LTS: Phản ánh những tiêu cực trong việc chấm thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng nên bỏ cuộc thi này bởi đó cũng chỉ là sân chơi cho những trường lớn.
Theo đó, những cuộc thi thiếu tính công bằng và minh bạch như vậy không chỉ làm hao tốn công sức của cả thầy và trò mà hơn hết nó còn khiến niềm tin của nhiều người bị tan vỡ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Thi học sinh giỏi cấp Tiểu học đã bỏ trong nhiều năm qua bởi nó chẳng đem lại lợi ích gì khi các em còn quá nhỏ.
Hơn nữa, trong các kì thi không phải lúc nào cũng phản ánh được sự trung thực, khách quan cho những người tham gia.
Tuy nhiên, hiện nay cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông vẫn đang duy trì kì thi học sinh giỏi cuối cấp.
Những bất cập của một số địa phương cứ diễn ra hết năm này đến năm khác gây nên nhiều thị phi cho ngành giáo dục ở các địa phương.
Trong bài viết này chúng tôi xin mạn phép bàn về cuộc thi học sinh giỏi ở cấp Trung học cơ sở.
Ở một số địa phương, kì thi học sinh giỏi bậc Trung học cơ sở còn nhiều tiêu cực. Ảnh minh họa trên báo Thiếu niên Tiền phong. |
Đầu năm học, các Sở, Phòng giáo dục gửi kế hoạch năm học về các trường, thời gian tổ chức các kì thi, các phong trào trọng tâm của năm học.
Vì thế, ngay từ những tuần đầu tiên của năm học, các Ban giám hiệu đã phân công nhiệm vụ ôn luyện học sinh giỏi cho các tổ chuyên môn và các giáo viên.
Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi kinh nghiệm và sự đầu tư nhiều, nhất là đa số các trường hiện nay chưa có chế độ chi trả tiền bồi dưỡng cho giáo viên ôn thi nên phần lớn công việc này do các tổ trưởng chuyên môn ôn là nhiều.
Khi được phân công giáo viên lựa chọn học sinh và thầy trò bắt đầu bắt tay vào dạy và học vào các ngày trái buổi học chính khóa.
Thời gian ròng rã 5-6 tháng trời ôn tập rồi ngày thi cũng đến và kết quả cũng được báo về. Những trường có người chấm lại là những trường có tỉ lệ học sinh cao (nhất là các môn xã hội) như đã từng diễn ra từ nhiều năm trước.
Nỗi thất vọng lại thể hiện rõ trên những khuôn mặt thầy cô ôn luyện và các em học sinh tham gia ôn thi.
Vẫn biết thi thì sẽ có kẻ đậu, người rớt, nhất là kì thi học sinh giỏi khi mà tỉ lệ đậu chỉ thường dao động 10-20% tổng số thí sinh dự thi.
Trong mỗi cuộc thi ở trường, thật thì có ít, giả dối quá nhiều |
Nên nhiều khi chưa thi nhưng nhìn vào danh sách phân công giáo viên chấm thi của phòng giáo dục khiến nhiều giáo viên đã nản lòng.
Và, việc học sinh của mình “rớt” đã được nhiều giáo viên ôn thi ở các trường có qui mô nhỏ đã cảm nhận thấy rõ từ khi chưa diễn ra kì thi.
Người Việt Nam ta thường có câu: “Vừa đá bóng vừa thổi còi” xem ra chí lí khi mà ngành giáo dục của một số địa phương năm nào cũng bố trí những giáo viên đi chấm thi nhưng lại có học sinh của mình đi thi.
Ai có đủ niềm tin là “ma không ăn cỗ”? Vì, những giáo viên đã ôn suốt thời gian dài, học trò ảnh hưởng thầy rất nhiều nên những bài thi có rọc phách thì giáo viên cũng nhận ra bài nào là của học sinh mình.
Bởi khi thi vòng huyện thì mỗi môn học chỉ có vài chục bài thi, sự “nhận ra” bài của học trò là trong tầm tay của người chấm.
Trong khi một số môn xã hội thì đó là những môn “định tính” nên người chấm có nâng điểm lên tầm 1 điểm/ bài thi thì đó cũng là lẽ thường tình bởi đó là chuyện trong tầm tay của người “cầm cân nảy mực”.
Nếu có phúc khảo thì giáo viên này cũng đủ khả năng để giải trình một cách thuyết phục và hợp lí (nhưng chuyện phúc khảo thi học sinh giỏi chưa thấy xảy ra).
Nhất là một số môn như Ngữ văn, Giáo dục công dân… thiên về cảm nhận và lí giải vấn đề, miễn sao cách lí giải, phân tích “hợp lí” với người chấm là có thể cho điểm.
