Cô Tuất khó mà đảo ngược tình thế, các thầy cô nên rút kinh nghiệm

02/04/2021 07:05
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì sao một giáo viên có 6 lần đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, đã từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện như cô Nguyễn Thị Tuất lại có một kết cục bi đát như hiện nay?

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đề cập khá nhiều về sự việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) tố bị trù dập, không được đứng lớp và phải làm nhiều việc ngoài chuyên môn...

Những câu chuyện na ná như thế này thì chúng ta đã thấy rất nhiều trong thời gian qua ở nhiều địa phương, nhiều trường học. Và, thông thường những người đứng ra tố cáo hiệu trưởng, tố cáo nhà trường thường thua thiệt mọi bề. Thậm chí có người mất việc.

Vì sao có hiện tượng này và phía sau những lá đơn tố cáo ấy là gì? Muốn xử lý một giáo viên bây giờ có khó khăn lắm không? Khi sự việc xảy ra thì ai là người dám đứng ra bảo vệ giáo viên trong tình huống gian khó ấy?

Ngôi trường nơi cô Nguyễn Thị Tuất công tác đang được đề cập khá nhiều trong những ngày gần đây (Ảnh minh họa từ website của nhà trường)

Ngôi trường nơi cô Nguyễn Thị Tuất công tác đang được đề cập khá nhiều

trong những ngày gần đây (Ảnh minh họa từ website của nhà trường)

Người tố cáo tiêu cực thường rất gian nan

Thông thường, những đơn thư vượt cấp luôn hướng vào hiệu trưởng nhà trường và phần lớn các đơn tố cáo tập trung vào mảng quản lý tài chính của đơn vị- đây là mảng mà giáo viên thường thấy rõ nhất nhưng nói thật đây cũng là mảng mà giáo viên…yếu nhất.

Giáo viên được đào tạo chuyên ngành về chuyên môn dạy học, về phương pháp dạy học nên nhiều khi nhìn thấy việc thu- chi trong nhà trường có những bất cập thì họ lên tiếng, viết đơn tố cáo lên cấp trên. Nhưng, phần lớn người tố cáo chỉ thấy được mảng bề ngoài của con số thu chi.

Trong khi, lãnh đạo nhà trường thì họ có chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã được học tập về quản lý tài chính trước khi được bổ nhiệm. Nhất là bên cạnh họ luôn có một kế toán, thủ quỹ nhà trường tham mưu và những người này họ am hiểu về việc thu chi của nhà trường.

Thu như thế nào, chi ra sao thì họ đã căn cứ vào những văn bản pháp luật cụ thể, hóa đơn thu- chi cũng rất rõ ràng. Thu bao nhiêu, chi bao nhiêu thì những con số ấy đã gần như khớp hết, cụ thể hết, rất khó để tìm ra sai sót trên sổ sách, giấy tờ.

Vì thế, cho dù nhà trường có chi sai đi chăng nữa thì những chứng từ, hóa đơn cũng được kế toán nhà trường họ hợp thức hóa toàn bộ.

Đó là chưa kể khi có đơn thư tố cáo, thông thường các cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch về thanh, kiểm tra nhà trường. Và, tất nhiên những chuyện này cấp trên sẽ thông báo công khai nên nhà trường sẽ có thời gian để chuẩn bị hồ sơ sổ sách của mình một cách đầy đủ nhất.

Khi thanh tra cấp trên về, người ta sẽ căn cứ vào số liệu trên sổ sách, trên những con số cụ thể chứ không ai căn cứ vào những lời nói, câu chữ của người tố cáo mà nó không được minh chứng bằng những con số.

Trong khi đó, giáo viên tố cáo thì gần như không có nghiệp vụ kế toán, không nắm được cụ thể của việc thu chi, chỉ nhìn vào những ước lượng, tiên đoán thì làm sao có thể giúp các cơ quan chức năng khẳng định được những lời lẽ tố cáo là sự thật.

Vì vậy, nhiều đơn thư tố cáo của giáo viên luôn bị kết luận là “thiếu cơ sở” để giải quyết.

Nếu cần lấy ý kiến của các đoàn thể, giáo viên trong nhà trường, đại diện ban đại diện phụ huynh thì cũng rất khó có ai đứng về phía giáo viên – đó là một sự thật. Vì vậy, người tố cáo thường đơn độc và sau mỗi lần tố cáo như vậy thì có những giáo viên còn bị Ban giám hiệu nhà trường gây khó dễ trong quá trình công tác.

Hạ uy tín một nhà giáo bây giờ không khó

Trở lại với trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B thì chúng ta dễ dàng hiểu vì sao một giáo viên có 6 lần đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, đã từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện mà lại có một kết cục bi đát như hiện nay.

