“Mỗi giờ chào cờ xong, cả lớp phải xếp dọn ghế trên sân trường (hình phạt dành cho lớp đứng hạng chót trong tuần). Chuyện này được lập lại nhiều lần vì lớp mình là lớp yếu.
Giúp học sinh học tốt cần nhiều tình thương hơn hình phạt (Ảnh Báo Giáo dục Việt Nam) |
Mình rất buồn! Cô giáo chủ nhiệm nói tiếp: “Không phải vì thi đua mà vì các con yếu quá các giáo viên bộ môn ai cũng chê, hầu như chưa bao giờ động viên các con một lời để cho có động lực.
Lời tâm sự xót xa của một giáo viên chủ nhiệm lớp 6 một trường trung học cơ sở tại thành phố Biên Hòa đã làm nhiều người phải suy nghĩ.
Cô T. cho biết thêm, trường mình nằm tại vùng ven thành phố Biên Hoà. Học sinh lớp 6 vào trường là tiếp nhận theo danh sách các trường tiểu học đưa lên mà không được quyền sát hạch để loại trừ.
Bởi thế, chất lượng học tập của những học sinh này quá yếu. Lớp nào may mắn lắm mới được nhiều học sinh khá giỏi, không may thì toàn trung bình và yếu.
Năm nay, cô T. bốc trúng 1 lớp, các con rất ngoan, thầy cô trách phạt đủ hết nhưng không hề cãi, hay tỏ thái độ hỗn hào.
|
Mỗi tội các con học rất yếu (trong lớp chỉ có tầm 3 em giỏi 8 em khá còn lại trung bình, yếu).
Các môn "chính" (những môn Toán, Anh văn, Văn) các con không biết làm, ít phát biểu nên các tiết học luôn bị thầy cô cho vào sổ đầu bài điểm 7,8.
Cô T. nói mình đã động viên các con đủ cách, chỉ cách học, làm bài nhưng vẫn chậm.
Mình tâm sự với các giáo viên bộ môn nhưng các giáo viên ấy cứ nói lớp em nó dốt, hỏi không phát biểu nên trừ điểm sổ đầu bài. Riêng môn "phụ" thì các con có phát biểu.
Giờ phải làm sao để các con giỏi được ạ, vẫn biết sức các con chỉ vậy?
Câu hỏi của cô T. cũng chính là những trăn trở của không ít giáo viên làm công tác chủ nhiệm hiện nay ở các trường trung học phổ thông.
Thường thì mỗi lớp đều có một cuốn sổ đầu bài để các giáo viên bộ môn ghi nhận xét, cho điểm sau mỗi tiết dạy.
Cuối tuần, nhà trường tổng kết điểm và xếp thứ hạng toàn trường. Việc giáo viên bộ môn nhận xét lớp học dốt, không phát biểu và ghi điểm thấp cho lớp đâu phải là cách để giúp các em tiến bộ?
Xét cho cùng, học sinh học dốt bộ môn của mình là trách nhiệm thuộc về chính giáo viên dạy bộ môn ấy.
Thầy cô đặt câu hỏi mà học trò không trả lời chứng tỏ các em chưa hiểu bài? Chưa hiểu thầy cô muốn hỏi gì?
Cách tốt nhất là giáo viên phải có câu hỏi gợi mở, phải xé nhỏ câu hỏi ra.
Khi học sinh không làm được bài, chính thầy cô phụ trách môn học ấy phải có kế hoạch phụ đạo, kèm cặp để các em lấy lại kiến thức căn bản.
|
Thầy cô phải có kế hoạch tham mưu với nhà trường bố trí, sắp xếp dạy phụ đạo cho học sinh vào những thời gian thích hợp.
Khi mọi sự cố gắng nhưng các em vẫn vậy không tiến bộ gì thì cũng đành chấp nhận lực của các em chỉ đến đó.
Và mức đòi hỏi ở các em cũng chỉ giới hạn ở mức độ trung bình là đã thành công rồi.
Ghi điểm đầu bài thấp, phạt cả lớp không phải là biện pháp tốt
Học sinh có lự học yếu nếu nhà trường và giáo viên không có biện pháp bồi dưỡng, phụ đạo và kèm cặp mà chỉ chăm chăm dùng biện pháp trừng phạt thì xin thưa rằng các em yếu sẽ càng yếu hơn.
Chưa hết, do bị phạt nhiều, các em sẽ dễ dàng chai cảm xúc, xuất hiện tư tưởng bất cần thì tác hại mang đến là vô cùng lớn.
Trong thực tế, đã có không ít em có lực học yếu nhưng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô mà học tốt lên rất nhiều.
Và đã có không ít học sinh do thầy cô chỉ biết dùng hình phạt nên ngày càng chán nản, bỏ bê việc học và trượt dài trên con đường hư hỏng.
Học sinh chỉ thật sự biến chuyển khi gặp được những thầy cô tận tụy hết lòng với chúng chứ không phải những mệnh lệnh, những lời đe nẹt và những hình phạt sẵn sàng giáng xuống.