Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, vấn đề giáo dục không phải chỉ cá nhân ông - một người từng làm giáo dục, rồi sau đó tiếp tục làm công tác quản lý, hoạch định chính sách về văn hóa giáo dục quan tâm mà cả xã hội quan tâm.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đỗ Thơm |
“Bác Hồ đã nói: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trồng người thì chuyện giáo dục là quan trọng nhất.
Đảng cũng đã có một Nghị quyết riêng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Nó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục với quốc gia. Muốn đất nước phát triển thì giáo dục phải đi trước.
Như Singapore chẳng hạn, họ nhấn mạnh có giáo dục mới có con người, có con người tài giỏi thì đất nước mới phát triển. Ở bất cứ quốc gia nào, giáo dục đều có vị trí quan trọng đặc biệt như thế”, Tiến sĩ Chức nhấn mạnh.
Trong giáo dục, theo Tiến sĩ Chức, có hai nhân tố quan trọng nhất là trò và thầy. Đổi mới căn bản toàn diện gì thì cũng phải tập trung vào đó.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn yếu tố đổi mới đầu tiên là sách giáo khoa và chương trình. Quốc hội cũng đã thông qua một nghị quyết về vấn đề này nên chuyện sách giáo khoa cũng là một lĩnh vực quan trọng.
Theo đánh giá của ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích cực để làm việc này.
“Nói thẳng, đổi mới sách giáo khoa cũng không phải việc dễ. Trong giáo dục, mỗi sự thay đổi đều ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh, đến mỗi gia đình nên không có việc gì là dễ cả.
Hiện tại, Hội đồng thẩm định đã chọn được 5 bộ sách dù còn nhiều ý kiến khác nhau.
Bây giờ, các địa phương, các trường phải tự chọn bộ sách phù hợp. Đây là một xu thế mới cần được ủng hộ”, vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.
Ông nhấn mạnh, việc học hành, tiếp thu kiến thức mới phải là chủ động. Vì thế, việc các trường, địa phương tự chọn bộ sách giáo khoa phù hợp để giảng dạy là ý tưởng tốt và cần được ủng hộ.
Dân chủ trong chọn sách giáo khoa sẽ vô hiệu hóa nhóm lợi ích |
Vì nó là mới nên sẽ gặp khó khăn nhất định. Đầu tiên là cần có thời gian cho giáo viên tiếp cận những bộ sách đó để thầy cô biết bộ sách nào tốt, bộ nào không phù hợp.
Việc thứ hai là yếu tố con người. Những người được quyền ra quyết định chọn bộ sách phải có tâm, trung thực, không vì bất cứ yếu tố nào, đặc biệt là không để lợi ích chi phối trong giáo dục.
“Tôi tin Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã lường trước được điều đó. Thời gian qua, có dư luận về việc "lobby" chọn sách giáo khoa ở nơi này nơi kia, chúng ta phải cảnh giác.
Dứt khoát phải trung thực, có thời gian, có năng lực, trình độ nhận biết để xem bộ sách giáo khoa đó có phù hợp nhất với địa phương hay không.
Quan trọng, giáo viên tiếp cận bộ sách có truyền tải được các cách thức như mong muốn của người viết hay không. Tất cả đều là việc rất lớn của ngành giáo dục trong năm nay”, Tiến sĩ Chức nhận định.