Lãnh đạo trực tiếp, gián tiếp đều không đồng tình với những gì cô Tuất đã làm. Một số phụ huynh lên tiếng bênh vực nhà trường, công khai phủ nhận đơn tố cáo của cô Tuất. Thậm chí có cả học sinh lớp 5 phát biểu trên báo giới, nói không muốn học với cô Tuất, đã viết thư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Thực tế, môn Lịch sử và Địa lý ở lớp 4 và lớp 5 hiện nay ở các trường tiểu học thường là giáo viên chủ nhiệm lớp đảm nhận và môn học này thường được dạy qua loa, chiếu lệ để tập trung cho môn Toán và môn Tiếng Việt (cũng giáo viên chủ nhiệm dạy).

Khi phân công cho một giáo viên như cô Tuất đảm nhận riêng thì đương nhiên những hạn chế trong việc dạy và học môn này sẽ rõ nét hơn. Việc cô Tuất có nhiều học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ môn học và tỉ lệ này cao hơn tỉ lệ chung của trường, của huyện cũng là một điều dễ hiểu.

Nhưng theo suy nghĩ của cá nhân người viết, cô Tuất sẽ khó mà đảo ngược tình thế trong sự việc này- cho dù Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lên tiếng sẽ vào cuộc trong những ngày tới đây.

Bởi theo điều lệ trường học thì giáo viên phải thực hiện công việc theo sự phân công của thủ trưởng đơn vị. Việc cô Tuất đang chủ nhiệm và dạy lớp 2 bị phân công dạy môn Lịch sử và Địa lý ở lớp 4 và 5 sẽ không sai vì Ban giám hiệu được quyền phân công nhiệm vụ này.

Điều đau đớn nhất là đã có học sinh không đồng tình với cách dạy, cách ghi, quay phim và nhận xét của giáo viên vào kết quả học tập của học trò, thậm chí viết thư cho Bộ trưởng.

Dù sự việc này có “dàn dựng” như cô Tuất nói đi chăng nữa thì việc giáo viên vào lớp không dạy, không quản được lớp học do mình đứng lớp cũng sẽ là lý do đánh giá về nghiệp vụ sư phạm của người giáo viên.

Lời kết

Việc tố cáo, khiếu nại về cách quản lý, thu chi của nhà trường có sai phạm rất cần những người dũng cảm như cô Tuất và hàng chục, hàng trăm thầy cô đã lên tiếng trong thời gian qua.

Song, có lẽ sẽ tốt hơn khi làm đơn tố cáo thì giáo viên phải đọc, phải tìm hiểu kỹ về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và xem chừng mình chắc chắn thì hãy lên tiếng. Nếu chỉ “ném đá ao bèo” thì cũng cần đắn đo cân nhắc có nên làm đơn tố cáo lãnh đạo mình hay không.

Một khi không có chứng cứ rõ ràng thì chỉ nên góp ý trong các cuộc họp của nhà trường bởi nếu tố cáo mà không đi đến đâu thì tự rước họa vào thân mà thôi.

Với quy định hiện nay, Ban giám hiệu nhà trường được quyền dự giờ đột xuất giáo viên mà không cần báo trước, kiểm tra chuyên đề đột xuất- những điều này Ban giám hiệu được phép làm.

Muốn hạ uy tín một giáo viên thì chỉ cần tập trung vào chuyên môn của người thầy bởi không phải ngày nào, giờ nào giáo viên cũng chuẩn bị tốt khi lên lớp và chỉ chỉ vài lần như vậy cũng đủ điều kiện để xếp giáo viên “không hoàn thành nhiệm vụ” ở cuối năm học.

Trong khi, chỉ 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ là đủ điều kiện để tinh giản biên chế một người lao động!

Thiết nghĩ, môi trường giáo dục cần lành mạnh, nêu gương và đoàn kết. Ban giám hiệu nhà trường và ngay cả giáo viên hãy xem ngôi trường là nơi mình gắn bó, yêu thương, lấy việc đào tạo học sinh làm trọng sẽ bớt đi những ganh đua, hằn học, đấu đá với nhau.

Lãnh đạo gương mẫu, vị tha, giáo viên hết lòng vì học trò mới là điều mà xã hội mong muốn. Chỉ tiếc, một số hiệu trưởng nhà trường trong thời gian qua chưa thực sự là tấm gương, là đầu tàu để xây dựng đoàn kết nội bộ dẫn đến kiện cáo kéo dài. Một số giáo viên thì cái tôi quá lớn, luôn tìm những sai trái của lãnh đạo nhà trường để tố cáo…

Môi trường giáo dục mà như vậy thì rõ ràng chưa đẹp một chút nào! Bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tố cáo, người bị tố cáo mà uy tín của nhà trường, đồng nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH