Đề án Ngoại ngữ QG 2020: GV yếu cả ngôn ngữ và phương pháp

30/11/2011 07:05
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) -TT Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ, với Đề án Ngoại ngữ QG 2020, hiện đã có 3.000 giáo viên tập trung học tập nâng cao trình độ sư phạm tiếng Anh. 
Bên lề Hội thảo giới thiệu về Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trò chuyện với báo giới. Thứ trưởng nói: “Khi triển khai Đề án thì năng lực của giáo viên chúng ta còn hạn chế rất nhiều, trong khi đây là đội ngũ chính quyết định chất lượng dạy học. Nên phải điều chỉnh Đề án sẽ theo phương châm coi trọng chất lượng, không vì mức độ mở rộng đề án mà hạ thấp chất lượng.

Thiếu cả giáo viên và cơ sở vật chất

Thưa ông, từ khi Đề án được phê duyệt năm 2008, bước đầu đã đạt được kết quả như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đề án được phê duyệt từ cuối 2008, thực tế, đến năm 2010 mới bắt đầu khởi động. Hiện tại đã thu được kết quả bước đầu, được nhà trường, địa phương hưởng ứng. Đề án đã khảo sát được trình độ giáo viên giảng dạy tiếng Anh và các Ngoại ngữ khác ở các địa phương, từ đó xây dựng được kế hoạch nâng cao năng lực Ngoại ngữ và phương pháp dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học. 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 có thể cần thiết phải điều chỉnh vì quan trọng nhất hướng tới là chất lượng. Ảnh Xuân Trung
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 có thể cần thiết phải điều chỉnh vì quan trọng nhất hướng tới là chất lượng. Ảnh Xuân Trung
Bước đầu đã có khoảng 3.000 giáo viên tập trung nâng cao học tập về trình độ, về ngôn ngữ và năng lực sư phạm tiếng Anh. Cùng với đó là xây dựng giáo trình dạy tiếng Anh cho các trường tiểu học và THCS theo quan điểm coi trọng chất lượng đầu ra và trình độ Ngoại ngữ của học sinh, lấy khung năng lực Châu Âu làm chuẩn. Trên cơ sở đó sẽ biên soạn tiếp SGK để dạy lớp 3, lớp 4 và cho cả THCS nữa.

Với một Đề án rộng và có thời gian thực hiện dài như vậy chúng ta có tham khảo mô hình từ các nước tiên tiến không thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong quá  trình xây dựng Đề án chúng ta có tham khảo từ nhiều kinh nghiệm ở các nước khác nhau như: Xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên, viết SGK, các tài liệu triển khai. Thời gian qua chúng ta được sự hỗ trợ từ nhiều đại sứ quan như Anh, Mỹ, Nhật và các tổ chức quốc tế khác. Thông qua những tổ chức như vậy chúng giới thiệu với họ nội dung của Đề án được thực hiện như thế nào. Cũng có những quốc gia khi nghe tới Đề án họ có băn khoăn rằng chỉ thực hiện cho tiếng Anh, nhưng thực tế còn thực hiện ở các Ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Nga, Nhật, Đức vẫn đang được giảng dạy bình thường.

Người Việt Nam học ngoại ngữ toàn coi trong ngữ pháp
Để Đề án được thực hiện tốt thì vấn đề giáo viên phải được coi trọng, thực tế cho thấy dù đã hạ chuẩn nhưng vấn đề tuyển giáo viên vẫn rất khó khăn, nhiều nơi phải sử dụng giáo viên trình độ chưa như mong muốn. Bộ Giáo dục có cách nào khắc phục tình trạng này không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thực tế khi Đề án được triển khai, năng lực của giáo viên chúng ta còn yếu. Chính vì vậy phải coi trọng chất lượng không vì mức độ mở rộng Đề án mà hạ thấp chất lượng. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đã cho ta rõ điều đó, nơi nào giải quyết được vấn đề giáo viên thì mới thành công được. Do vậy chúng ta mới có chủ trương nơi nào đủ điều kiện thì mới được triển khai, nơi nào chưa đủ thì vẫn tích cực chuẩn bị tiếp.
Để cho Đề án được thực hiện tốt hơn nữa đối với  khối tiểu học, học sinh phải học 2 buổi/ngày và giáo viên phải đạt trình độ tối thiểu là B1 (mức độ thứ 3, là thông lệ chung của thế giới, khi học sinh ở mức độ 1 thì giáo viên phải chênh 2 bậc). Nhưng thực tế giáo viên của chúng ta tốt nghiệp hệ cao đẳng chuyên ngữ chỉ ở mức độ 4 cho nên vẫn phải yêu cầu có trình độ B1, cố gắng sau 1 năm đi dạy và học để đạt trình độ tương ứng với bằng cấp. 
Còn việc hạ chuẩn mà vẫn khó tuyển giáo viên, thực tế đây là một vấn đề khó vì chúng ta chưa có nguồn sẵn về giáo viên. Ngay như giáo viên tiểu học cũng có những nguồn khác nhau, ngoài việc yếu về ngôn ngữ họ cũng yếu về phương pháp dạy học. Khó khăn nhất hiện nay là chúng ta đang thiếu giáo viên có chất lượng, chúng ta dạy Ngoại ngữ thường có thói quen coi trọng ngữ pháp, trong khi bây giờ dạy theo hướng giao tiếp, coi trọng 4 kỹ năng nghe- nói-đọc-viết.

Nhưng thưa ông, để có chất lượng giáo viên tốt thì cơ chế cho họ cũng phải tương xứng như công việc ổn định, lương đủ sống…Bộ có cơ chế gì cụ thể để giúp họ không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Khó khăn về lương, chế độ chính sách là khó khăn chung ở giáo viên tất cả các bộ môn. Việc cho giáo viên ổn định như vào biên chế, cái đó thuộc địa phương giải quyết. Khi nào học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thì mức biên chế sẽ rộng hơn, lúc đó các địa phương trong quá trình triển khai Đề án sẽ tuyển dụng dần. 

Đề án Ngoại ngữ quốc gia có được hiệu quả hay không không chỉ riêng vấn đề đội ngũ giáo viên mà còn bao gồm chương trình SGK, thực tế hiện nay chúng ta đang có nhiều SGK dạy Ngoại ngữ, điều đó không thống nhất. Vậy Bộ Giáo dục có giáo trình chuẩn không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ đã biên soạn SGK dạy tiếng Anh chính thức, ngoài ra các địa phương khi chưa triển khai Đề án đã sử dụng SGK khác để dạy, giáo viên đã quen và thực tế cũng có hiệu quả, Bộ cũng cho phép dùng những sách đó. Quan trọng là mình phải dần làm quen với dạy lấy chương trình để điều khiển. SGK chỉ là phương tiện, không phải là một pháp lệnh mà bắt buộc theo chương trình. Chương trình quan trọng nhất là chất lượng đầu ra của học sinh như thế nào để phản ánh đúng. 

Trước nhiều khó khăn và thách thức của đất nước, Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 với những mục tiêu đặt ra liệu có đạt được và khả quan?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chúng ta sẽ cố gắng giải quyết các khó khăn vào giai đoạn đầu từ nay đến 2015. Sau đó, khi các điều kiện đã được chuẩn bị đầy đủ thì việc tăng tốc về chất lượng, phạm vi có thể cơ bản đạt được các mục tiêu của đề án. Cũng có thể cần thiết phải điều chỉnh vì quan trọng nhất hướng tới là chất lượng. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Xuân Trung (ghi)