái sự bi hài ấy. Cũng con người đó tổ chức thi, cũng thí sinh đó tham gia thi, nhưng lần này thì “nghiêm” thật sự.

Khi quá “nhàm” với cái tỉ lệ đỗ quá cao và trước sức ép quá lớn của dư luận, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất cách giải quyết “gọn” là “bỏ thi”. Đầu tiên là cấp Tiểu học, rồi sau đó là cấp THCS. Như vậy là hết ý kiến tranh luận. Lạ là kiểu thi tốt nghiệp ba cấp đều “na ná” như nhau, nhưng chỉ “bỏ thi” ở hai cấp, còn cấp THPT vẫn tồn tại! Vậy là thích thì bỏ, không thích thì thôi. Tại sao lại nói vậy? Xem xét kì thi tốt nghiệp cấp THPT năm 2007 thì rõ, khi thực hiện “hai không”, kết quả kì thi ở nhiều nơi thấp, không làm vừa lòng xã hội. Giải quyết thế nào khi hàng loạt học sinh “dồn tàu”, tức là phải học lại để chờ sang năm sau thi tốt nghiệp, trong khi xã hội chưa có tâm lí để tiếp nhận điều ấy? Vậy là Bộ cho thi lại. Một khóa học tổ chức hai kì thi tốt nghiệp, có lẽ chỉ có ở Việt Nam! Tất nhiên kì thi này chỉ là sự “phù phép” cho học sinh, để các em có tấm bằng tốt nghiệp một cách “minh bạch” với tỉ lệ cao như những kì thi trước đó. Cái yêu cầu “thật” ở đây vẫn bị cho qua.

Ta đã biết giữa những năm 90, Bộ Giáo dục đã có kế hoạch: Học sinh học gì thi nấy. Có nghĩa, cấp THCS tiến tới thi tốt nghiệp đến tám chín môn. Giáo viên, học sinh lúc đó tiếp nhận chủ trương của Bộ với ý thức trách nhiệm cao. Sẵn sàng thực hiện tốt những kế hoạch do Bộ đề ra, chỉ mong sao đạt được yêu cầu dạy tốt học tốt mà xã hội hằng mong muốn. Vậy mà chỉ sáu bảy năm sau, đã không tăng môn thi tốt nghiệp thì chớ, Bộ lại giảm xuống con số không. Thay đổi một kế hoạch nào đó là điều bình thường, nó thể hiện sự nhọc nhằn suy nghĩ tìm phương án tối ưu để điều hành một công việc với mong muốn đạt kết quả tốt nhất. Nhưng với một kì thi cấp quốc gia mà nói thi là thi, nói không là bỏ, không một lời giải thích thoả đáng, thì thật không thể hiểu nổi.

Giáo dục hiện đang có nhiều vấn đề tranh luận “trái chiều”, rất cần sự sáng suốt trong hoạch định chính sách, điều hành thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao, tránh sự thay đổi một điều gì đó để thoả mãn dư luận xã hội, làm phương hại nền giáo dục nước nhà. 

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Hiệu trưởng mầm non bị "tố" khai man tuổi nói gì?

Chân dung các Tổng thống Mỹ thời sinh viên (P2)

Abramham Lincon - Từ cậu bé nghèo trở thành Tổng thống Mỹ

Sinh viên ào ào về quê "trốn" cái nắng 40 độ C của Hà Nội

Tin nóng: 1.400 HS vẫn nghỉ Tết; Giáo viên kéo lê học trò bị bắt

Chùm ảnh: "Nơm nớp nỗi sợ" nhìn cảnh học sinh sang đường

Lê Huy Liệu