Cô giáo bị yêu cầu ngừng dạy vì thành tích học tập cả lớp... đi lên!

05/11/2019 06:42
Trinh Phúc
(GDVN) - Cô Ngọc tâm sự đã từng quá vô tâm đối với những tâm hồn trong trẻo, thơ ngây khi đặt học sinh vào những gánh nặng vô lý, không cần thiết.

Để xây dựng trường học hạnh phúc, mỗi cô thầy giáo phải biết chấp nhận thay đổi bản thân. Nếu không thay đổi, thì câu chuyện xây dựng trường học hạnh phúc chỉ dừng lại ở hô khẩu hiệu.

Câu chuyện của cô Phạm Thị Bích Ngọc, giáo viên khối 1, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm  quận Cầu Giấy, Hà Nội là một ví dụ về thay đổi quan điểm dạy học để xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc.

Tâm sự về hành trình “lột xác” của mình,  cô Ngọc cho rằng cô từng là đứa trẻ mộng mơ và khi là một cô giáo vẫn mơ về một lớp học hạnh phúc. Khi còn cắp sách tới trường, chính cô đã tự hào đã từng được học tại lớp học có thành tích cao, có cô giáo nghiêm khắc và giỏi làm chủ nhiệm.

Phụ huynh thời đó cũng rất yêu thích và yên tâm vì cho rằng cách giáo dục nghiêm khắc sẽ nuôi dưỡng học sinh thành tài, thành người có ích cho xã hội.

Bước vào nghề sư phạm, cô Ngọc cũng muốn mình trở thành một giáo viên nghiêm túc, chăm chỉ để dạy học sinh thành học sinh giỏi, xuất sắc như các thầy cô giáo từng dạy cô.

Cô Phạm Thị Bích Ngọc, giáo viên khối 1, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận Cầu Giấy, Hà Nội (ảnh T.Trang).
Cô Phạm Thị Bích Ngọc, giáo viên khối 1, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận Cầu Giấy, Hà Nội (ảnh T.Trang).

Với suy nghĩ đó, cô Ngọc đã hồ hởi bước vào nghề. Nhưng rồi, khi trở thành một giáo viên đứng trên bục giảng, cô dần nhận ra những gì mình nghĩ là một sai lầm.

Kể về lý do thay đổi bản thân, từ một giáo viên nghiêm khắc trở thành một giáo viên của những lớp học hạnh phúc cô Ngọc kể: Cô tốt nghiệp trường đại học sư phạm năm 2011, rồi vào dạy tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sau một năm tích cực học hỏi cô đã được nhà trường tin tưởng và phân công làm chủ nhiệm lớp 1.

“Tôi rất hồ hởi nhưng mọi sự khởi đầu không như tôi tưởng tượng” – cô Ngọc tâm sự.

Hàng ngày đối mặt với 30 học sinh là 30 cá tính khác nhau. Học sinh lớp 1 còn quá bé bỏng, ngoài việc tập đọc, tập viết thì hay kiện cáo thưa gửi từ những việc nhỏ nhất.

Thầy cô phải thay đổi để không phải là thợ dạy đơn thuần
Thầy cô phải thay đổi để không phải là thợ dạy đơn thuần

Lúc thì cô ơi, bạn ấy lấy bút của con…lúc thì, cô ơi, bạn ấy muốn đánh con. Rồi phải chuẩn bị hồ sơ sổ sách theo đúng quy định của một giáo viên.

Một tuần lễ cô Ngọc chỉ ngủ vỏn vẹn hai đêm thứ 7 và chủ nhật còn các đêm khác phải thức để soạn bài, chấm bài của học sinh và làm các công việc không tên khác nữa.

Cô Ngọc chia sẻ: “Mới chỉ một tháng nhận lớp mà sắc mặt của tôi đã thay đổi, bơ phờ, mệt mỏi. Đã vậy, lại còn tác động từ phía phụ huynh và học sinh.

Họ dường như không tin tưởng, tuy không nói thẳng điều đó nhưng hay hỏi theo kiểu: Cô trẻ thế đã được đứng lớp à hay cô có phải con cháu của hiệu trưởng không… Việc đó như áp lực vô hình khiến tôi muốn khẳng định bản thân một cách mạnh mẽ.

Từ những ấm ức đó khiến tôi càng muốn chinh phục phụ huynh lớp mình nhanh hơn và bắt đầu từ việc làm cho các con trở thành trò ngoan, trò giỏi, có kết quả cao trong học tập”.

