Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 (Quyết định 2289/QĐ-TTg) với mục tiêu làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và hiện đại hóa đất nước.
Trong bối cảnh đó, ngành Thiết kế công nghiệp - lĩnh vực vốn đã có sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới - đang dần khẳng định vai trò tại Việt Nam như một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị sản xuất hiện đại. Không chỉ đơn thuần là nghiên cứu sản phẩm đảm bảo tính nghệ thuật và thẩm mỹ, ngành Thiết kế công nghiệp còn là sự hội tụ của tư duy nắm bắt thị hiếu người dùng, sáng tạo công nghệ kỹ thuật cao và phù hợp với lối sống của con người trong kỷ nguyên số.
Nhận thấy tiềm năng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bắt đầu mở đào tạo ngành Thiết kế công nghiệp từ năm 2025. Đây không chỉ là một bước đi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc đón đầu xu thế công nghiệp hóa dựa trên đổi mới sáng tạo và sản xuất thông minh.
Giải mã "cơn khát" nguồn nhân lực ngành Thiết kế công nghiệp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Trưởng Bộ môn Cơ sở Nghệ thuật, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ: Giữ vị trí không thể thiếu trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất hiện đại, Thiết kế công nghiệp là một ngành học có sự kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học và công nghệ, góp phần tạo ra những sản phẩm độc đáo, tiện ích và thân thiện với môi trường.
Thiết kế công nghiệp không chỉ nhằm giải quyết bài toán thẩm mỹ, mà còn hướng đến việc tối ưu hóa công năng sử dụng, mang lại sự thuận tiện, thoải mái và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của con người hiện đại. Từ đó tìm ra công nghệ sản xuất, vật liệu tiên tiến, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm và nắm bắt được tâm lý khách hàng.

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những sản phẩm hiện diện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống thường nhật là kết quả của quá trình thiết kế công nghiệp như: cây bút viết, bộ bàn ghế, chai nước giải khát, khuy áo đính trên trang phục, hay cả ô tô, xe máy, tàu thủy, máy bay,... đến đồ gia dụng, thiết bị điện tử đến phương tiện giao thông, tất cả đều là sản phẩm của thiết kế công nghiệp.
Chẳng hạn, người tiêu dùng lựa chọn một bộ bát đĩa bởi màu sắc trang nhã, phù hợp với phong cách sống, hoặc cảm thấy ấn tượng bởi kiểu dáng bắt mắt, tiện dụng của chiếc xe đạp. Những yếu tố đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, sáng tạo và tính toán công phu dựa trên chức năng sử dụng, đối tượng người dùng và công nghệ sản xuất. Vì vậy, Thiết kế công nghiệp là một lĩnh vực đa năng, được xem là "linh hồn" của sản phẩm.
Tại nhiều quốc gia và khu vực có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ trên thế giới như Trung Quốc, châu Âu hay châu Mỹ, ngành Thiết kế công nghiệp đã đạt được những bước tiến vượt bậc, trở thành một lĩnh vực then chốt gắn bó mật thiết với sự phát triển của xã hội. Không chỉ đóng vai trò thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng và đổi mới công nghệ, thiết kế công nghiệp còn góp phần định hình lối sống, thị hiếu thẩm mỹ và trải nghiệm của người dùng trong mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn là một ngành học còn tương đối mới mẻ, dù nhu cầu về nguồn nhân lực đang ở mức cao và được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Thực trạng này có thể được lý giải từ bối cảnh lịch sử và cơ cấu phát triển kinh tế đặc thù của nước ta vốn lâu nay tập trung vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành công nghiệp nhẹ, lắp ráp. Khi nền sản xuất công nghiệp chủ yếu vận hành ở các khâu sau của chuỗi giá trị, hệ sinh thái công nghiệp chưa hoàn toàn đồng bộ, thì vai trò của lĩnh vực thiết kế công nghiệp dễ bị bỏ ngỏ nên nhận thức xã hội về ngành học này chưa thực sự rõ ràng.

Sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham dự cuộc thi “2025 Sustainable Hackathon” do nhà trường phối hợp cùng Chương trình Công trình Bền vững Việt Nam tổ chức. Ảnh: HUCE.
Mặc dù hiện nay ở một số nước phát triển, xu hướng quay trở lại với các sản phẩm thủ công (handmade) cũng được ưa chuộng bởi một bộ phận người tiêu dùng có gu thẩm mỹ riêng và tiềm lực tài chính phù hợp. Song, điều đó không làm thay đổi thực tế rằng thiết kế công nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đại chúng trên toàn cầu. Trong bối cảnh yêu cầu sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn, các yếu tố như năng suất, tính đồng bộ, khả năng nhân rộng và mức độ phù hợp với số đông vẫn được đặt lên hàng đầu. Thiết kế công nghiệp chính là giải pháp tối ưu để đảm bảo sự cân bằng giữa thẩm mỹ, công năng và chi phí.
Đằng sau mỗi lựa chọn tiêu dùng là cả một hệ sinh thái phức hợp giữa thiết kế - sản xuất - phân phối, trong đó thiết kế công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sản phẩm. Ngành học không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu hình thức bên ngoài của sản phẩm, mà còn gắn bó mật thiết với các yếu tố như tâm lý vùng miền, thị hiếu người dùng, điều kiện kinh tế cũng như cách con người tiếp cận, sử dụng và tương tác trong môi trường sống.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở và giàu tiềm năng phát triển
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế công nghiệp có thể theo đuổi nhiều hướng nghề nghiệp đa dạng và giàu tiềm năng phát triển. Trở thành nhà thiết kế sản phẩm, sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc tại các công ty sản xuất, thiết kế đồ gia dụng, thiết bị công nghiệp. Với năng lực tổ chức và điều phối các dự án thiết kế sản phẩm, người học cũng có thể đảm nhiệm vai trò quản lý dự án.
Những người yêu thích đổi mới sáng tạo có thể trở thành chuyên viên nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp hoặc viện nghiên cứu, tham gia vào quá trình phát triển các sản phẩm mới có giá trị ứng dụng cao.
Bên cạnh đó, ngành học này cũng mở ra cơ hội khởi nghiệp, giúp sinh viên có thể tự thành lập công ty thiết kế và sản xuất sản phẩm riêng. Ngoài ra, những người đam mê học thuật còn có thể theo đuổi con đường giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực Thiết kế công nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Sinh viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch tham quan triển lãm “Sinh viên sáng tạo và nghệ thuật thiết kế" hướng tới kỉ niệm 70 năm đào tạo, 60 năm thành lập Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: APC.
Là cơ sở giáo dục đại học có bề dày kinh nghiệm đào tạo cùng mạng lưới hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Kiến trúc và Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội quyết định mở ngành Thiết kế công nghiệp, đánh dấu định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Phát huy thế mạnh truyền thống trong đào tạo, nhà trường liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, bắt nhịp với xu hướng toàn cầu, thúc đẩy tư duy thiết kế bền vững, thân thiện với môi trường bằng các công nghệ mới. Sinh viên học ngành Thiết kế công nghiệp tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội sẽ được tham gia nhiều dự án thực tế, tiếp cận và sử dụng công nghệ hiện đại như in 3D, CNC và phần mềm thiết kế chuyên dụng.
Người học được trang bị hệ thống kiến thức toàn diện, kết hợp với năng lực thực hành chuyên sâu gồm: Thứ nhất, nguyên lý thiết kế giúp sinh viên hình thành ý tưởng và tạo ra những sản phẩm vừa đẹp mắt, vừa tiện dụng; Thứ hai, sinh viên được tiếp cận công nghệ sản xuất để hiểu về quy trình sản xuất, vật liệu và công nghệ hiện đại; Thứ ba, việc rèn luyện thành tạo các phần mềm thiết kế như AutoCAD, SolidWorks, Rhino, Photoshop, Illustrator,... giúp dễ dàng chuyển hóa ý tưởng thành mô hình thực tế.
Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng đào tạo tư duy thiết kế bền vững để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên; cũng như kỹ năng quản lý dự án giúp sinh viên biết cách lập kế hoạch, tổ chức và triển khai hiệu quả trong thực tiễn nghề nghiệp.
Lợi thế thực học - thực làm của sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Một trong những thế mạnh nổi bật của chương trình đào tạo ngành Thiết kế công nghiệp tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là sự gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết học thuật và thực tiễn nghề nghiệp. Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, sinh viên được đi tham quan, tham gia kỳ thực tập tại nhà máy sản xuất, công ty thiết kế.

Nhiều doanh nghiệp liên kết hợp tác được thành lập và điều hành bởi chính các cựu sinh viên của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tạo nên mạng lưới kết nối vững mạnh giữa chất lượng giảng dạy của nhà trường với môi trường làm việc thực tế. Đây không chỉ là nơi để sinh viên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp trong quá trình đào tạo, mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm thiết thực và bền vững sau khi ra trường.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn thiếu hụt đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản về thiết kế công nghiệp, mô hình đào tạo gắn liền với thực tiễn sản xuất và đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, có khả năng nhập cuộc với yêu cầu của thị trường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Thiết kế công nghiệp trong nước.
Đặc biệt, ngành học có sự gắn bó chặt chẽ với những thế mạnh đào tạo sẵn có của nhà trường. Với mạng lưới hợp tác sâu rộng cùng các doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Xây Dựng DELTA, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gỗ Minh Long,...; nhà trường tạo điều kiện để sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với môi trường sản xuất thực tế.
Nhiều tổ chức doanh nghiệp cùng đồng hành hợp tác trong quá trình đào tạo thông qua việc đưa sinh viên đến tham quan, thực hành tại nhà máy, xưởng chế tạo - nơi các ý tưởng thiết kế được chuyển hóa thành những sản phẩm cụ thể, ứng dụng trong đời sống hằng ngày.
Năm 2025, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến tuyển sinh 4700 chỉ tiêu vào 47 ngành/chuyên ngành, trong đó có 8 ngành học mới với 5 phương thức xét tuyển đa dạng, mở ra nhiều cơ hội đăng ký xét tuyển thuận lợi hơn cho các thí sinh.
Đáng chú ý, nhà trường bắt đầu tuyển sinh và triển khai chương trình đào tạo Nghệ thuật và Thiết kế với 90 chỉ tiêu, bao gồm: Thiết kế công nghiệp, Thiết kế đồ họa và Thiết kế thời trang. Thí sinh có thể đăng ký tổ hợp xét tuyển H00, H07, V00, V01 hoặc V02.
Năm ngoái, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội mở ngành Mỹ thuật đô thị, thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh. Ngành học không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn góp phần mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, góp phần tạo nên diện mạo mới cho không gian đô thị và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.