Cô giáo của tôi

12/03/2012 06:00
Theo www.netbuttrian.vn
Mỗi người có thể tự tạo ra thế giới cho riêng mình bằng một hay nhiều màu sắc khác nhau; còn với tôi, tôi cần hai màu để vẽ nên thế giới của mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mỗi người có thể tự tạo ra thế giới cho riêng mình bằng một hay nhiều màu sắc khác nhau; người thì màu hồng, người thì màu xanh, còn với tôi, tôi cần hai màu để vẽ nên thế giới của mình, một màu trắng và một màu đen. 
Ở cái thế giới đó, một số người được sinh ra để sống, số còn lại thì học cách để sống và tôi là một trong số đó. Ở đó, cô xuất hiện một cách bất ngờ và tôi đã học được rất nhiều từ cô, chính cô là người giúp tôi nhận ra rằng mình đang sống hay tồn tại. Đối với tôi, nói về cái tài lẫn cái tâm thì có lẽ chẳng ai mà tôi từng gặp lại làm tôi phục như cô.
Về cái tài, vì là một con người yêu nghệ thuật nên trong cô luôn có một niềm đam mê với văn chương, có thể nói cô là con người rất giỏi trong việc giảng dạy và nghiên cứu văn chương - nghệ thuật. Cô không chỉ đào sâu, tìm tòi và học hỏi những gì chưa biết mà cô còn học cách để cảm thụ nó một cách chính xác nhất. 
Tôi từng thấy những biểu hiện trên gương mặt cô khi giảng về nỗi đau của con người từ nhăn mặt, nhíu mày cho đến mắt đỏ lên… Những biểu hiện đó cứ lặp đi lặp lại vài lần như vậy thì tôi nhận ra ở cô một điều: văn chương không chỉ là câu từ, mặt chữ mà với cộ văn chương là cuộc sống thật sự, cuộc sống đó đi qua con mắt nhà văn rồi ra trang giấy để trở thành nghệ thuật. 
Chính vì thế mà các bài giảng của cô sinh động hơn, thú vị hơn đối với không chỉ riêng tôi mà còn với rất nhiều học sinh khác; với cô, tôi như được tận mắt chứng kiến cuộc sống trong tác phẩm thông qua lời giảng của cô mà không cần phải khó khăn tưởng tượng lại những cảnh đời, tuổi người qua những lời giảng khô khan mà tôi từng nghe trước đó, điều đó khác hẳn với các giờ lên lớp trước kia lúc tôi chưa gặp cô. 
Đối với cô, dạy văn không đơn thuần chỉ là dạy theo khuôn mẫu, hướng dẫn cho trò tự học mà dạy văn là truyền lại cả kiến thức lẫn tình cảm để từ bài học, người trò của mình sẽ có được một cách nhìn nhận đúng đắn đối một vấn đề. Tôi chẳng muốn gọi người là cô - tiếng gọi thiêng liêng, trân trọng mà bao đời nay toàn xã hội đã dành cho những kĩ sư tâm hồn như người, vì tiếng “cô” lại có vẻ như ngăn cách giữa những con người yêu văn chương với nhau.
Về cái tâm, khó có thể kiếm được một người nào lại nặng chữ tình như cô trong cái xã hội bề bộn này. Là một người thầy, nhưng chẳng bao giờ tự cho mình cái quyền ra lệnh, bắt người khác và đặc biệt là học sinh phải làm theo ý mình; với cô đơn giản chỉ vì là con người, ai cũng nhưng ai, ai cũng muốn làm những gì mình thích, ai cũng có cái tôi riêng; nếu như ai cũng muốn bắt mọi người làm theo ý mình, ai cũng vị kỷ, không đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để hiểu cho họ thì chẳng phải cuộc sống này là tự làm khổ nhau thôi hay sao? 
Cô không chỉ là người thầy mà còn là người chị, người bạn trong cuộc sống của nhiều người khác. Cô quý trọng những người xung quanh mình, cô hiểu rằng chẳng có người nào là toàn vẹn, ai cũng có mặt tốt và mặt xấu, cái quan trọng là mình có chấp nhận mặt xấu và yêu thương mặt tốt của họ hay không. Đặc biệt, cô thương học trò như con của mình và nhất là học trò nghèo, tôi tự cảm nhận được điều đó và hỏi lý do vì sao thì cô trả lời rằng “cả đời cô, lẽ chỉ có học trò”. 
Cô luôn quan tâm đến những người học trò nghèo của mình, cô không cần nói ra rằng mình thương đứa nào, thương tới đâu mà cô chỉ hành động, cô luôn tìm mọi cách có thể để giúp được học trò của mình mỗi khi gặp khó khăn chẳng hạn như: tìm giúp nhà trọ cho học trò của mình, cô sẵn sàng bỏ thời gian của mình ra để giúp đỡ về mặt kiến thức cho những bạn học hơi yếu trước những kỳ thi quan trọng.
Một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất về cô đó là tôi đã từng thấy cô khóc giữa ngày khai giảng năm học 2008-2009, lúc ấy tôi không biết là chuyện gì nhưng cũng không hỏi vì không tiện. Sau này tôi mới được cô tâm sự và biết được đó chính là cảm xúc của cô khi biết một người học trò của mình thuộc về “thế giới thứ ba”. 
Sự cảm thông của cô đối với người học trò đó mà tôi cảm nhận được không chỉ ở những giọt nước mắt mà còn qua lời nói của cô: “Cô thương nó nhưng chẳng biết phải làm sao, bây giờ chỉ biết ở bên cạnh nó thôi”. Thử hỏi, nếu là một người khác, một người không sinh ra học trò của cô cũng chẳng nuôi người hoc trò đó ngày nào thì liệu biết chuyện như vậy, họ sẽ phản ứng ra sao, có lo lắng đến nỗi phải rơi nước mắt như cô không? 
Chính vì tấm lòng bao la đó mà tính đến nay cô có đến hơn chục đứa con nuôi, họ xem cô như mẹ ruột của chính mình trong đó có tôi. Cô là người biết đạo lý, biết đâu là đúng, đâu là sai, biết tiếp thu cái mới khắc phục những hạn chế của cái cũ, bất mãn với những định kiến của xã hội ngày nay đẩy con người vào đường cùng.
Những lúc buồn, tôi với cô thường đi cà phê, ăn những quán ven đường, nói chuyện và tâm sự về những vấn đề trong cuộc sống và riêng tư; rồi tôi nhận ra rằng tôi thương cô lắm, thương nhiều lắm. Tôi từng muốn gọi cô bằng một tiếng mẹ, nhưng ngặt nỗi lòng vị kỷ quá lớn, cô có quá nhiều con, một chút tình cảm của tôi chắc có lẽ chẳng thắm vào đâu; với tôi, tôi chỉ muốn cô là mẹ của riêng mình mà thôi. 
Nghĩ đi nghĩ lại thì ngày nay, khó có thể tìm được người như cô, còn có nhiều người cần cô hơn tôi. Tình cảm của tôi đối với cô như thế nào, cô biết; cô cũng thương tôi và tôi mong rằng tình cảm của tôi và cô càng tốt đẹp hơn theo thời gian. Tôi thương cô tôi!

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đườn

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo www.netbuttrian.vn