Để mong phụ huynh nhìn nhận mình là một giáo viên giỏi, cô Ngọc đã nghiêm khắc với bất cứ học sinh nào chưa đạt thành tích như mình mong muốn.

Cách dạy học đó quả thực đã có kết quả như mong đợi. Học sinh có sự tiến bộ từng tuần, từng tháng, từ đó cô Ngọc càng tin cách giáo dục của mình là đúng đắn.

Nhưng cô Ngọc không thể biết rằng đang có một cơn bão nổi lên đằng sau.

“Những thành công đó khiến phụ huynh không hề hài lòng. Bởi những điểm 9, điểm 10 con họ mang về lại tỉ lệ thuận với sự căng thẳng.

Trẻ con cần được vui nên phụ huynh đã âm thầm bức xúc. Bắt đầu, có ý kiến lên tiếng nhưng đỉnh điểm nhất cả gia đình một học sinh kéo hẳn đến phòng gặp thầy hiệu trưởng bày tỏ sự bất bình.

Họ không muốn tôi làm việc với con họ theo cách như vậy và không muốn tôi làm việc với cả học sinh trong lớp nữa” -  cô Ngọc kể.

Một chuỗi căng thẳng đã kết thúc bằng việc cô Ngọc nhận quyết định chấm dứt công tác chủ nhiệm lớp. Sau sự việc đó, cô Ngọc đã suy sụp, buồn tủi khi phải dừng lại giữa chừng.

Bản thân cô Ngọc cũng không tìm được lý do mình đã sai ở đâu, khiến mình rơi vào hố đen của sự thất bại. Mất công việc, mất hy vọng và quan trọng hơn mất niềm tin vào chính bản thân mình.

Cô Ngọc đã chia sẻ với lãnh đạo nhà trường về những gì mình trải qua, họ đã giúp cô tỉnh ngộ và động viên cô bình tĩnh hơn, chấp nhận một khoảng dừng để nhận ra những khiếm khuyết và nhen nhóm hy vọng làm việc tốt hơn.

Theo cô Ngọc, quảng thời gian nghỉ cũng trong thời gian cô mang bầu và sinh con. Khi quay trở lại làm việc, cô được giao chủ nhiệm lớp 2 và năm sau là lớp 1.

Hiệu trưởng đâu phải quan chức mà đòi biên chế suốt đời
Hiệu trưởng đâu phải quan chức mà đòi biên chế suốt đời

Lúc này, ngoài vị trí là một giáo viên, cô còn là một người mẹ. “Ở nhà tôi là mẹ của một cô con gái kháu khỉnh. Còn đến lớp tôi là mẹ của 30 đứa con học sinh.  

Tôi thấu hiểu hơn sự lo lắng, sự vất vả của các bậc phụ huynh trăn trở trong quá trình nuôi dạy con và cũng bình tĩnh khi nuôi dạy bọn trẻ” cô Ngọc nói.

Việc quan sát nhiều hơn đến từng gương mặt, nụ cười và nỗi buồn của các con đã giúp cô Ngọc nhận thấy hết những điều chưa đúng của cô trước đây.

Cô Ngọc thấy rằng cô đã từng quá vô tâm đối với những tâm hồn trong trẻo, thơ ngây của học sinh. Cô đã đặt học sinh vào những gánh nặng vô lý và không cần thiết.

Cô Ngọc đã thay đổi, lắng nghe chia sẻ với các con, sẵn sàng bỏ qua các lỗi sai, dịu dàng hơn khi uốn nắn. Việc quan sát các con nhiều hơn, nở nụ cười nhiều hơn và dành nhiều thời gian để trò chuyện với các con hơn.

Cô Ngọc đã bình tĩnh đợi trẻ thay đổi từng ngày chứ không đặt ra các dấu mốc từng tuần, từng tháng nữa. Khi đến với các con bằng tình cảm của người mẹ, cô mới thấy được sự thay đổi hạnh phúc mỗi ngày trong cô.

Cô Ngọc kể: “Hạt mầm yêu thương của tôi gieo xuống và tôi nhận được trái ngọt đó là tình cảm chân thật, vô cùng trong sáng của các con.

Tôi thường bảo với các bạn nhỏ, mỗi bạn đều mang trong mình khả năng đặc biệt riêng, mỗi bạn sẽ tỏa sáng theo cách riêng.

Với tôi, những sự quan tâm của học sinh dành cho mình là niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất”.

Trinh Phúc