Đáp án một số môn xã hội không bị đóng khung như các môn học tự nhiên.
Trò chuyện với một ông thầy đi chấm môn học tự nhiên thì người đồng nghiệp của tôi chia sẻ:
“Được đi chấm thi rất có lợi thế, như môn tự nhiên của chúng tôi dạy, người chấm vẫn có thể thay đổi tầm 1 điểm là rất dễ dàng, chỉ cần thay đổi vài dấu câu, vài con số trên bài lí thuyết và nhất là trong các bài thực hành chuyện nâng, bớt điểm không hề khó khăn chút nào.
Vì thế, chuyện từ rớt thành đậu, từ đậu thành rớt trong tầm tay. Nhất là các môn xã hội các thầy lại càng dễ chấm để đem lại lợi thế cho mình…”.
Trước những chia sẻ của người đồng nghiệp thân tình, tôi nhìn vào danh sách công bố giải mà không khỏi chạnh lòng.
Sự bất công rõ nhất là môn Ngữ văn bởi 6/6 học sinh của trường có giám khảo đi chấm đều đạt giải.
Một sự thật đến sững sờ khiến cho niềm tin của nhiều người bị tan vỡ. Dù bản thân lạc quan đến bao nhiêu và cho dù người chấm cho khách quan đến bao nhiêu đi chăng nữa thì đây vẫn là một câu hỏi không thể lí giải bằng lời.
Đớn đau hơn là mỗi môn chọn 6 học sinh đại diện đi thi cấp tỉnh thì trường này đã chiếm 5 vị trí đầu tiên. Trong khi huyện chúng tôi có tới gần 20 trường Trung học cơ sở?
Và, cũng vị giám khảo này thường được Sở phân công đi chấm học sinh giỏi cấp tỉnh. Ai tin những tiêu cực lại không thể xảy ra của một kì thi cao hơn sắp tới?
Chúng ta đều biết, đã nói thi đua thì ắt sẽ có ganh đua, có người đậu, người rớt, có người vui, người buồn.
Tuy nhiên, đối với kì thi học sinh giỏi là sự thi đua của rất nhiều trường, rất nhiều con người.
Tìm được học sinh giỏi để tôn vinh và từ đó những trường chưa có kết quả tốt, những thầy cô chưa có học sinh đạt giải tìm cách cố gắng, tìm cách để tiếp tục cống hiến và ôn luyện vào các năm tiếp theo.
Tất nhiên, sự “chưa được” phải được người ta tâm phục, khẩu phục chứ không phải cứ mỗi mùa thi đi qua là để lại sự ấm ức mang đầy sự bực tức trong lòng.
Có những cái thua mà người trong cuộc phải phục, có những cái thắng nhưng phải thắng sòng phẳng mới đem lại sự trong sạch cho mỗi kì thi.
Sự khách quan, công bằng, rạch ròi trong các kì thi, nhất là thi học sinh giỏi không khó. Chỉ cần những lãnh đạo ngành giáo dục chịu thay đổi.
Bởi mỗi môn học trong một huyện có hàng trăm giáo viên, trong một tỉnh có hàng ngàn giáo viên dạy cùng khối đó. Tại sao không phân công những trường, những thầy cô không ôn thi học sinh giỏi đi chấm?
Khi những thầy cô không ôn thi đi chấm sẽ không thể nào nhận ra học sinh mình. Chỉ cần rọc phách là tất cả bài thi học sinh như nhau.
Em nào làm tốt thì điểm tốt, không có sự du di, không có chuyện đổi trắng thành đen, đổi đen thành trắng như một số địa phương đang làm.
Để tổ chức kì thi học sinh giỏi thì các địa phương phải chi một bỏ ra không ít kinh phí.
Tiền người ra đề, tiền tổ chức hội đồng coi thi, chấm thi và công sức ôn luyện ở các đơn vị cơ sở suốt nhiều tháng trời nhưng nhiều môn học không tìm được học sinh “giỏi” xứng đáng, hoặc phải gạt bỏ nhiều em có năng lực vì sự ích kỉ, nhỏ nhen của một số giám khảo chấm thi.
Nên chăng, cùng với cấp Tiểu học thì cấp Trung học cơ sở cũng không nên tổ chức kì thi học sinh giỏi làm gì. Bởi xét cho cùng đây cũng chỉ là sân chơi cho các trường lớn.
Những học sinh trường loại II-III chỉ là những thí sinh “lót đường” trên lộ trình dẫn đến “vinh quang” cho trường loại I mà thôi!