Cử nhân các trường ngoài công lập thiệt thòi là do tư duy bằng cấp

26/03/2014 06:45
Diện Hứa
(GDVN) - Đó là quan điểm của PGS.TS Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng trường ĐHDL Phương Đông khi nói về cử nhân các trường CĐ, ĐH ngoài công lập gặp khó khăn khi đi việc.

Trong dịp đánh giá 20 năm phát triển các trường ĐH-CĐ ngoài công lập trung tuần tháng 3 vừa rồi, hiệu trưởng các trường ngoài công lập đã chỉ ra nhiều thiệt thòi, bất cập với sinh viên của họ sau khi ra trường, đặc biệt là tư tưởng phân biệt đối xử của một số nhà tuyển dụng. GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng không bằng lòng: “Trường tôi tự tin là có chất lượng, có uy tín, nhưng tại sao một vài năm trở lại đây sinh viên vào giảm đi? Vì học phí cao, vì một số địa phương tuyên bố không nhận sinh viên ngoài công lập. Nếu là tôi thì tôi cũng không cho con học ngoài công lập?.” Để góp phần giải quyết vấn đề ông Trần Hữu Nghị đưa ra, chúng tôi tìm hiểu ý kiến của một số nhà tuyển dụng, của các trường CĐ, ĐH ngoài công lập.

Có khác biệt

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Đào Đức Dũng, giám đốc trung tâm Đào tạo Tư vấn và Phát triển Espeed cho ý kiến, tiêu chí tuyển dụng của công ty tôi, không quan trọng bằng cấp. Vì tuyển dụng theo quan điểm của nước ngoài, đó là đặt khả năng thực sự của người lao động lên hàng đầu. Do vậy, cử nhân các trường ngoài công lập bước đầu không bị phân biệt.

Đào Đức Dũng- giám đốc trung tâm Đào tạo Tư vấn và Phát triển Espeed ( Ảnh: Internet)
Đào Đức Dũng- giám đốc trung tâm Đào tạo Tư vấn và Phát triển Espeed ( Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, theo suy nghĩ khách quan của anh Dũng, và đứng trên cương vị là một nhà tuyển dụng thì sinh viên của các trường công lập được học tập trong môi trường rộng hơn khiến cho việc tiếp xúc và va chạm xã hội tích cực hơn sinh viên các trường ngoài công lập.

Anh nói thêm, một bộ phận nhỏ sinh viên các trường ngoài công lập chưa coi trọng việc học, dẫn đến trình độ thấp, cách học đó ảnh hưởng đến cách sống cùng kỹ năng thực tế sẽ yếu kém.

Từ những nhận định trên, anh Dũng đưa ra lời khuyên cho sinh viên các trường ngoài công lập, đó là phải thay đổi cách học để nắm chắc kiến thức, tham gia nhiều các hoạt động xã hội cũng như làm thêm từ khi còn ngồi trên giảng đường, để bản thân tự tin và năng động hơn. Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều kỹ năng sống và kinh nghiệm để vào thực tế làm việc dễ dàng hơn. Chính điều này là chìa khóa cho các bạn sinh viên tự khẳng định mình.

Với chị Trần Thị Hương, giám đốc trung tâm Con học giỏi thì tiêu chí đánh giá một phần quan trọng qua việc thực tập và thử việc. Chị Hương cho biết, khi sơ tuyển chị đánh giá cao những thí sinh có kinh nghiệm xin việc và biết tạo điểm đặc biệt trong đơn xin việc của mình.

Vì vậy, có thể nói rằng đa số nhà tuyển dụng đều coi trọng trình độ làm việc hơn bằng cấp. Theo hướng đó, các trường CĐ, ĐH ngoài công lập phải tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhất để sinh viên không bị thiệt thòi khi đi xin việc.

Phải tự cứu mình

Liên quan đến chuyện phân biệt bằng cấp trong và ngoài công lập, PGS. TS Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng tường ĐH dân lập Phương Đông cho hay: “Đúng là vấn đề này có diễn ra, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của nó không phải tất cả các trường ngoài công lập, mà đối với một số trường, như trường Phương Đông, chúng tôi không thấy việc đó là nghiêm trọng.”

PGS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng tường ĐH dân lập Phương Đông (Ảnh: Internet)
PGS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng tường ĐH dân lập Phương Đông (Ảnh: Internet)

Bởi theo ông, đó là một phần do ảnh hưởng của lối tư duy bằng cấp trong xã hội. Phân tích kỹ hơn về điều này, ông Dụ cho rằng, thói quen bằng cấp ở nước ta vẫn nặng nề, từ việc phân biệt công ty nhà nước và những công ty tư nhân, theo đó bằng cấp do trường công lập hay ngoài công lập cấp cũng ảnh hưởng một phần không nhỏ đến một số nhà tuyển dụng.

Ông Dụ đưa ra môt ví dụ khá hài hước: "Một lần đi công tác sang Mỹ, thời điểm đó là những năm trước 1990, theo đoàn công chức sang đó, nhìn thấy một tòa nhà cao tầng, một người đã thốt lên: “ Tòa nhà này của nhà nước hay tư nhân”.  Từ đó thấy được tư duy bằng cấp và cơ chế ảnh hướng sâu sắc đến quan điểm của người dân đến mức nào".

Vì vậy, để thay đổi tư duy về bằng cấp, trước tiên các trường ngoài công lập cũng như sinh viên cần tự mình vươn lên, bằng mọi hình thức chứng minh trình độ của mình.

Ông nhấn mạnh, nếu có những ý kiến khách quan của các nhà tuyển dụng, nhận xét một số sinh viên trường ngoài công lập còn yếu kém, thì cần tiếp thu và cố gắng bồi dưỡng thêm kiến thức của mình để có một việc làm tốt, phù hợp với năng lực của mình.

Để làm được điều đó, trước tiên, phải nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.  Ngoài phần lý thuyết cần có, phần thực hành được chú trọng, cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, các ngành khoa học công nghiệp kỹ thuật đều có phòng thí nghiệm thật. Còn ngành kế toán có đặc thù khác hơn so với các ngành khác, trường cũng xây dựng phòng thí nghiệm ảo, chính là việc đưa ra những tình huống sẽ xảy ra khi đi làm việc để sinh viên học hỏi và làm quen dần.

Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, hướng dẫn thực hành, ông Dụ cho biết, nhà trường còn giáo dục tư tưởng cho sinh viên nhận thức được việc học là học cho chính họ, tiếp thu và nắm chắc kiến thức để khi ra ngoài thực tế áp dụng vào công việc.

Đặc biệt, có một điều khá khác lạ so với các trường, trong trường Phương Đông, nhà trường rất coi trọng việc giao tiếp, ứng xử giữa sinh viên với các giảng viên và nhân viên trong nhà trường. Đó cũng là một trong những mục tiêu đánh giá của nhà trường về tố chất và kinh nghiệm va chạm xã hội của sinh viên.

Diện Hứa